Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chung "còi” làm giàu
23 | 04 | 2008
Người dân thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương vẫn gọi ông chủ Nhà máy rau quả đông lạnh Sơn Đông một cách thân mật như vậy. Cái danh “Chung còi” đã nổi tiếng trong khắp vùng trồng cà rốt này cũng như giới kinh doanh mặt hàng này.

Bởi chính anh chứ không phải ai khác đã đưa củ cà rốt quê hương thành mặt hàng có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Ông chủ cũng là công nhân

Tên đầy đủ của anh “ Chung còi” là Nguyễn Văn Chung. Là con út trong một gia đình nông dân có bốn anh em. Tốt nghiệp lớp 12, anh ngừng học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Anh đã từng cùng gia đình Nam tiến kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Cuộc sống vất vả đã hằn in dấu vết trên con người anh. Thế nhưng bù lại cuộc "Nam tiến" đã trở thành cơ sở sau này cho việc tìm kiếm bạn hàng và đầu ra sản phẩm cà rốt của Nhà máy.

Hàng năm, cứ đến mùa làm cà rốt là anh lại ra Bắc, xong vụ anh lại vào trong đó làm việc, nhưng cứ đi lại như vậy rất tốn kém nên anh đã quyết định ở lại luôn quê hương để làm việc. Vào vụ, cà rốt được mùa, thị trường miền Bắc đã bão hòa. Anh trăn trở “cà rốt quê ta nhiều, ta phải làm thế nào để đưa cà rốt của vào các thị trường khác cũng như thị trường miền nam và hướng đến xuất khẩu”.

Sau nhiều năm lang thang kiếm sống, đến năm 2005 anh đã lập dự án xây dựng nhà máy rau quả đông lạnh. Để thực hiện kế hoạch của mình, anh đã thuê một mảnh đất rộng hơn 3 ha và vay vốn ngân hàng gần 3 tỷ đồng để mua máy móc thiết bị và thuê nhân công. Năm 2006, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động với tên giao dịch là Nhà máy rau quả đông lạnh Sơn Đông, công suất một ngày rửa cà rốt lên đến 300 tấn/ngày. Từ đây, anh quyết định “trụ” lại ở quê hương và làm giàu bằng chính bàn tay trí óc của mình.

Nhà xưởng của anh có quy mô và hiện đại nhất huyện Cẩm Giàng. Anh đã đầu tư 6 dây truyền rửa cà rốt hiện đại công nghệ Trung Quốc, Đài Loan và 4 kho lạnh, trong đó có 1 kho lớn có sức chứa 100 tấn, 3 kho nhỏ có sức chứa từ 40-50 tấn/1kho. Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, sản phẩm của Nhà máy chủ yếu cung cấp cho thị trường phía Nam. Từ năm 2007, anh mạnh dạn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Dáng vẻ nhỏ nhắn, còi cọc, ăn mặc thì lôi thôi, nhìn ngoài không ai nghĩ đó lại là ông chủ của cơ ngơi nhà máy sản xuất rau quả đông lạnh lớn như vậy. Nhiều người không tin, còn bảo "ông chủ gì mà trông ăn mặc, dáng vẻ như anh công nhân ấy”. Không chỉ là ông chủ , anh Chung còn kiêm nhiều chức: kế toán, vận hành máy móc, thu mua sản phẩm...

Làm cật lực mà không hết việc

Công nhân thường trực ở đây là 80 công nhân, có những ngày nhiều việc lên đến 120 người, “tôi trả mỗi người 80 ngàn/1ngày cơm ăn ba bữa, có chỗ ở cho những công nhân ở xa”- anh Chung nói. Xưởng của anh, nhân công nam chủ yếu là thanh niên ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), còn nhân công nữ là các cô, các chị tại hai thôn Xuân Kiều, An Phú xã Đức Chính, thôn Hoàng Gia xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương.

Với số lượng lớn công nhân đông, công việc nặng nhọc, bữa cơm được anh Chung hết sức lưu ý. “Vì chúng tôi làm mệt, anh Chung đã thuê một người chuyên nấu cơm, bữa ăn chấp nhận được” – anh Trần Nguyễn Phòng cho biết. Thời gian làm của công nhân nhà máy cũng phải phân bố thất thường, buổi sáng làm từ 8h sáng đến 1-2h chiều mới nghỉ tay để ăn cơm trưa. Và thời gian nghỉ trưa chỉ được 1 giờ, ngày cao điểm chỉ còn 15 phút. “Có những ngày nhiều hàng chúng em phải làm đến 2h đêm mới nghỉ, sáng hôm sau vẫn đi làm bình thường” – anh Nguyễn Văn Sáu cho hay.

Anh thu mua tại nhà máy với giá 2.500 đồng/1kg cao hơn giá mặt ruộng một giá nên người dân tự chở đến đây bán rất nhiều. Các dòng xe chở cà rốt cứ nườm nượp nối đuôi nhau chở về nhà máy của anh. Con đường vào nhà máy trở nên tấp nập với tiếng công nông nổ dòn, tiếng còi ôtô inh ỏi hòa cùng tiếng cười của các bác nông dân vui mừng vì được mùa cà rốt. Một ngày nhà máy của anh thu mua được từ 150- 200 tấn, vào ngày cao điểm lên đến 400 tấn. Anh Chung cho biết: “Nhà máy của anh một tháng xuất kho 2.000 – 3.000 tấn, có ngày cao điểm xuất kho đến 200 tấn”.

Anh Chung cho biết thêm, xong vụ làm cà rốt này anh lại chuyển sang làm vải đông lạnh, rồi củ cải đường.



doanhnhan24h.vn
Báo cáo phân tích thị trường