Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thế giới căng thẳng vì gạo
01 | 05 | 2008
Việc Tổng thống Inđônêxia chỉ thị cấm xuất khẩu gạo là động thái mới nhất cho thấy cả thế giới đang lo lắng và căng thẳng vì gạo.

Ngày 24/4, Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono đã chỉ thị cho tất cả các bộ, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương ngừng mọi kế hoạch xuất khẩu gạo, đồng thời ngăn chặn tình trạng gạo bị buôn lậu ra nước ngoài.
Inđônêxia cũng khẳng định năm nay Inđônêxia sẽ không xuất khẩu gạo. Ông Yudhoyono nhấn mạnh trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay, tất cả gạo sản xuất trong nước trước hết phải phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Năm nay Inđônêxia có thể dôi dư khoảng 2 triệu tấn gạo. Mặc dù ước tính lượng gạo dư dôi có thể đạt 2 triệu tấn trong năm nay do được mùa, song lượng gạo dôi dư này vẫn còn quá thấp so với nhu cầu của người dân.
Trước đó, đợt mời thầu mua 500.000 tấn gạo của Philíppin trong tuần trước không thành công càng củng cố thêm cho nhận định là cầu đang vượt cung trên thị trường gạo. Tình trạng đó cho thấy giá gạo sẽ còn tiếp tục đợt tăng chưa có tiền lệ của 4 tháng qua.
Dù biết là khó mua, song, thông tin Cơ quan Lương thực Philíppin cũng vẫn vớt vát bằng cách nâng lượng gạo mời thầu dự kiến tổ chức vào ngày 5/5 tới từ 500.000 tấn lên 600.000 tấn, với hy vọng sẽ mua được đủ lượng cầu.
Trước tình hình khủng hoảng bắt đầu lan rộng như trên, đã bắt đầu có một số biện pháp khắc phục.
Nhật tuyên bố sẽ đóng góp 100 triệu USD cho việc hỗ trợ khẩn cấp các quốc gia nghèo để đối phó với tình trạng giá lương thực leo thang, phát ngôn viên chính phủ Nobutaka Machimura cho biết.
Nhật còn cam kết sẽ đưa vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu vào chương trình nghị sự khi nước này chủ trì hội nghị thượng đỉnh nhóm G8 vào tháng 7.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố, chính phủ của ông sẽ tăng gấp đôi khoản viện trợ lương thực khẩn cấp trong năm nay ở mức 60 triệu euro (100 triệu USD).
Trong lúc này, cường quốc gạo Thái Lan lại đang vội vã tăng đất trồng lúa. Chính phủ Thái Lan đã quyết định tăng diện tích trồng lúa ở nước này từ 9,12 triệu ha hiện nay lên 9,6 triệu ha.
Ước tính việc mở rộng diện tích sẽ làm tăng sản lượng gạo của Thái Lan từ 28,06 triệu tấn lên 30 triệu tấn trong năm nay. Thái Lan cũng sẽ tập trung nâng cấp hệ thống tưới tiêu để đảm bảo nguồn nước trồng trọt.
Động thái này là một phần nằm trong chiến lược nông nghiệp mới của Thái Lan nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng tới 68% từ đầu năm đến nay và dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài. Đặc biệt tại khu vực châu Á, tình hình khó có thể trở lại bình thường trong vòng 1-2 năm tới.
Sở dĩ giá gạo tại châu Á sẽ tiếp tục tăng mạnh vì chưa khắc phục triệt để được tình trạng mất cân bằng, cung không đủ cầu.
Thêm vào đó, trong 3 nước xuất khẩu gạo chính tại khu vực thì Ấn Độ và Việt Nam đã tạm ngừng xuất khẩu nhằm bảo đảm cho nhu cầu lương thực trong nước, còn Thái Lan chỉ xuất khẩu 45% tổng sản lượng gạo, khoảng 9,5 triệu tấn.
Trước thực trạng khan hiếm lương thực, một số cửa hàng lớn ở Mỹ đã bắt đầu áp dụng chế độ bán gạo theo định lượng nhằm ngăn chặn tình trạng khách hàng mua dự trữ mặt hàng này.
Việc bán gạo theo định mức chưa từng xảy ra ở Mỹ, ngay cả trong thời kỳ xảy ra thiên tai.
Hiện nay, tại một số cửa hàng ở Mỹ, giá mặt hàng này đã tăng gấp đôi. Lo ngại nguy cơ giá gạo lên cao nữa, người dân, đặc biệt là các khách sạn và cửa hàng nhỏ ở Mỹ đã đổ xô đi mua gạo dự trữ, gây mất cân bằng cung-cầu.
Mới đây, những nhà cung cấp gạo lớn của Mỹ như Sam’s Club và Costco đã bị "cháy" hàng và họ đã áp dụng những biện pháp mới nhằm giảm sức mua của người tiêu dùng.
Sam’s Club hôm 23/4 tuyên bố khách hàng không được mua quá 4 bao (9 kg/bao) gạo jasmine (hương lài), basmati và gạo trắng hạt dài cho mỗi lần mua. Các nhà quản lý của công ty bán sỉ Costco cũng đề ra những hạn chế trong việc bán gạo và bột mì.
Trong 2 năm qua, giá các loại lương thực chủ chốt trên thế giới đã tăng vọt, chủ yếu do nhu cầu ngày càng tăng ở các nước đang phát triển, giá dầu lên cao và nhu cầu sử dụng lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Trong khi đó, lượng dự trữ gạo của thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ nạn đói ở Bangladesh giữa những năm 1970.
Giá gạo thế giới đã đạt kỷ lục mới khi lần đầu tiên giá thóc giao tháng 7 chạm ngưỡng 25,10 USD/45 kg hôm 24/4. Cũng vào hôm qua, giá gạo tại Thái Lan đã ở mức 1.000 USD/tấn. Một số chuyên gia cho hay, giá gạo trắng loại B 100% sẽ có thể tăng đến 1.300 USD/tấn.
 



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường