Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siêu thị “oằn mình” trong cơn bão giá
26 | 04 | 2008
Không chỉ người tiêu dùng, mà ngay tại hệ thống siêu thị Hà Nội, cũng đang phải “oằn mình” gánh chịu những đề xuất điều chỉnh giá của các nhà cung cấp
Một tháng “đòi” tăng giá 3 lần

Vừa thoát ra khỏi đợt tăng giá trước và sau tết Mậu Tý 2008, giá xăng dầu tăng vào cuối tháng 2 cũng đã khiến cho giá cả, đặc biệt là các mặt hàng nhảy cảm như thực phẩm, dồn dập tăng thêm.

Không kể các chợ, tại hệ thống siêu thị ở Hà Nội, mặt hàng thực phẩm đã tăng trên 10%, cá biệt sản phẩm vinacafe tăng tới 20%.

“Các nhà cung cấp hàng hoá trong một tháng đòi tăng giá 2- 3 lần, thực phẩm là mặt hàng biến động mạnh nhất; chúng tôi liên tục nhận được yêu cầu về tăng giá của các nhà sản xuất” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc chuỗi Hapro Mart cho biết.

Vậy nên, bên cạnh áp lực đảm bảo mặt bằng giá để giữ chân khách hàng, việc đối phó với những yêu cầu từ nhà cung cấp đang đè nặng các siêu thị.

Bà Hiền nêu ví dụ: “Công ty thực phẩm Đông Đô 1 tháng yêu cầu chúng tôi tăng giá hàng hoá nhập vào của họ đến 2 lần, giá cá hồng tầm của đơn vị này được báo tăng tới 60% so với giá cũ. Khi chúng tôi không đồng ý, họ đã gây áp lực bằng cách không giao hàng, tình trạng này kéo dài từ đầu tháng 3 tới nay”.

Còn theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc BigC Thăng Long, tình trạng khan hiếm của một số mặt hàng do nguyên liệu đầu vào tăng mạnh cũng đang làm cho số lượng sản xuất không ổn định (trong đó, bột tăng 124%, dầu 108%, đường 24%, gạo 81%).

“Thời gian qua, BigC luôn nhận được yêu cầu tăng giá của các nhà phân phối. Lý do mà họ đưa ra, ngoài nguyên nhân từ thế giới, hầu hết đều xoay quanh việc giá xăng dầu tăng khiến các chi phí vận chuyển, sản xuất, giá các nguyên vật liệu nhựa, bao bì; các đợt dịch (lợn tai xanh, cám gia cầm…) cũng làm giảm nguồn cung thực phẩm thịt, cá…” - ông Dũng nói.

Tuy lượng hàng cung cấp ra thị trường chỉ chiếm 10%, bên cạnh 90% từ các chợ truyền thống, hàng rong, nhà sản xuất, nhưng đi mua sắm tại các siêu thị hiện đã trở thành một nhu cầu tất yếu của người dân Hà Nội.

Trong cơn “bão giá” theo thừa nhận của bà Nguyễn Thị Thu Hiền, người tiêu dùng có xu hướng giảm nhu cầu chi tiêu.

Không thể để áp lực tăng giá ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, ngay từ đầu tháng 4, các siêu thị hối hả bắt tay tìm các biện pháp kìm chế tăng giá thời lạm phát.

Biện pháp chính mà các siêu thị áp dụng là chính sách thương lượng điều chỉnh giá với các nhà cung cấp của mình.

Ông Dũng bày tỏ: “Khó để nói không với yêu cầu của các nhà cung cấp nhưng với những đơn vị đòi tăng giá một cách bất hợp lý, chúng tôi từ chối thẳng thừngbằng cách tìm những mặt hàng thay thế và các nhà cung cấp mới có giá cạnh tranh hơn”.

Trong bộn bề công việc thời lạm phát, bà Hiền không ngừng lo lắng vì các đơn hàng được chuyển đến từ các nhà phân phối liên tục “réo gọi” tăng giá.

“Đã có rất nhiều nhà cung cấp yêu cầu vô lý như tăng giá ngay trong ngày, trong khi hợp đồng kí giữa chúng tôi điều khoản ghi rõ: trong một năm, quy định thay đổi giá phải được báo trước từ 7- 10 ngày. Cách giảm bớt độ tăng giá là lựa chọn ngành hàng thay thế”.

Bên cạnh các biện pháp trên, các siêu thị tăng cường các chương trình khuyến mãi, tặng quà, giảm giá trực tiếp trên từng sản phẩm. BigC với gần 300 mặt hàng có giá hấp dẫn nhất trong chương trình khuyến mãi “Hạ nhiệt mùa hè”; Haprp Mart với chương trình giảm giá đặc biệt dành riêng cho từng địa phương…

Tuy nhiên, theo khảo sát của báo giới, các mặt hàng nằm trong chương trình giảm giá đặc biệt của các siêu thị thời gian này thường thiên về hàng thông dụng như: đồ điện lạnh, quần áo, đồ gia dụng.

Mặt hàng thực phẩm cũng có giảm giá nhưng chỉ nằm ở một vị trí khiêm tốn trong danh mục giảm giá, khuyến mãi.



Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường