Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người thành đạt cá biệt
25 | 04 | 2008
Từ một giám đốc tiếp thị Công ty Pepsi Việt Nam, trở thành giám đốc marketing toàn cầu của Tập đoàn Pepsi, Trần Bảo Minh (36 tuổi) còn là người châu Á đầu tiên được chọn vào chức vụ quan trọng này ở một tập đoàn kinh doanh nước giải khát lớn nhất nhì thế giới.

Có những ký ức không thể lãng quên, dù là một ký ức không vui. Thời phổ thông, ngoài môn văn được Minh yêu thích (và học rất khá), các môn còn lại đều làng nhàng, đặc biệt hai môn toán và lý thì rất tệ. Nói năng bạt mạng, hay châm chọc bạn bè, dốt toán... Minh nhanh chóng bị liệt vào học sinh cá biệt.

Chơi cá biệt, học cá biệt thì ý chí cũng cá biệt. Ngay đầu hè lớp 10, Minh quyết định vào Sài Gòn để chỉ luyện hai môn: toán, lý. 90 ngày Minh đóng cửa cùng thầy ôn lại tất cả những kiến thức cơ bản của hai môn này.

Bất ngờ đầu tiên: được bầu chọn làm lớp phó học tập giữa năm lớp 11 và trở thành lớp trưởng gần cuối học kỳ hai. Đặc biệt, cuối năm lớp 11, sự kiện Trần Bảo Minh - vốn là học sinh cá biệt cùng lúc được chọn vào hai đội tuyển giỏi toán, lý đã trở thành chuyện khó quên của lứa học trò khối 11 Trường PTTH Vũng Tàu thời 1984-1985.

Bài học đầu đời

Với sức học như vậy, không có gì khó khăn khi Bảo Minh trở thành thủ khoa của toàn tỉnh thời bấy giờ khi thi vào Trường đại học Kinh tế đạt 20,5 điểm. Tuy nhiên, trò chuyện với chúng tôi trong phòng khách nhà mình, Bảo Minh thẳng thắn nhìn nhận anh chỉ có mục tiêu học trong sáu tháng đầu tiên của đại học (thời đó, trong sáu tháng đầu nếu đạt số điểm tiêu chuẩn, các sinh viên sẽ được chọn đi Nga học). Sự thông minh, nhanh nhạy không đủ để Minh thực hiện mục tiêu của mình khi Minh rớt môn lịch sử Đảng.

Ở lại học trong nước với chuyên ngành kinh tế quốc dân, hơn ba năm rưỡi đại học trôi qua với kết quả trung bình thì đến kỳ thi tốt nghiệp cậu sinh viên K12 này lại một lần nữa thể hiện sự “cá biệt” của mình khi chuẩn bị thi đúng vào dịp World Cup 1990. Quá mê bóng đá, Minh đã bỏ ngoài tai lời khuyên của bạn bè và giấu cả gia đình, bỏ thi, tập trung... xem bóng đá để sang năm thi lại.

Nhờ uy tín của cha (giám đốc một ngân hàng), chàng sinh viên chưa tốt nghiệp dễ dàng được nhận vào thực tập tại một công ty lớn. Thời gian cứ lặng lẽ trôi và đột biến xảy ra khi Minh gặp một người bạn của chú ruột mình (trong những ngày thực tập nhàm chán ấy), với câu nói: “Người ta có thể có tất cả tiền tài, danh vị nhưng cũng có thể mất tất cả. Chỉ duy nhất có một thứ không bao giờ mất và luôn nằm mãi trong đầu mình, đó là kiến thức”.

Khác hẳn với sự tự ái tuổi học trò năm năm trước, lần này Minh thật sự tỉnh ngộ. “Ý nghĩ không thể tồn tại giữa đời với cái đầu trống rỗng luôn khiến tôi trăn trở”. Lại một lần nữa Minh lao vào học để thi tốt nghiệp và sau đó quyết định đi du học tự túc tại Úc với ý định nâng cao kiến thức.

Dù người tư vấn cho Minh lúc bấy giờ chỉ đề nghị anh theo học một khóa về quản lý kinh tế, nhưng mê marketing nên Minh quyết định học cao học và ghi tên thi vào Trường Metropolitan Business College (MBC). Anh là một trong ba sinh viên VN thi đậu vào trường này năm 1991.

Thăng trầm và thành công

“Hôm nay tôi muốn giới thiệu một người mà tôi đã có những nhận xét sai lầm, người đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ của tôi trong thời gian qua, người đã mang lại cho tôi sự thú vị đến ngạc nhiên... đó là Minh Trần Bảo, giám đốc marketing Pepsi VN” - ông giám đốc Công ty Pepsi khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chris O’ Donohue đã giới thiệu về Trần Bảo Minh như vậy trước khi anh lên nhận giải thưởng “Giám đốc marketing xuất sắc nhất châu Á - Thái Bình Dương” của Công ty Pepsi tại Bali tháng 12-2001.

Điều gây ngạc nhiên cho vị lãnh đạo cao nhất của Pepsi khu vực là chính ông trước đó gần một năm đã không đồng ý giao nhiệm vụ này cho người VN khi giám đốc cũ người nước ngoài được điều động làm công việc khác.

Sau khi tốt nghiệp về nước, Minh khởi đầu sự nghiệp bằng việc làm quảng cáo bán hàng của Công ty Intel. Dù công việc khá nhàn, lương cao nhưng không đúng với ước mơ của mình là thiết lập một chiến lược về tiếp thị dài hạn, Minh quyết định xin chuyển về Công ty IBC khi đậu trong kỳ tuyển chọn quản lý nhãn hàng. Tuy nhiên, kiến thức của một thạc sĩ kinh tế chuyên về marketing lúc bấy giờ chỉ được coi là lý thuyết suông so với những nhà kinh tế gạo cội nhiều kinh nghiệm, và Bảo Minh được coi như hàng “tồn kho” khi ba năm liền lang thang ở các bàn bida nhiều hơn có mặt ở công ty.

Lý do gì khiến Minh không chuyển công ty khi không được trọng dụng? - Tôi tin vào tiềm năng của công ty và sẽ có sự thay đổi bởi công ty sẽ không đứng vững nếu không có một chiến lược tiếp thị hiệu quả, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Cơ hội bắt đầu hé mở khi tổng giám đốc mới (Gau Tham) nhận chức, trực tiếp phỏng vấn các cán bộ đầu ngành, và sau cuộc phỏng vấn này Bảo Minh thật sự được làm công việc mà mình đã học. Gần như ngày nào cũng vậy, từ 8g - 22g chàng trai này đã cùng các nhân viên trẻ của mình miệt mài thực hiện các chương trình về bán hàng, đề ra kế hoạch về tiếp thị công cộng và truyền thông… Nhưng dù làm đến 80% công việc của một giám đốc tiếp thị thì khi giám đốc marketing người nước ngoài chuyển công tác, Minh vẫn không được bổ nhiệm thay thế.

Lại thêm một cơ hội hé mở khi tổng giám đốc lúc này là người VN (anh Phạm Phú Ngọc Trai) hết lòng đề cử Minh, thậm chí cam kết với chủ tịch vùng bằng chính uy tín của mình. Và với sự đề cử này, chủ tịch Tập đoàn Pepsi khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chris O’ Donohue buộc phải chấp nhận để Minh thử việc.

Ước mơ được chắp cánh. Hàng loạt chương trình tiếp thị do Minh khởi xướng tung ra tạo tiếng vang lớn trong giới. Ân tượng nhất là: Từ World Star Challenger đến ngày hội kỹ thuật bóng đá Pepsi (giải thưởng chương trình marketing xuất sắc nhất khu vực). Tháng 10-2001, Trần Bảo Minh được chọn đảm nhận chức giám đốc marketing của một công ty quốc tế.

