Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Cá tra lại gặp... hoạ
07 | 05 | 2008
Sau khoảng hai tuần tăng giá chút đỉnh thì cuối tuần rồi dân nuôi cá tra lại đứng ngồi không yên khi giá cá tra nguyên liệu còn 14.000-14.400đ/kg, thấp hơn cả giá thành SX. Đã vậy, người dân muốn bán cá cũng không dễ, còn các NM chế biến cá tra xuất khẩu lớn chỉ thu mua cầm chừng. Thực hư vấn đề này thế nào?

Người nuôi cá nằm kèo dưới

Tại Thốt Nốt (Cần Thơ), người có cá tra tới lứa bán phải cầu cạnh DN. Thậm chí có người không thể vay tiền ngân hàng phải chịu bán cá giá thấp. Vậy mà có DN còn ỡm ờ, thu mua thì ghi nợ 20 ngày tới 1 tháng mới trả. Vùng nuôi cá tra ven sông Hậu rộng hơn 800ha tập trung ở hai quận Ô Môn và huyện Thốt Nốt ước tính lượng cá tới lứa bán khoảng 20.000 tấn. Với giá cá nguyên liệu 14.400-14.600 đ/kg so với giá thành là 15.000-15.500đ/kg thì người nuôi cá lỗ nặng. Nếu mỗi kg cá mất khoảng 1.000đ/kg thì với lượng cá tra nguyên liệu bình quân hơn 80.000 tấn/tháng trong toàn vùng ĐBSCL nông dân nuôi cá mất trắng 80 tỉ đồng/tháng.

Tình cảnh bây giờ, dân nuôi cá ví như ngồi trên lửa. Nhớ lại hai tuần trước DN cần nguyên liệu, cá có giá, phía các nhà sản xuất thức ăn thủy sản cũng sốt sắng bán hàng ghi nợ có cộng lãi, nhưng tới kỳ thu hoạch mới trả. Còn khi gặp bất lợi, mọi giao dịch của người nuôi cá đều nằm thế kèo dưới.

Anh Trần Minh Tâm, phụ trách nuôi trồng của HTX nuôi trồng thủy sản Thốt Nốt qui mô 25 ha ao nuôi nói: “Cá tới lứa đợt này bán “chua” lắm. Dân bán cá đồn đoán do DN ém mua giá thấp. DN lớn như Nam Việt tại Thốt Nốt (Cần Thơ) và An Giang chỉ mua 14.300đ/kg, vì cho rằng hàng tồn kho nhiều. Các DN ở xa như Cafatex (Hậu Giang) mua 14.600đ/kg, Hùng Vương (Tiền Giang) 14.700đ/kg…nghĩa là chưa khi nào giá bán vượt 15.000đ/kg".

Thậm chí một số DN đưa ra giá thu mua cá là vậy nhưng khi người cần bán cũng không dễ gọi. Lúc đó DN nại ra vô số lý do, hết khó khăn về tài chính-ngân hàng thì tới cúp điện, ngừng sản xuất…Còn nếu đặt vấn đề ký kết hợp đồng bao tiêu, nhiều người dân đã làm và rồi nản chí. Vì khi gặp giá thấp hơn giá bao tiêu, phía DN dễ bẻ kèo về mặt “kỹ thuật” như chơi.

Chỉ vì cạnh tranh đầu ra…

Cá tra ở ĐBSCL vừa trải qua đợt rớt giá kéo dài từ đầu tháng 3/2008. Nay lứa cá mới đặt nhiều hy vọng bù đắp phần lỗ lã thì thực tế lại quá bẽ bàng. Như hồi đầu tháng 4/2008 giá cá tra mới nhích lên 300 đồng/kg (đạt 14.300 đồng/kg) thì lập tức Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA) tiên liệu giá cá tra sẽ còn tăng, khả năng thiếu nguyên liệu sẽ xảy ra từ tháng 5 đến tháng 8/2008.

Lập luận của AFA  nghe chừng rất hợp lý như nhiều hộ nuôi cá đã ngưng thả giống hoặc thả thưa cho vụ nuôi tiếp sau, còn cá tra thu hoạch trong quý II/2008 dự kiến chỉ có 24.000 tấn. Trong khi một nguồn tin trong ngành thủy sản còn cho biết, từ hội chợ thủy sản tại châu Âu mới đây cá tra phi-lê có giá trên 3 USD/kg, đồng thời các DN mở được thêm thị trường mới…nên dự báo giá cá tra có thể lên 15.500-16.500 đồng/kg.

Tất cả những thông tin trên làm “nhiễu sóng” người nuôi cá tra. Thực tế suốt 2 tháng qua giá cá tra chưa thể phục hồi, vượt qúa 15.000đ/kg. Trong khi đó, biết bao khó khăn dồn dập vây bủa người nuôi cá. Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi thủy sản TP Cần Thơ (CAFA) đặt vấn đề vì sao giá cá tra phi-lê xuất khẩu có 3-4 USD/tấn, nhưng giá cá tra nguyên liệu trong nước các DN thu mua lại thấp?

Nhiều người nuôi cá tra cho rằng, trước đây 2 tháng, giá cá sụt,  phía DN viện dẫn lý do khó khăn trong khâu chuyển đổi ngoại tệ, tỉ giá thấp, vay ngân hàng khó. Nhưng nay mọi chuyện đã khác thì hà cớ gì “bắt bí” dân nuôi cá? Có thông tin cho rằng hiện một số DN “bắt tay" nhau, ép giá nguyên liệu để dành lấy phần thủ khi thị trường bất lợi và cầm chắc lãi khi thị trường XK hút hàng?

Một giám đốc DN chế biến Thủy sản ở ĐBSCL (xin không nêu tên) “bật mí” những tồn tại lâu nay trên thị trường cá tra XK: “Hệ quả từ việc chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản trong vùng nở rộ là tăng thêm năng lực chế biến, góp phần gia tăng sản lượng, kim ngạch XK nhưng đồng thời mặt trái của nó là sự cạnh tranh bất chấp để giành lấy khách hàng. Trong đó, một số DN có công suất lớn lẫn DN mới vào nghề muốn ôm lấy hết cả thị trường, cạnh tranh bất chấp sự tồn tại phát triển của cả cộng đồng DN trong cùng ngành hàng. Họ đã sử dụng chiêu thức “chào bán hàng XK giá rẻ và quay lại chèn ép giá nông dân nuôi cá trong nước”.

Thực tế tại hội chợ ngành hàng thủy sản tại châu Âu mới đây, VASEP thống nhất chào giá cá tra phi-lê 3,3 USD/kg nghĩa là các DN tính toán giá mua cá nguyên liệu 16.000đ/kg, nông dân bán 17.000-18.000đ/kg, lãi 1.000-1.500đ/kg, phần DN lãi 10 cent/kg. Thế nhưng vẫn có DN chào giá bán 2,7-2,8 USD/kg. Như thế tính ra với lãi suất 1,5% tháng, quay vòng vốn 3 tháng thì để không giảm giá cá phi-lê XK, một số DN làm ăn kiểu “phá giá” đó chỉ có cách duy nhất quay về ép giá nông dân.
 

 



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường