Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siêu thị nỗ lực giữ giá
12 | 05 | 2008
Trong tình hình giá cả tiêu dùng tăng cao, UBND TPHCM đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bình ổn giá. Các hệ thống siêu thị bán lẻ sẽ là nơi kiềm giá các mặt hàng thiết yếu.

Nỗ lực giữ giá

Trước tình hình giá cả leo thang, các siêu thị đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế việc tăng giá hàng hóa, tập trung vào việc thương lượng với nhà cung cấp, tăng dự trữ hàng giá rẻ và áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi.

Cụ thể, Saigon Co.op và Big C đều từ chối các đề xuất điều chỉnh giá từ nhà cung cấp. Saigon Co.op không chấp nhận những thông báo tăng giá không hợp lý từ phía nhà cung cấp, bà Lê Thị Quỳnh Chi, Phó giám đốc Tiếp thị của Saigon Co.op khẳng định với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online. Trong trường hợp không thể đàm phán được, hệ thống Co.opMart sẽ ngưng không lấy hàng của nhà cung cấp đó nữa và tìm nguồn hàng khác với mức giá tốt hơn nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong cơn sốt giá cả.

Hệ thống siêu thị Big C cũng áp dụng những biện pháp tương tự, trong đó có quy định nếu nhà cung cấp đưa ra mức giá tăng thì phải thông báo trước một tháng để siêu thị có điều chỉnh thích hợp. Nếu nhà cung cấp đề xuất điều chỉnh giá quá cao mà không có lý do chính đáng thì siêu thị sẽ hủy bỏ đặt hàng, đồng thời tìm những mặt hàng thay thế hoặc các nhà cung cấp mới có giá cạnh tranh hơn. Ngoài ra, siêu thị này có chính sách mở đối với việc đưa hàng vào bán, nhằm đa dạng các mặt hàng trong cùng một chủng loại để tạo nhiều chọn lựa khách hàng và giảm sự lệ thuộc vào một vài nhà cung cấp lớn.

Bà Ánh Hồng thuộc siêu thị MaxiMark cũng cho biết siêu thị đã từ chối một số nhà cung cấp vì không thỏa thuận được giá hàng hóa một cách tốt nhất. Ngoài ra, phía siêu thị cũng không có ý định thay thế các hợp đồng dài hạn bằng hợp đồng ngắn hạn để tránh đột biến về giá, vì từ trước đến nay, hợp đồng giữa MaxiMark và các nhà cung cấp luôn kéo dài một năm. Tuy nhiên, trong trường hợp không thỏa thuận được về giá cả, hai bên sẽ phải có trách nhiệm thông báo cho đối tác trước 30 ngày để có biện pháp xử lý, tránh gây đột biến về giá làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Cụ thể, như với mặt hàng thịt heo, từ đầu năm 2008, siêu thị MaxiMart đã chuyển qua mua hàng của công ty San Miguel thay cho một nhà cung cấp trước đó, do chất lượng thịt heo của nhà cung cấp trước thiếu ổn định mà giá cung cấp lại tăng nhiều đợt. Trong khi đó, giá và chất lượng thịt heo của San Miguel là ổn định, bà Hồng nói.

Đối với mặt hàng gạo, siêu thị MaxiMark chỉ mua gạo của các công ty nhà nước vì giá gạo của các công ty này không tăng.

Một nhà bán lẻ khác tại TPHCM là hệ thống siêu thị FiviMart cũng cho rằng khâu đàm phán với nhà cung cấp đóng vai trò rất quan trọng trong việc bình ổn giá đối với siêu thị. Hợp đồng kí kết giữa siêu thị FiviMart với các nhà cung cấp thường kéo dài từ 1-3 năm, nhưng lại không có ràng buộc chặt chẽ đối với nhà cung cấp khi thông báo thay đổi giá như siêu thị MaxiMark. Đại diện FiviMart cho biết về nguyên tắc, nhà cung cấp phải thông báo cho chúng tôi trước nửa tháng nhưng có không ít trường hợp chỉ thông báo trước có 10 ngày, 7 ngày, thậm chí là 3 ngày.

Sự thay đổi thường xuyên của giá cả hàng hóa trong thời gian gần đây buộc FiviMart đưa ra những biện pháp linh hoạt hơn như chấp nhận giảm lợi nhuận, đẩy số lượng bán hàng số lượng lớn, thậm chí thẳng thắn chia tay với nhà cung cấp đưa giá quá cao và thay bằng những nhà cung cấp có giá rẻ hơn. Cụ thể, trong cơn sốt gạo vừa qua, FiviMart đã tìm doanh nghiệp cung cấp gạo mới thay thế các nhà cung cấp cũ vì họ đưa giá quá cao.

Ngoài ra, do dự báo trước khả năng giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao, các hệ thống siêu thị đã tăng dự trữ các mặt hàng này để giữ chân người tiêu dùng. Cụ thể, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm…tại hệ thống siêu thị Co.opMart vẫn rẻ hơn bên ngoài từ 2-5% do đã dự trữ nguồn hàng từ trước.

Tăng cường hoạt động khuyến mãi

Bên cạnh việc thương lượng với các nhà cung cấp để bình ổn giá, các siêu thị tại TPHCM đang sử dụng nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá để kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Ngay từ trước lễ 30-4 và 1-5, nhiều siêu thị đã tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm hâm nóng lại không khí mua sắm ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng giá đến chóng mặt trong thời gian gần đây.

Vừa qua, hệ thống siêu thị Co.opMart áp dụng chương trình khuyến mãi từ 5-40% cho hầu hết các mặt hàng nhân dịp 12 năm thành lập chuỗi siêu thị này. Hệ thống siêu thị Big C đang áp dụng chương trình "10 mặt hàng thiết yếu" với giá bán được giới thiệu là thấp nhất trên thị trường như dầu ăn, bột ngọt, đường, nước mắm... và nhiều mặt hàng siêu thị này chấp nhận giảm lãi từ 1,5-2% để giữ giá bán ở mức mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Còn hệ thống siêu thị MaxiMark vừa giới thiệu chương trình bán hàng với giá vốn. Tổng giám đốc hệ thống siêu thị này, bà Ánh Hồng giải thích rằng mỗi tháng siêu thị chọn ra từ 20 đến 30 mặt hàng để giảm giá khoảng 5% so với giá mà nhà cung cấp đưa ra. Với cách thức giảm giá như trên, người mua được giảm giá đến hai lần. Vì theo phương thức bán hàng bình thường, siêu thị sẽ phải cộng thêm khoảng 10% vào giá mà nhà cung cấp đưa ra.

Theo FiviMart, mỗi ngày siêu thị đều chọn ra một số mặt hàng để giảm giá từ 5-10%, trong đó có nhiều mặt hàng rau quả.

Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị cũng đang kết hợp với các nhà phân phối hàng hóa để đưa ra các chương trình khuyến mãi của chính hãng. Cụ thể, theo chương trình hợp tác giữa Big C với các nhà sản xuất các mặt hàng nước mắm, thạch dừa, dầu gội đầu, sữa tắm, bột giặt, nước rửa chén… giá cả thường thấp hơn bên ngoài.

Sắp tới, các hệ thống siêu thị vẫn kêu gọi sự phối hợp của các nhà cung ứng để giữ giá hàng hóa, đồng thời tìm thêm các nhà cung cấp mới với giá cạnh tranh, tăng thêm hàng để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường