Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam sau một năm gia nhập WTO - Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng
24 | 04 | 2008
Việt Nam (VN) đã được những gì sau hơn 1 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)? Điều gì đang tác động nền kinh tế VN? Đây là nội dung của hội thảo “Tác động từ việc gia nhập WTO đến kinh tế - xã hội Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban châu Âu tổ chức ngày 23-4 tại TPHCM. Gần 400 doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã tham dự hội thảo
Môi trường pháp lý đã được cải thiện

Hầu hết ý kiến của các diễn giả khẳng định, việc gia nhập WTO đã mang lại cho kinh tế VN những luồng gió mới. Đó là, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào VN tiếp tục tăng mạnh, thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng, nhiều mặt hàng nông nghiệp của VN đã được thế giới biết đến, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng được đẩy mạnh hơn… Nhưng theo nghiên cứu của GS Claudio Dordi - Trường Đại học Bocconi (Ý), tác động lớn nhất từ WTO đối với VN chính là môi trường pháp lý của VN đã được cải thiện đáng kể. Uy tín của VN đã tăng lên nhờ hệ thống pháp luật quy định rõ ràng và minh bạch hơn theo sân chơi chung của WTO.

Còn theo nghiên cứu của TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, quan hệ giữa Chính phủ với khu vực kinh tế tư nhân đã có thay đổi tích cực, bằng chứng là Chính phủ thừa nhận kinh tế tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế VN. Liên quan đến hải quan - lĩnh vực được DN phàn nàn nhiều nhất trước khi gia nhập WTO, các DN cho biết đã có sự cải thiện đáng kể nhờ sức ép của WTO.

Quá nhiều thách thức!

Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế dù cao, vẫn không bằng tốc độ tăng giá tiêu dùng. Bằng chứng là tỷ lệ tiết kiệm trong nước trên GDP trong nhiều năm qua chỉ dừng ở mức 30%. Tăng tiêu dùng, nhất là tăng từ nguồn nhập khẩu sẽ làm đảo lộn cán cân thanh toán vĩ mô. Xu hướng xài sang đã xuất hiện khá rõ nét trong năm 2007 - điều rất đáng lo ngại với một đất nước còn nghèo như VN!

Theo phân tích của ông Thành, trong số 7,4 tỷ USD nhập siêu trong quý 1-2008 (dự báo năm 2008 có thể lên tới 19 tỷ USD), thì mặt hàng ô tô chiếm tới 250 triệu USD. Kế đến là nhập siêu thép chủ yếu để đầu cơ chứ không phải phục vụ ngay cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đáng lưu ý, nhập siêu máy móc tăng cao để phục vụ hạ tầng nhưng hầu hết các dự án này đều nằm trong danh sách bị thất thoát vốn lớn nhất của VN. Nếu cứ duy trì cách làm này sẽ đe dọa đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia tư vấn cao cấp, cũng băn khoăn: “Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp vẫn khá tốt, giá trị sản lượng tăng, nhưng thực chất giá trị gia tăng lại rất khiêm tốn. Nghịch lý này cũng cho thấy chúng ta chưa đầu tư cho việc thay thế hàng nhập khẩu. Con số hơn 80% DN FDI phải đi nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài vào VN để sản xuất đã chứng minh khá rõ”. Vấn đề đáng lo ngại nữa là năng lực cạnh tranh hàng hóa của chúng ta còn thấp và chậm được nâng cao, nhất là hàng nông sản và dịch vụ, nhưng lại chưa có chiến lược phát triển một cách bài bản, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề như kiện chống bán phá giá…

Theo bình luận của GS Claudio Dordi, rất khó có thể bóc tách tác động tiêu cực và tích cực từ WTO đối với nền kinh tế VN. Liên quan đến vấn đề lạm phát trong thời gian qua, ông cho rằng đó không phải tác động của WTO mà do biến động của thị trường thế giới, mà nguồn gốc là sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Để tác động của WTO tích cực và hiệu quả hơn đối với VN, theo GS Claudio: “VN cần tập trung vào ba yếu tố, đó là tiếp tục cải thiện môi trường và thể chế, đầu tư mạnh cho giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng.



Nguồi: Sài Gòn Giải Phóng
Báo cáo phân tích thị trường