Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam: Hình ảnh mới, vị thế mới
05 | 05 | 2008
Đại sứ nước ngoài trẻ nhất tại Hà Nội - Đại sứ Cộng hòa Áo Johannes Peterlik - cho rằng cần quảng bá một Việt Nam hiện đại ra thế giới, nơi đa phần dân số trẻ, có lối suy nghĩ của thế kỷ 21 cũng như đã đến lúc Việt Nam phải đảm trách vai trò lớn hơn, mạnh mẽ hơn trong khu vực.

Sau 33 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã tiến hành công cuộc Đổi mới, xây dựng lại đất nước từ tro tàn của cuộc chiến tranh tàn khốc để lại.

Trao đổi với chúng tôi, Đại sứ Johannes Peterlik nói:"Không còn gì phải tranh cãi, hiển nhiên, chính sách Đổi mới đã đem lại những điều tốt đẹp cho mọi người dân Việt Nam. Không ai có thể ngăn cản hay dừng lại quá trình phát triển đang diễn ra ở đây".

Chính sách Đổi mới đem lại điều tốt đẹp

-Trước khi nhận nhiệm vụ tại Hà Nội năm 2004, Đại sứ đã hình dung về Việt Nam thế nào?

Quyết định bổ nhiệm tôi làm Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam được ký một năm trước khi tôi đến làm việc chính thức. Một trong những lý do khiến tôi rất trông đợi nhiệm kỳ công tác tại đây, đó là Việt Nam có dân số trẻ và đang tiến hành công cuộc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường.

Tôi quan tâm tới quá trình chuyển đổi của Việt Nam do trước đây đã từng học tập, nghiên cứu về sự chuyển đổi của kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Tôi cảm thấy thích thú muốn chứng kiến làm thế nào

Việt Nam có thể thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới không ngừng đổi thay ở thế kỷ 21

-Vậy trong nhiệm kỳ tại đây, Đại sứ đã nhìn thấy Việt Nam thích ứng thế nào với những nhu cầu toàn cầu hóa?

Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986. Khi tôi đến, tiến trình Đổi mới đã diễn ra lâu rồi. Tôi hiểu các bạn đã có một quá trình khởi đầu không dễ dàng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người quyết tâm tạo nên sự thay đổi, đã phải tạo dựng những cơ sở để thuyết phục người dân, đất nước về sự cần thiết làm một cuộc cách mạng đổi mới, về sự đúng đắn của đường lối mà họ theo đuổi.

Thực tế hơn 20 năm qua, Việt Nam đã chấp nhận những thay đổi, mở rộng nền kinh tế, cho phép khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển kinh tế.

Có những địa phương phát triển hơn những nơi khác như thành phố Hồ Chí Minh do sự thích ứng nhanh chóng, sớm cải cách, mở cửa kinh tế. Các nơi khác phát triển chậm hơn do thận trọng, muốn có những bài học đi trước trong những bước cải cách căn bản cho địa phương mình.

Nhưng cơ bản, sau 20 năm, không còn tranh cãi nữa, hiển nhiên, chính sách Đổi mới đã đem lại điều tốt đẹp cho mọi người.

Chống tham nhũng - Thách thức lớn nhất!

-Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện giai đoạn Đổi mới lần hai với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Ngài có dự báo gì cho giai đoạn Đổi mới này của Việt Nam?

Giai đoạn Đổi mới đầu tiên dễ dàng hơn vì đó là giai đoạn bắt đầu cho những thay đổi. Giai đoạn sau này sẽ khó khăn hơn,các nhà lãnh đạo phải tạo nên những thuyết phục sâu sắc hơn, phải tạo ra sự an toàn cho môi trường kinh tế.

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không ngừng cải cách hệ thống luật pháp nhằm đáp ứng những yêu cầu, luật chơi chung của thế giới. Hệ thống luật pháp được cải thiện, nhưng quan trọng hơn phải đảm bảo luật phải được thực thi nghiêm túc.

Một vấn đề không còn là bí mật nữa đó là tham nhũng. Tôi cho rằng đó là thử thách lớn nhất của Chính phủ Việt Nam hiện nay.