Gần như không có gì để kìm hãm sức sáng tạo và khả năng lao động đến đam mê của chàng trai này. Năm 2002, Pepsi thành công với hàng loạt sản phẩm mới từ nước tinh khiết Aquafina, Mirinda, đến các sản phẩm hương vị trái cây. Nhưng dấu ấn đậm nét nhất và cũng thành công nhất của công tác marketing là việc đưa sản phẩm nước tăng lực Sting (2002) và Twister (2003) vào thị trường.

Từ loại nước tăng lực với thành phần chủ yếu là chất taurinne qua nghiên cứu ở thị trường châu Á với chất nhân sâm được yêu chuộng, giám đốc marketing Trần Bảo Minh đã quyết định đưa chất này vào nước tăng lực để tăng hiệu quả thuyết phục người tiêu dùng.

Từ nghiên cứu người VN có thói quen dùng nước cam với đá, đường, Minh đã đưa ra sự kết hợp giữa nước tinh khiết, đường với tinh bột cam thay cho sản phẩm Twister kiểu Ân Độ (đặc sệt của cam nguyên chất dùng để ăn chay) thành nước cam Twister kiểu VN hiện nay.

Có thể nói năm 2003 là năm thành công của Công ty Pepsi VN khi các nhãn hàng Sting tăng 30%, Aquafina tăng 80%, các loại nước trái cây tăng 150% và các sản phẩm chủ lực (Pepsi, PepsiX, Mirinda...) cũng tăng 9%... Kết quả này có công sức đóng góp không nhỏ của Minh.

Nhận xét về Minh, tổng giám đốc Công ty Pepsi VN Phạm Phú Ngọc Trai khẳng định: Minh đã là người VN đầu tiên thay thế công việc vốn của người nước ngoài (giám đốc marketing) tại VN thì việc được chọn vào “tổng hành dinh” của Tập đoàn Pepsi tại Mỹ là một sự phát triển
hãnh diện của lớp trẻ...

Chợt nhớ tới một câu tâm sự thoáng qua của anh: “Cuộc đời là một sự chinh phục. Chinh phục chính mình và chinh phục mọi người để có ích cho nhiều người”. Nghe như một triết lý nhưng cũng là một khát vọng giữa đời của giới trẻ hôm nay.

Vượt qua thử thách sau 45 phút trả lời phỏng vấn lãnh đạo cao nhất của tập đoàn tại London, Trần Bảo Minh chính thức được giao trọng trách là giám đốc marketing toàn cầu của Tập đoàn Pepsi.

* Từ một thị trường nhỏ với sản lượng 18 triệu két/năm sang đảm nhận công tác marketing của một thị trường với gần 3 tỉ két/năm (trừ Canada và Mỹ), Minh có cảm thấy âu lo?

- Đây là một sự tín nhiệm nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Nhưng lo nhất vẫn là phải chứng minh được khả năng của người châu Á và người VN. Tuy nhiên, tôi tin mình sẽ làm được bởi có sự hỗ trợ của một bộ máy chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Điều tập đoàn cần ở tôi là sự sáng tạo, mà điều này thì người VN chúng ta không thiếu.

* Là một giám đốc trẻ, anh có dự tính gì cho công việc mới của mình?

- Tiếp tục chương trình đa dạng hóa sản phẩm nhưng tập trung “vùng hóa”. Có nghĩa là phát triển sản phẩm trên cơ sở khai thác thói quen của người tiêu dùng từng khu vực, từng quốc gia.

* Là một người thành đạt, anh có lời khuyên gì với các bạn trẻ?

- Cần tự tin, có khát vọng nhưng phải học hỏi và lao động bằng sự đam mê, đặc biệt là phải có tính kiên nhẫn (cười).



doanhnhan24h.vn
Báo cáo phân tích thị trường