Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Min H. Kao, “chuyên gia” nắm bắt thời cơ
02 | 05 | 2008
Sự phát triển nhanh của các ngành công nghệ cao trên phạm vi toàn cầu không chỉ mang lại những giá trị to lớn cho nhân loại, mà còn tạo ra không ít cơ hội bứt phá cho những doanh nhân tài năng. Một trong số đó phải kể tới là Min H. Kao, người đồng sáng lập ra Garmin, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ và thế giới.
Hiện nay, với khối tài sản cá nhân ước lên tới 4,7 tỷ USD, Min H. Kao đã trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh.

Min H. Kao bắt đầu sự nghiệp riêng với việc thành lập công ty ProNav, sau này là Garmin, từ cuối những năm 1980 với các loại sản phẩm thiết bị định vị GPS dùng trong ngành công nghiệp hàng hải, hàng không... Cùng với sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực công nghệ cao trên phạm vi thế giới, nhu cầu đối với các loại sản phẩm thiết bị định vị ngày một lớn tạo cơ hội phát triển như vũ bão cho Garmin.

Hàng loạt những thế hệ sản phẩm liên tục được cải tiến của Garmin sau khi xuất hiện trên thị trường đã được nhiều hãng tên tuổi lớn, trong đó có Boeing đón nhận. Tới năm 2006, với hai trung tâm sản xuất chính đặt tại Mỹ và châu Á, tổng thu nhập của Garmin đã lên tới 1,77 tỷ USD, lợi nhuận đạt 514.12 triệu USD.

Doanh nhân của những chiến lược tầm cỡ

Mới đây nhất, sự kiện Garmin, một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ và thế giới ký bản hợp đồng liên kết với NAVTEQ® đã làm tốn không ít giấy mực của báo giới. Theo đó, Garmin sẽ cùng NAVTEQ® phát triển các loại phần mềm hệ thống thiết bị định vị và thông tin cho ngành hàng không hàng hải cũng như các loại thiết bị công nghệ viễn thông tới năm 2015.

Đây là một trong những chiến lược phát triển dài hạn của Min H. Kao, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty Garmin, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường công nghệ với sự tham gia của 2.000 doanh nghiệp, trong đó có cả Motorola, NEC, Nortel, Acatel, Nokia và Siemens. Theo lời của Min H. Kao thì “Garmin và NAVTEQ® đã có nhiều năm hợp tác kinh doanh và bản hợp đồng chính thức này là một bước tiến mới trong chiến lược phát triển các dòng sản phẩm hoàn hảo của cả hai doanh nghiệp”.

Trong lĩnh vực công nghệ, Garmin, được biết tới như một “ông lớn” chuyên sản xuất các loại sản phẩm thiết bị định vị toàn cầu (GPS) từng được sử dụng cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Tuy nhiên, dựa trên sản phẩm thế mạnh đó, dưới sự định hướng của Min H. Kao, Garmin còn chế tạo được nhiều loại thiết bị CPS đa chức năng hay lập phép tính tự động sử dụng trong máy nghe nhạc, điện thoại, máy vi tính, ô tô...

Những phẩm chất thông minh của Min H. Kao luôn được thể hiện rõ nét trong từng loại sản phẩm công nghệ mới và những chiến lược cạnh tranh của Garmin trên thị trường công nghệ thế giới. Mỗi khi những đối thủ lớn có được những sản phẩm mới thì ông sẽ có ngay những sản phẩm mới hơn; và nếu một mình Garmin chưa đủ sức để thực hiện điều đó, Min H. Kao sẽ tìm cách liên kết với các đối tác phù hợp nhất.

Cụ thể là cuộc cạnh tranh với Tom Tom, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ của Hà Lan từng nhiều năm làm mưa làm gió trên thị trường Anh quốc; Garmin đã vượt lên đối thủ bằng chính bản hợp đồng liên kết với NAVTEQ®.

Hiện nay, Garmin là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ của thế giới với mạng lưới gần 3.000 điểm phân phối trên 100 quốc gia và tổng thu nhập năm 2007 là 3 tỷ USD cùng mạng lưới đối tác là hàng loạt những tên tuổi lớn hoạt động trong những lĩnh vực trọng điểm của các quốc gia như hàng không, hàng hải và công nghệ thông tin.

Thời gian tới, theo xu thế phát triển mạnh của ngành sản xuất ô tô, xe máy, Min H. Kao sẽ tập trung mở rộng mạng lưới đối tác với các tên tuổi lớn như Chrysler, Dodge, Jeep, Jeep Wrangler, Harley Davidson, Honda Motorcycle, BMW, Ford, Saab và Mazda. !!
Tạo dựng sự nghiệp riêng

Mặc dù hiện nay là người mang quốc tịch Mỹ, nhưng Min H. Kao lại là người gốc Đài Loan, ông sinh năm 1959 tại thành phố Trúc Sơn. Với tinh thần hiếu học và quyết tâm cao, năm 1971, sau khi tốt nghiệp National Taiwan University, Min H. Kao sang Mỹ và thi đỗ vào khoa điện tử, học lên thạc sỹ và tiến sỹ của trường University of Tennessee.

Kết thúc chương trình tiến sỹ, Min H. Kao xin vào làm việc cho một công ty sản xuất thiết bị dẫn đường cho hải quân Mỹ, Teledyne. Với công việc đúng sở trường, Min H. Kao liên tục nghiên cứu thành công nhiều loại hệ thống dẫn đường mới cho doanh nghiệp. Bắt đầu từ đây, tài năng của ông được nhiều công ty biết tới, vì vậy, không lâu sau đó, Min H. Kao đã được công ty Magnavox mời về thực hiện các chương trình nghiên cứu hệ thống dẫn đường mới.

Tại đây, ông đã kết hợp với một nhóm những kỹ sư của công ty thực hiện thành công dự án nghiên cứu và chế tạo hệ thống thiết bị định vị toàn cầu GPS Navstar. Công trình nghiên cứu này đã đưa tên tuổi Min.H.Kao lên tầm cao mới và ngay sau đó, ông đã được mời về làm việc trong Ủy ban quản lý Hàng không và không gian Quốc gia Mỹ.

Tới năm 1983, sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm thực tế từ các công ty và tổ chức nghiên cứu của quân đội Mỹ, Min H. Kao quyết định chuyển sang làm việc cho công ty King Radio. Với lòng yêu nghề và tài năng thực thụ của mình, dù làm việc tại môi trường nào, Min H. Kao cũng đều có được những công trình nghiên cứu lớn.

Trong thời gian làm việc tại King Radio, Min H. Kao đã tình cờ gặp lại người bạn Gary Burrell, một kỹ sư công nghệ tài năng từng tốt nghiệp khoa điện tử của trường Wichita State University và Rensselaer Polytechnic Institute. Do có cùng chung niềm đam mê lĩnh vực điện tử công nghệ, năm 1989, hai người đã quyết định rời King Radio, cùng nhau vay tiền ngân hàng thành lập công ty ProNav để chuyển ra kinh doanh độc lập.

Khẳng định tài năng trong nghiên cứu khoa học và kinh doanh

Sản phẩm đầu tiên mà ProNav tung ra thị trường là loại thiết bị định vị GPS 100 và GPS 95 thế hệ mới với thông số kỹ thuật đã được nâng cấp sử dụng trong lĩnh vực hàng hải và hàng không. Sản phẩm, từ thông số kỹ thuật cho tới kiểu dáng, kích cỡ đều rất hoàn hảo; đặc biệt, với những chức năng ưu việt như định vị và dẫn đường chính xác nên lượng sản phẩm bán ra rất chạy.

Có lẽ vì những thế mạnh đó mà chỉ sau một thời gian ngắn, một công ty công nghệ khác đã lấy tên ProNav đặt cho sản phẩm của mình để thu hút khách hàng. Để bảo đảm uy tín với khách hàng, Min H. Kao đã quyết định đổi tên ProNav trước đây thành Garmin (viết tắt hai chữ đầu của Gary Burrell và Min H. Kao).

Lợi thế lớn nhất khi bước vào thương trường của Min H. Kao là ông đã có được những mối quan hệ cần thiết với một số đối tác lớn sau khoảng thời gian khá dài làm việc cho các công ty. Vì sản phẩm của Garmin là những loại thiết bị công nghệ cao, nên muốn tiến vào thị trường dân dụng, cần phải tạo được uy tín và tầm ảnh hưởng rộng thông qua những đơn đặt hàng lớn.

Bằng kinh nghiệm của mình, Min H. Kao đã ký được bản hợp đồng cung cấp thiết bị định vị cầm tay cá nhân cho quân đội Mỹ. Chỉ trong vòng 2 năm nghiên cứu, thế hệ thiết bị định vị cầm tay đặc chủng Delta II rocket trang bị trong quân đội đã được bàn giao cho đối tác.

Tới năm 1991, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Delta II rocket là loại thiết bị được sử dụng phổ biến trong quân đội Mỹ. Nhờ vậy, không cần một chương trình quảng cáo nào, Min H. Kao cũng đã khiến người tiêu dùng không thể không biết tới danh tiếng của Garmin.

Những thành công to lớn của Min H. Kao không những giúp ông trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới cả trong kinh doanh lẫn nghiên cứu khoa học; mà hơn thế nữa, những sản phẩm công nghệ mới của Garmin đã góp phần không nhỏ vào sự an toàn cho ngành hàng không, hàng hải cùng những tiện ích to lớn cho đời sống xã hội.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường