Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Việt Nam và dự án thủ phủ cà phê toàn cầu
30 | 04 | 2008
Vốn nổi tiếng về những ý tưởng táo bạo, lần này ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Giám đốc Cty càphê Trung Nguyên) lại đưa ra một ý tưởng mới về cái gọi là "Triết lý càphê Việt Nam" và "Dự án xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê toàn cầu".
Ngày 15/4/2008 tại TP Buôn Ma Thuột ông Vũ đã tổ chức trình bày những ý tưởng của mình...

Ý tưởng của ông Vũ thật lạ và cũng thật hấp dẫn. Cái hấp dẫn đầu tiên là mấy chữ "triết lý càphê Việt Nam".

Trong đời tôi đã nghe đủ loại triết lý, nhưng "triết lý càphê" là gì, thì tôi chưa hề được biết. Lại còn "triết lý càphê Việt Nam" nữa, vậy phải chăng đã có "triết lý càphê Brazil", "triết lý càphê Ấn Độ"...? Rồi việc "xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ càphê toàn cầu" thật hấp dẫn.

Càphê - năng lượng của nền kinh tế tri thức

Quả thật ông Vũ đã đưa ra một thuyết lý khá hay về một vấn đề của nhân sinh xã hội: Vấn đề sản xuất và thưởng thức càphê. Theo ông Vũ thì càphê là "Triết lý sống cho tương lai: Tôn vinh và phát triển sự sáng tạo, hướng đến sự hài hoà và phát triển bền vững của nhân loại".

"Càphê là một loại năng lượng mới: Năng lượng cho bộ não, là máu của nền kinh tế tri thức". "VN có sứ mạng kết nối và phát triển những người đam mê càphê toàn cầu và cung cấp năng lượng cho nền kinh tế tri thức".

Đây là những nét cơ bản của "triết lý càphê VN".

Không có nhiều ý kiến góp ý tranh luận về vấn đề này. Điều quan trọng làm sao để có nhiều "tín đồ" tôn thờ và đi theo thuyết lý đó.

Dự án đầy tính lãng mạn...

Nhà sử học Dương Trung Quốc mở đầu buổi hội thảo, cho biết: Hiện những nước sản xuất càphê là những nước nghèo và vì thế các nước nghèo cần phải biết cách giành lại lợi ích chính đáng của mình từ các quốc gia giàu có. Dự án của ông Vũ là một cách "nghĩ lớn" để giành lại lợi ích chính đáng đó.

Muốn làm được điều đó phải tạo ra được thương hiệu càphê VN đủ mạnh. Muốn có thương hiệu mạnh ngoài chất lượng càphê và các yếu tố khác cần phải thổi được cái hồn vào cho hạt càphê VN, tạo ra được một thứ văn hoá càphê VN...

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh lại nhấn mạnh đến việc phải định vị được càphê VN trong vị trí càphê toàn cầu, đồng thời phải đưa được văn hoá VN, văn hoá Tây Nguyên vào trong văn hoá ẩm thực càphê. Bà cho rằng: YÁ tưởng của ông Vũ đầy lãng mạn, hay, nhưng quá xa vời...

TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế VN) cho rằng: Dự án thể hiện tâm huyết, sự tha thiết của tác giả muốn tạo ra đột phá, đột phá để VN bay lên. Tuy nhiên ông cũng cho rằng dự án nghiêng về tính lãng mạn, chưa thiết thực, chưa thể hiện được tính nghiệt ngã của hiện thực. Ông cũng nhấn mạnh: Dự án phải được đặt trong một tầm nhìn rộng hơn, trong bối cảnh của Miền Trung - Tây Nguyên và của cả đất nước.

TS kinh tế Vũ Thành Tự An cho rằng dự án khá hoành tráng, nhưng điều đã trở thành quy luật là bất cứ sản phẩm nào muốn thành công đều phải tạo ra được giá trị gia tăng cao, không có giá trị gia tăng cao thì không thể cạnh tranh. So với giá cố định trước đây khoảng 10 năm thì rõ ràng là giá trị gia tăng của càphê đang giảm. Vì thế việc xây dựng thủ phủ càphê toàn cầu trong tình hình hiện nay là khó thực hiện.

Nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng ý tưởng lớn muốn thành công phải được xây dựng từ đời sống, phải xuất phát từ khát vọng của người dân, không xuất phát từ khát vọng của dân sẽ thất bại. Bên cạnh ý tưởng lớn cần phải có những con người thực thi, khát vọng bay cao mới có thể trở thành hiện thực, nếu không chỉ là khát vọng bay của "Hai Lúa".

Nhà văn Nguyên Ngọc lại đề cao việc bảo vệ rừng ở Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên nếu không giữ được rừng thì sẽ mất tất cả, mọi khát vọng cho vùng đất này sẽ vô nghĩa...

Nhiều ý kiến khác của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ đều đánh giá cao ý tưởng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng "ngầm" có chung nhận xét: Dự án thiếu cơ sở thực tế, cần phải thiết thực hơn.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường