Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sống chung với... sắn
24 | 04 | 2008
Ai cũng biết cây sắn bùng phát tại miền Trung – Tây Nguyên đã và đang để lại nhiều hậu quả chưa dễ khắc phục trong ngày một ngày hai như tàn phá rừng, làm xói mòn, hoang hoá đất, ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên nếu nói cấm người dân trồng sắn là điều không thể, nhất là hiện nay giá sắn lát đang cao ngất ngưởng. Như vậy nên chăng tìm cách sống chung với... sắn?

Cây sắn trên thế thắng

Sắn lấn mía

Trong điều kiện thuỷ lợi còn hạn chế, chất đất xấu, bạc màu, đất có độ dốc lớn và đặc biệt là mùa khô kéo dài 6 tháng đã khiến cho rất ít loại cây trồng chống chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại miền Trung – Tây Nguyên, nhất là khu vực miền núi. Trong điều kiện đó cây mía và cây sắn vẫn phát triển và tỏ ra hiệu quả trên những vùng đất khô hạn.

Thực tế những năm qua cây mía được chính quyền và DN “ưu ái” đầu tư phát triển do nhu cầu mía nguyên liệu cho các nhà máy đường khá lớn. Cây mía được "cưng chiều" bởi một loạt chính sách như hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật…do vậy tại miền Trung – Tây Nguyên đã hình thành nhiều vùng chuyên canh mía tập trung tới cả ngàn ha.

Tuy được "nâng đỡ" nhưng cây mía cứ chao đảo bởi những nguyên nhân vốn là khuyết tật khó chữa, xảy ra thường xuyên của nền nông nghiệp lâu nay như giá thu mua thấp, năng suất mía không cao, mía chín nhưng nhà máy không kịp thu mua, thiếu nguyên liệu thì nông dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng đã ký với các NM đường, ngược lại dư thừa mía thì nhà máy ép giá nông dân...

Chính vì vậy những năm qua diện tích mía của khu vực này chỉ dao động ở mức trên dưới 80.000ha, thậm chí năm 2007 giảm gần 500ha so với năm 2006. Và trong những bước thăng trầm của cây mía thì luôn có cây sắn đứng bên, cứ cây mía ngụp xuống cây sắn lại nhô lên, cạnh tranh nhau một cách quyết liệt.

Dĩ nhiên trong cuộc đua ấy, cây sắn chịu nhiều thiệt thòi vì không ai nhất là cơ quan quản lý nhà nước chịu thừa nhận nó, thậm chí nó còn bị hắt hủi như đứa con rơi. Sắn là loại cây trồng làm nghèo dinh dưỡng đất rất nhanh nên các nhà khoa học, chính quyền địa phương đều khuyến cáo người dân không nên phát triển, không có một chính sách nào từ các ngành chức năng hỗ trợ. Thế nhưng dường như càng bị "phân biệt đối xử" cây sắn càng bung ra, không chịu nằm im.

Trước đây chưa có các NM chế biến tinh bột sắn thì cây sắn đã không hề lép vế so với cây mía. Ông Nguyễn Văn Sinh, PGĐ Sở NN- PTNT Đăklăk cho biết: Đặc biệt mấy năm vừa rồi, khi các NM chế biến tinh bột đua nhau ra đời (tính sơ bộ đã có gần 20 cái) cùng với hoạt động thu mua sắn lát nhộn nhịp của DN (chỉ có tình trạng mía ế chứ sắn thu về đến đâu bán hết đến đấy) thì diện tích cây sắn tỏ rõ thế áp “áp đảo” cây mía về cả diện tích cũng như hiệu quả.

Sắn gặp thời

Trong vài năm trở lại đây, nhất là từ khi ngành chế biến TAGS phát triển thì giá sắn tăng chóng mặt theo cấp số nhân. Nếu năm 2005 giá sắn tươi chỉ ở mức 300 đồng/kg, thì đến năm 2006 giá tăng lên 600 đồng/kg và niên vụ 2007 – 2008 giá sắn tươi đã tăng lên 1.100 – 1.200 đồng/kg. Nếu tính bình quân mỗi ha sắn đạt năng suất 20 tấn thì sau khi trừ chi phí người dân còn lãi từ 15 – 17 triệu đồng, trong khi chỉ trồng 6 – 8 tháng là cây sắn có thể thu hoạch.

Còn cây mía tại miền Trung – Tây Nguyên năng suất các năm qua bình quân cũng chỉ đạt 50 tấn/ha, giá thu mua của các nhà máy hiện nay khoảng 400 ngàn đồng/tấn, trong khi thời gian đầu tư gần một năm. Chi phí đầu tư cho cây mía cũng rất lớn, đặc biệt là khâu thu hoạch, do vậy sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi 7 – 10 triệu đồng/ha. Theo một số người, chỉ riêng khâu thu hoạch sắn so với mía người dân đã sướng hơn nhiều, hoàn toàn chủ động (không nhất thiết phải bán cho các NM chế biến), còn cây mía nếu không bán cho NM thì chỉ có nước phơi…làm củi, nếu không muốn bị các lò đường thủ công ép giá.

Hiệu quả cao, đầu tư ít, kỹ thuật trồng chăm sóc đơn giản, chủ động khâu thu hoạch đã khiến cho cây sắn chiếm thế thượng phong hơn hẳn cây mía. Một điểm khá mạnh nữa của cây sắn là có thể trồng sắn trên vùng đất dốc trên 30 độ (các loại cây trồng khác không thể phát triển được) và ở vùng khô hạn lượng mưa dưới 500mm/năm.

Năm 2008, nhiều người lo ngại diện tích sắn sẽ "bùng nổ" nhất là khi mùa mưa đến, các tỉnh có nhiều diện tích mía, điều bị phá bỏ người dân sẽ chuyển sang trồng sắn…với diện tích cả ngàn ha.

Chính những yếu tố đó khiến diện tích sắn tại miền Trung – Tây Nguyên ngày càng tăng mà không biện pháp hành chính nào có thể "hãm" lại được. Năm 2005 diện tích sắn là 149.154ha, đến năm 2006 đã tăng lên 196.348ha, năm 2007 tụt giảm tạm thời xuống 180.000ha. Tuy nhiên đây chỉ là con số thống kê, chứ thực tế diện tích sắn lớn hơn nhiều do nông dân tự phát phá rừng trồng sắn ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Vả lại biết cây sắn bị "ghét bỏ" nên người ta thường cố tình báo cáo diện tích trồng sắn ít đi để lấy thành tích.




Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường