Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh Hoá thèm… thịt lợn
12 | 05 | 2008
Thịt lợn từ lâu là một món ăn phổ biến đối với đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên từ một tháng nay, người dân Thanh Hoá không có thịt lợn để ăn. Cùng với nó là hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh khốn khó
Dịch bệnh tai xanh trên lợn hiện lan tràn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Thanh Hoá là một trong những tỉnh đầu tiên xuất hiện dịch tai xanh. Nhằm kìm chế dịch bệnh lây lan, TP Thanh Hoá đã cấm các hộ kinh doanh thịt lợn giết mổ lợn trong vòng 10 ngày. Nhưng đến nay gần một tháng trôi qua, người dân Thanh Hoá vẫn chưa được giết mổ, buôn bán thịt lợn trở lại.

Quà… thịt lợn

Thịt lợn là một món ăn ngon phổ biến nhất trong bữa ăn của người Việt. Có lẽ bởi nó dễ chế biến thành nhiều món hấp dẫn, dễ ăn đối với nhiều người, lại không quá đắt như thịt bò hay thịt gà. Tuy nhiên, người dân tại Thanh Hoá đã không còn nhìn thấy món ăn này từ một tháng nay. Những gia đình đã quen ngày nào cũng phải có một món thịt trên mâm cơm, nay phải thay bằng món ăn khác. Những món quà ngon chế biến từ thịt lợn như: bún, phở, bánh giò, giò, chả… cũng không có vì thiếu thịt lợn.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, những người dân Thanh Hoá đi làm xa về thăm quê dường như đặc biệt hơn, tất bật hơn vì trong tay họ có thêm những túi thịt lợn mua từ các nơi không có dịch để về làm quà biếu cho những người thân ở Thanh Hoá.

Chị N ở đường Trường Chinh, Thành Phố Thanh Hoá, hiện ra Hà Nội làm việc nói: “Đúng là chuyện chưa từng thấy, vì mỗi lần tôi về quê thường mua những món đặc sản của HN như bánh cốm, mứt sen, về làm quà nhưng nay thay vì những chiếc bánh thì tôi được người thân ở Thanh Hoá dặn nhất định phải mua thịt lợn”. Chị N còn nói đùa: “Giờ tôi mua thịt lợn về làm quà nhà tôi quý như vàng. Mà gia đình tôi thì không có thịt lợn chỉ hai hôm thôi là thấy nhớ kinh khủng”.

Chị Kim ở khu phố Nguyễn Chích, Thanh Hoá cho biết: Biết tôi 30/4 sẽ về quê chơi, dì tôi và vài người hàng xóm liền gọi điện nhờ mua thịt lợn. Bà hàng xóm than vãn: “Lâu nay ở đây đang cấm bán thịt lợn, thèm quá mà chẳng biết mua ở đâu, may có người để gửi mua, với lại con gái tôi thường ngày thì thịt lợn như là món ăn chính của nó lâu nay không có suốt ngày hỏi và đòi ăn”.

Còn dì chị Kim lại bảo: “Lâu nay không có thịt lợn đi chợ chẳng biết ăn gì suốt ngày chỉ luẩn quẩn hết cá, lại trứng, cháu mua hộ dì ít thịt để đổi món chứ nhà dì chán ăn những món kia lắm rồi”.

Các cửa hàng kinh doanh thịt lợn phải đóng cửa

Thiếu thịt lợn không chỉ khiến người tiêu dùng mà cả các hộ kinh doanh thực phẩm cũng điêu đứng. Suốt một tháng nay, nhiều người đang rơi vào cảnh thất nghiệp. Các cửa hàng kinh doanh thịt lợn phải đóng cửa, các quán ăn kinh doanh các món chế biến từ thịt lợn cũng đành “nghỉ nghơi” trong thời gian này. Một số hộ kinh tế quá eo hẹp vẫn tìm cách chuyển sang kinh doanh các món ăn khác hoặc thậm chí tìm cách thay thế thịt lợn bằng các thực phẩm khác.

Chị Thục ở Đông Hương, Thanh Hoá hàng ngày chuyên bán món bánh giò tâm sự: "Khi tivi công bố Thanh Hoá bị nhiễm dịch bệnh tai xanh ở lợn tôi bán hàng chậm hẳn, nhưng tôi vẫn phải làm vì bán bánh là nghề chính nuôi sống cả gia đình tôi. Nhưng đến khi có quyết định cấm giết mổ buôn bán thịt lợn tôi đã phải nghỉ bán hàng đến 10 ngày, cứ tưởng chỉ cấm có 10 ngày thôi ai ngờ gần một tháng nay vẫn duy trì lệnh cấm. Gia đình trông cả vào nồi bánh mà cứ ở nhà ăn chơi vậy thì không ổn, sốt ruột quá tôi lại tiếp tục đi bán hàng, nhưng tôi đã thay việc nhân thịt lợn thành thịt gà, vì không đúng vị nên hàng bán rất ế, chẳng ai ăn cả. Đợt trước chưa xẩy ra dịch ngày tôi bán được gần 200 cái bánh, nhưng nay 40 cái bánh nhiều hôm con ế”.

Ở một phố khác của TP, nơi đầu mối buôn bán thịt lợn hàng ngày luôn nhộn nhịp thì nay yên ắng hẳn. Chị H chủ cửa hàng thịt lợn ở chợ Vườn Hoa nói: “Làm ăn ngày càng khó khăn, giờ thì hàng không có để bán, chuyển sang bán hàng khác thì ế ẩm mà mọi thứ chi tiêu đều đắt đỏ, giá cả cứ tăng vù vù, đi chợ như bị ai móc túi vậy. Giờ chẳng biết kinh doanh gì mà sống nữa cả”.

Bao giờ mới chấm dứt

Dịch lợn tai xanh xảy ra tại Thanh Hoá là “cơn ác mộng” đối của những người chăn nuôi, buôn bán. Việc phải tiêu huỷ hàng nghìn con lợn đã khiến nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh phá sản. Theo ước tính của UBND tỉnh, tổng thiệt hại do dịch lợn tai xanh gây ra tại Thanh Hóa lên tới 400 tỉ đồng. Dịch lợn tai xanh đã khiến người dân phải tiêu huỷ 190.608 con, chiếm 14% tổng đàn lợn của tỉnh. Tại các huyện đồng bằng có phong trào chăn nuôi phát triển như: Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định... bị thiệt hại lên tới trên 30% tổng đàn lợn.

Từng ngày từng giờ người dân trông ngóng đến ngày công bố hết dịch, để họ có thể chăn nuôi, buôn bán kinh doanh như trước. Và liệu khi dịch đã hết thì đến bao lâu mới gây dựng lại được đàn lợn từ con số 0, cuộc sống của hàng ngàn gia đình bao giờ mới trở lại bình thường?




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường