Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giảm nhập siêu, bình ổn giá lương thực
05 | 05 | 2008
Mức nhập siêu trong 4 tháng đầu năm đã là 11 tỷ USD, bằng 60,8% kim ngạch xuất khẩu. Chính vì vậy, tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2008, Chính phủ chỉ đạo phải có biện pháp giảm nhập siêu trong các tháng cuối năm.

Chiều 29/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp báo thông báo những nội dung chủ yếu của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2008.

Có hay không việc phục hồi chức vụ cho ông Nguyễn Việt Tiến ?

Liên quan đến việc có hay không việc khôi phục quyền lợi, chức vụ Thứ trưởng cho ông Nguyễn Việt Tiến, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định:

Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của ông Nguyễn Việt Tiến đã đủ để cấu thành tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về việc này, Bộ Nội vụ sẽ cùng với Ban các sự Đảng của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan tiến hành xem xét việc xử lý kỷ luật ông Tiến.

Việc phục chức của ông Tiến sẽ chỉ được xem xét sau khi đã xử lý kỷ luật về mặt hành chính.

Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, đại diện các Bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư... cùng dự họp báo.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nền kinh tế bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xuất khẩu cao hơn tháng trước, chỉ số tăng giá giảm dần, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là mức nhập siêu trong 4 tháng đầu năm là 11.000 triệu USD, bằng 60,8% kim ngạch xuất khẩu. Chính vì vậy, tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2008, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm để có biện pháp giảm nhập siêu trong các tháng cuối năm, triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng;

tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm soát việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá, nhất là mặt hàng lương thực không để xảy ra “ sốt ảo''; tăng cường các biện pháp hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, mở rộng các chính sách về an sinh xã hội...

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về lý do xảy ra cơn sốt giá gạo làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, đời sống của người dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định “ Chúng ta có gạo đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, thậm chí tiếp tục dư thừa để xuất khẩu”.

Theo ông Phát, việc tăng giá gạo là do mất cân đối cục bộ giữa cung và cầu đã đẩy giá gạo lên cao, khiến dân đổ xô đi mua... Để bình ổn gía lương thực, Bộ đã chỉ đạo Tổng Công ty lương thực miền Bắc và Tổng Công ty lương thực miền Nam phối hợp với địa phương mang gạo đến tận nơi để phục vụ người dân.

Hiện tại, giá gạo 25% tấm (đạt chất lượng xuất khẩu) do Tổng Công ty lương thực Miền Bắc bán ra là 11.000 đồng/kg, Tổng Công ty cũng đã cung cấp danh sách các điểm bán gạo trên website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các phương tiện thông tin đại chúng.

Khi cung và cầu ổn định, chỉ vài ngày nữa, thị trường gạo sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, ông Phát cũng thừa nhận, để xảy ra việc “sốt” giá gạo trong những ngày qua có trách nhiệm của Bộ về mặt quản lý Nhà nước.

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định: Những thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác đã dẫn đến tâm lý chờ giá lên, bán cầm chừng của người kinh doanh. Việc “sốt” giá lần này chủ yếu do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ găm hàng, bởi hiện tại vẫn chưa có kết luận nào về việc doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, cũng như các doanh nghiệp không có chức năng thu mua lúa gạo đầu cơ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nhận được hàng loạt những câu hỏi liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; việc khôi phục chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho ông Nguyễn Việt Tiến và một số vấn đề nhân sự khác.

Ông Tuấn cũng cho biết, việc chọn thời điểm 1/7 để tiến hành các hoạt động phục vụ cho việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội ( nếu được Quốc hội thông qua) là hợp lý bởi đây là việc lớn, không nên kéo quá dài, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai... Từ ngày 1/7, sẽ tiến hành từng việc một cho phù hợp.



Nguồn: TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường