Theo những ý kiến đóng góp cho hai Dự án luật trên được đưa ra chiều ngày 7/5/2008, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ những băn khoăn, chưa thống nhất về một số quy định trong các Dự án luật.
Thuế thu nhập doanh nghiệp: Tại sao không áp dụng mức luỹ tiến?
Về Điều 2 của Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định đối tượng nộp thuế là “tổ chức có thu nhập không chia”, trong đó bao gồm: “tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam trong các lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội khác vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị, phát triển kinh tế - xã hội có thu nhập nhưng không chia”. Đa số ý kiến cho rằng, quy định này chưa thật rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế và chưa phù hợp với đặc điểm của một số tổ chức không phải là tổ chức kinh tế. Các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có nhiều điểm khác biệt so với các tổ chức xã hội được thành lập nhằm mục đích từ thiện. Việc coi các tổ chức này giống như doanh nghiệp và áp dụng cơ chế, nghĩa vụ nộp thuế như nhau là vấn đề cần được cân nhắc kỹ.
Theo đại biểu Phạm Thị Loan – Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, đối với các tổ chức có thu nhập không chia mà không cho vào diện phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là không hợp lý. Khi đã có kinh doanh và có thu nhập thì phải chịu thuế. Do đó, cần đưa các đối tượng trên vào diện nộp thuế để bảo đảm sự bình đẳng.
Về quy định các khoản chi được trừ thuế và không được trừ thuế trong Dự án luật đưa ra, theo Đại biểu Loan cũng chưa hợp lý. Nhiều khoản chi của doanh nghiệp là hợp lý nhưng không có hoá đơn, do đó lại thành khoản chi không hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu Loan đã đưa ví dụ về việc đi ăn uống ở rất nhiều nhà hàng hay thuê xe vận tải hiện không thể có hoá đơn. Để giải quyết tình trạng này, đại biểu Loan cho rằng, phải quy định các cửa hàng khi đã mở ra kinh doanh phải được coi là doanh nghiệp và phải doanh nghiệp hoá các dịch vụ kinh doanh. Có như vậy, nhiều nguồn đầu vào mới có hoá đơn.
Về đối tượng được miễn, giảm thuế thu nhập DN, đại biểu Loan cho rằng, cần phải có trọng tâm, chúng ta định ưu tiên phát triển lĩnh vực nào, ngành nào thì miễn, giảm cho ngành đó, lĩnh vực đó. Đại biểu Loan đã đề nghị Quốc hội cần có ý kiến, đưa lĩnh vực dầu khí ra khỏi danh sách được miễn, giảm thuế được đưa ra trong Dự án luật. Theo lý giải của đại biểu Loan, dầu khí là lĩnh vực rất béo bở và đang thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều DN nước ngoài.
Có lẽ một trong những vấn đề rất được quan tâm đại biểu Loan đưa ra là: Tại sao không áp dụng mức luỹ tiến với thuế thu nhập DN trong khi thuế thu nhập cá nhân lại áp dụng mức luỹ tiến? Đại biểu Loan cho rằng thực tế có nhiều DN có thu nhập rất cao, nếu áp dụng mức thuế thu nhập DN luỹ tiến sẽ giúp giảm khoảng cách giàu nghèo.
Chưa làm tốt hậu kiểm trong việc cấp hoá đơn
Theo Uỷ ban Ngân sách, Tài chính của QH, qua hơn 9 năm thực hiện bên cạnh những mặt tích cực, Luật thuế giá trị gia tăng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn; nhiều vấn đề phát sinh chưa được Luật điều chỉnh kịp thời; tồn tại những kẽ hở dẫn đến việc “lách luật”, lợi dụng quy định pháp luật để trục lợi. Bên cạnh đó, các quy định về thuế giá trị gia tăng hiện được quy định trong 3 văn bản luật khác nhau; nội dung về quản lý thuế trong Luật thuế giá trị gia tăng đã được quy định trong Luật quản lý thuế...
Về mức thuế được đưa ra trong Dự án luật lần này, đa số ý kiến tán thành với quy định 3 mức thuế suất thuế GTGT (0%, 5%, 10%). Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách QH cho rằng, một trong những mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2010 đặt ra đối với thuế giá trị gia tăng là tiến tới áp dụng thống nhất một mức thuế suất cho hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước để đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và đơn giản khi tính thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên, ngoài mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng xuất khẩu, Dự thảo Luật vẫn quy định 2 mức thuế suất như Luật hiện hành (5% và 10% đối với hàng hóa, dịch vụ) là chưa phù hợp với yêu cầu trong Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế.
Đóng góp ý kiến cho vấn đề trên, đại biểu Loan – Đoàn Hà Nội lại cho rằng, trên thực tế, thời gian qua, việc thực hiện Luật thuế GTGT có rất nhiều bất cập do có nhiều mức thuế. Việc quy định 3 mức thuế dẫn tới rất khó kiểm soát. Đại biểu Loan kiến nghị cần áp dụng mức thuế thống nhất và đưa về mức 10% cho tất cả các mặt hàng.
Đại biểu Loan cũng đã đưa ra những bất cập trong việc thành lập DN và cấp hoá đơn hiện nay. Theo đó, hiện chúng ta đang gặp vấn đề trong hậu kiểm hoá đơn. Việc thành lập DN quá dễ dàng, không có tiền vẫn thành lập được DN. Nhiều DN thành lập xong, biến thành DN ma mà cơ quan chức năng không hề biết. Chính DN ma là cơ sở để lợi dụng trốn thuế dẫn đến thất thu cho Nhà nước.
Bà Loan cũng đề nghị phải đưa một loạt các hệ thống bán lẻ vào nộp thuế GTGT để tránh thất thoát. Muốn vậy, chúng ta cũng phải doanh nghiệp hoá các đối tượng này.