Người dân sẽ tin tưởng hơn vào chính sách của Chính phủ, luật pháp nghiêm minh của Nhà nước, luật lệ của kinh tế thị trường nếu tham nhũng được đẩy lùi. Với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu tham nhũng nghiêm trọng, không được kiểm soát, họ sẽ mang tiền đi đầu tư ở nơi khác.

Sau tham nhũng, một vấn đề sống còn nữa của Chính phủ đó là cải thiện giáo dục và đào tạo.

-Như vậy để an toàn, Việt Nam nói chung, hay nền kinh tế có cần thiết phải sắm chiếc "mũ bảo hiểm" cho sự phát triển của mình, giống câu chuyện người dân khi đi xe máy trên đường phải đội mũ bảo hiểm để an toàn tính mạng?

Đó là hai chuyện riêng biệt. Đã có nhiều người mất mạng vì tai nạn giao thông. Tôi đã từng đọc một thống kê rất bi kịch đó là số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam cao hơn nhiều so với số lính Mỹ tử nạn ở Iraq mỗi ngày. Vì vậy, luật bắt buộc người tham gia giao thông bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm được thực thi là đáng hoan nghênh.

Đối với nền kinh tế, sẽ không có mũ bảo hiểm nào và không cần thiết phải sắm mũ bảo hiểm cho sự phát triển của Việt Nam. Đây là vấn đề toàn cầu: Việt Nam tăng trưởng và hưởng lợi nhất định từ sự toàn cầu hóa. Nếu đội mũ bảo hiểm cho nền kinh tế, bạn không thể xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu.

-Nói về sự phát triển, Việt Nam có dư nguồn lực để đạt mục tiêu của mình như nguồn vốn FDI dồi dào, những công dân trẻ đang học tập tại nước ngoài, những chính sách thông thoáng, cởi mở... Theo Đại sứ, làm thế nào để sự cộng hưởng nguồn lực tạo ra những hiệu quả lớn cho mục tiêu phát triển của Việt Nam?

Đúng, Việt Nam có dư nguồn lực để phát triển. Nhưng để thành công hơn nữa, Việt Nam phải đảm bảo tham nhũng được đẩy lùi, luật pháp nghiêm mình. Đó là điều quan trọng. Việt Nam có những công dân trẻ đang tu nghiệp tại nước ngoài, những Việt kiều hăng hái trở về nước đầu tư. Nhiều người của nguồn lực này đã quay về nước.

"Những người Việt Nam trẻ tuổi rất cởi mở, tràn trề nhiệt huyết với tương lai, tự tin và đôi khi "không truyền thống lắm". Nhưng tôi nghĩ đó là điều tốt vì tuổi trẻ là sự thay đổi. Ngay cả khái niệm truyền thống cũng có sự dịch chuyển.

Những người Việt trẻ sống theo tâm thế, suy nghĩ của những người ở thế kỷ 21. Họ nghĩ về đất nước, lịch sử, ngày giải phóng dân tộc, những cuộc cách mạng như một phần của lịch sử.

Họ cảm ơn tất cả những điều đó và làm cơ sở cho những hành động ở thế kỷ 21, thế kỷ của công nghệ, hòa bình, hợp tác và cả cạnh tranh trong thế giới toàn cầu.

Cần thiết phải quảng bá một Việt Nam hiện đại ra thế giới. Và, cách tốt nhất hãy để những người Việt trẻ nói lên điều đó.

Hãy để họ đi ra ngoài và nói về Việt Nam ngày nay như thế nào. Khi bước ra ngoài, họ sẽ bộc lộ những ý tưởng và hành động để hiện thực những ý tưởng đó. Nếu họ hạnh phúc với những điều họ nghĩ và những điều họ làm, tự khắc sẽ nói lên tất cả một chân dung Việt Nam hiện đại, bên cạnh một Việt Nam từng được biết đến bởi quá khứ giải phóng dân tộc hào hùng."
Nhưng, hãy đặt câu hỏi liệu có gì đảm bảo cho sự trở về đông đảo của những công dân trẻ, những Việt kiều yêu nước nếu tham nhũng không được đẩy lùi và luật pháp không tạo ra sự an toàn? Trong khi đó họ có những cơ hội tốt hơn bên ngoài, ở những nơi mà hệ thống luật pháp đảm bảo cho sự đầu tư của họ sẽ tốt đẹp.

Việt Nam: Một nền kinh tế phát triển, một đối tác tiềm năng

Song song với tiến trình hội nhập kinh tế, Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực hội nhập chính trị quốc tế sâu rộng. Nỗ lực cao nhất là ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 mà Việt Nam đang đảm nhận. Đại sứ nhìn nhận thế nào vể việc này?

Đó là bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. Áo ủng hộ Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong Hội đồng Bảo an. Điều đó thể hiện Việt Nam có thể đảm trách những vai trò lớn trong đời sống chính trị quốc tế nói chung và khu vực nói riêng.

Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong ASEAN. Bản thân tôi theo dõi rất sát sao sự hội nhập của Việt Nam trong ASEAN. Với tiến trình hội nhập khu vực tích cực, chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ đóng một vai trò lớn hơn, mạnh mẽ hơn ở khu vực này.

-Có thể dẫn ra căn cứ cho nhận định của ngài Đại sứ, đó là Việt Nam chủ trương theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế. Đại sứ có suy nghĩ gì?

Cả thế giới biết đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, sự hy sinh của biết bao con người cho nền độc lập và giờ đây là chính sách Đổi mới, phát triển đất nước thành công.

Trong bối cảnh diễn biến thế giới thay đổi, Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, quảng bá hình ảnh một Việt Nam hiện đại trong thế kỷ 21.

Đã có một Việt Nam rất khác, một đối tác, một quốc gia trẻ, năng động, nỗ lực trở thành đối tác bình đẳng với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đó là sức mạnh lớn nhất mà các bạn có.

Đường lối đối ngoại của Việt Nam thể hiện sự thông minh trongxửlý quan hệ ngoại giao với các quốc gia theo cách tiếp cận hòa bình.

-Đại sứ nhắc đến vị thế, hình ảnh của Việt Nam hiện đại trong thế kỷ 21. Nhưng vẫn có những người suy tưởng về hình ảnh Việt Nam cũ kỹ, chiến tranh ở nghĩa tiêu cực?

Có những người nghĩ vậy vì họ không biết Việt Nam giờ đây ra sao. Đó là lý do vì sao chính sách đối ngoại của các bạn đã ngầm giải thích cho mọi người biết về một Việt Nam khác so với trước đây.

Sự đa dạng ngầm nói về sự hiện đại. Tích cực tham gia vào Hội đồng Bảo anvà các tổ chức quốc tế khác, điều đó chuyển tải thông điệp Việt Nam đã thay đổi và khác nhiều rồi.

-Theo Đại sứ, một Việt Nam hiện đại, khác biệt đó là như thế nào?

Tôi nghĩ Việt Nam đang khắc họa một hình ảnh mới, khác biệt. Khi nhiều khách du lịch đến Việt Nam, họ nhìn vào Việt Nam của một thế kỷ đấu tranh. Đó là điều bình thường. Cần có thời gian để thuyết phục rằng Việt Nam đã khác biệt, một nền kinh tế phát triển, một đối tác tiềm năng trong thương mại và quan hệ quốc tế.

Một số người khi đến Việt Nam nói với tôi rằng họ rất ngạc nhiên vì từng nghĩ Việt Nam là chiến tranh. Tôi hỏi họ tại sao phải ngạc nhiên. Đó là chuyện của quá khứ. Người Việt Nam đang hướng về phía trước. Đã có nhiều sự thay đổi diễn ra và người Việt Nam còn muốn tạo nhiều sự thay đổi khác

-Vậy Việt Nam có thể tự hào với những gì đạt được trong chặng đường vừa qua, mà như cộng đồng quốc tế xưng tụng đó là nền kinh tế mới nổi, một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực?

Vấn đề nằm ở chỗ "mới nổi". Việt Nam còn nhiều việc phải làm, phải tiếp tục đà tăng trưởng, cải thiện mức sống của người dân lên mức cao hơn. Việt Nam có tiềm lực. Khi lớn mạnh về kinh tế, Việt Nam cần phải đảm trách những vai trò, sứ mệnh lớn hơn trong khu vực Đông Nam Á, cần đặt tầm nhìn trở thành một đối tác ASEAN mạnh mẽ.

Xin cảm ơn Đại sứ!


Theo Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường