Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiền Giang: làm tốt thương hiệu cây ăn quả sẵn sàng cho hội nhập
05 | 09 | 2007
Tỉnh Tiền Giang hiện có diện tích 64.000 ha và sản lượng đạt gần 790.000 tấn quả, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và được đánh giá có vườn cây ăn quả lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả (NCCAQ) miền Nam, nhận xét: "sản lượng cây ăn quả ở Tiền Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung vẫn chưa đa dạng và thiếu đồng bộ". Do đó, hiệu quả cây nông nghiệp và nguồn thu của các nơi còn thấp, chưa tích lũy nhiều cho đầu tư. Xu hướng cơ giới hóa cũng là rào cản làm giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đây là những vướng mắc cần tháo gỡ trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là vào thời điểm Việt Nam sắp gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Tại Tiền Giang, Chương trình an toàn sạch bệnh và bền vững đang tác động đến nhiều nhà vườn về kỹ thuật sản xuất và chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, tỉnh tập trung giữ uy tín và thương hiệu các loại bưởi long Cổ Cò, cam sành Cái Bè, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, xơ ri Gò Công và sầu riêng ngũ Hiệp... gắn với địa danh của từng địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, ở huyện Cái Bè có hai sản phẩm được nhiều người biết đến là bưởi long Cổ Cò và xoài cát Hòa Lộc. Đây là hai sản phẩm có khả năng hòa nhập với thị trường trong khu vực, nếu được đầu tư đúng mức từ sản xuất đến thu hoạch, vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ.

Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa, Chủ tịch Hội làm vườn của huyện Cái Bè, một trong vùng trọng điểm sản xuất trái cây lớn nhất tỉnh, cho biết: "Trong nền kinh tế hội nhập, điều cốt lõi là phải khai thác tốt thương hiệu, gắn được sự liên kết "4 nhà": nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và kỹ thuật". Hiện nay, 2 HTX bưởi long Cổ Cò và xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè) mới thành lập và đang mở rộng thương hiệu. Để phát huy được hiệu quả của thương hiệu, phải có sự tác động lớn hơn nữa. Quan trọng là Nhà nước phải đầu tư vốn, để quy hoạch vùng nguyên liệu. Đối với huyện không thể đầu tư vốn, mặc dù ngân hàng có mở để cho dân vay, nhưng hiện nay rủi ro còn quá lớn nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư. Hướng tới, các HTX này phải gắn với người sản xuất mới có hiệu quả lớn trong tương lai. Hiện nay, bưởi long Cổ Cò giao cho Viện NCCAQ miền Nam làm xuất xứ hàng hóa và phân tích AND. Riêng xoài cát Hòa Lộc giao cho Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu. Dự kiến, tới tháng 12/2006 mới xong hai đề tài này, khi đó xuất xứ hàng hóa mới đảm bảo.

Theo viện NCCAQ miền Nam, để hội nhập, hiện nay thị trường gần nhất là Trung Quốc. Hàng hóa qua Trung Quốc phải có địa chỉ, xuất xứ và mẩu mã phải ghi bằng tiếng Trung Quốc nghiêm túc. Các chuyên gia nghiên cứu về cây ăn quả nói, ngoài tiêu chuẩn GAP của châu Âu, thì châu Á cũng phát triển theo tiêu chuẩn Asean-GAP. Tiêu chuẩn này tương đồng với sản phẩm nông nghiệp tốt (theo tiêu chuẩn châu Âu). Một số quốc gia trong khu vực cũng đã xây dựng quy trình chất lượng và an toàn thực phẩm cho riêng mình. Đối với Việt Nam cũng không loại trừ, một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm nông sản theo quy trình Việt Nam-GAP. Đây là khởi điểm thuận lợi, mở hướng cho các sản phẩm có điều kiện tham gia vào thương trường lớn trong khu vực và trên thế giới.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng quả, tỉnh Tiền Giang chọn 7 loại đặc sản của địa phương để xây dựng thành vườn chuyên canh gồm: sầu riêng, thanh long, vú sữa, sơ ri, cam, bưởi và xoài. Theo đó, tỉnh đầu tư trên 18 tỷ đồng để triển khai Dự án nâng cao chất lượng vườn cây ăn quả và tăng cường chuyển giao kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn an toàn về dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật, hướng tới mục tiêu hội nhập WTO./.

(Nguon tin: TTXVN)



Báo cáo phân tích thị trường