Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính phủ quá nuông chiều doanh nghiệp nhà nước
12 | 05 | 2008
"Được coi là anh cả đỏ của làng kinh tế, nhưng doanh nghiệp nhà nước tiền làm ra không đủ trả nợ, vậy làm sao giữ vai trò ổn định kinh tế đất nước?", đại biểu Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn phát biểu sáng 10/5.
Thảo luận về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006, đại biểu Nguyễn Đức Kiên dẫn ra con số năm 2006 các doanh nghiệp nhà nước đã vay 48.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nhưng làm ra chỉ 42.000 tỷ đồng. "Họ được nhà nước rót vốn và chiếm đến 60% tổng đầu tư xã hội, nhưng làm ăn thua lỗ. Tôi cho rằng cần nhanh chóng sắp xếp lại các doanh nghiệp này", ông Kiên nói.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên kiến nghị cũng cần xem lại nguồn vốn vay ưu đãi dành cho 14 liên doanh sản xuất ôtô có tương xứng với sự đóng góp của họ không? Dẫn chứng chiếc Camry 2.4 các nước chỉ bán 18.000-25.000 USD, nhưng Việt Nam tới 50.000 USD, ông Kiên nói: "Bộ Tài chính và Công thương phải xem lại chiến lược sản xuất ôtô áp dụng 15 năm qua. Tại sao ôtô trong nước làm ra rất nhiều, nhưng giá cao ngất ngưởng?".

Đại biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung cho rằng trong các khoản chi vượt dự toán thì một phần rất lớn dành cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. "Chi là cần thiết, nhưng phải xem lại tình trạng các doanh nghiệp sử dụng tiền vào những lĩnh vực không phải trọng tâm ngành nghề", ông Dung nói.

Trước đó, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đã đặt vấn đề với sự ra đời của hàng loạt tập đoàn kinh tế, Chính phủ và nhân dân hy vọng đó sẽ là đòn bẩy để đưa đất nước tiến lên. Nhưng thực tế một số lượng lớn vốn nhà nước đã được doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực rất xa với ngành kinh doanh chính, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...

"Cử tri rất băn khoăn với thông tin Tập đoàn Điện lực đã đầu tư 260 triệu USD cho một khu nghỉ dưỡng. Lẽ ra được nhà nước giao vốn, Tập đoàn phải toàn tâm, toàn lực để phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng đằng này lại đi làm nhà nghỉ. Trong khi đó điện cứ thiếu, cứ cắt triền miên", ông Đáng bức xúc.

Ngân sách dành cho khoa học xài không hết

Báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006 cho thấy hầu hết khoản chi đều bằng và vượt dự toán. Duy nhất khoản chi cho khoa học công nghệ chỉ đạt 80% dự toán.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng lên tiếng: "Tôi thực sự xấu hổ khi thấy dịch bệnh trên người, trên gia súc, gia cầm xảy ra liên miên, nhưng ta không làm ra được viên kháng sinh nào, tất cả đều nhập ngoại. Các nhà khoa học hoàn toàn có thể nghiên cứu, sản xuất kháng sinh, nhưng lại không được quan tâm đầu tư. Trong khi đó, ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học lại thừa".

Cũng bức xúc về việc cả trung ương và địa phương không quan tâm tới lĩnh vực khoa học công nghệ, đại biểu Phan Xuân Dũng nói: "Là cán bộ khoa học, tôi cảm thấy xấu hổ. Tất cả vấn đề xảy ra hiện nay, như lạm phát, nhập siêu... đều có nguyên nhân sâu xa là chúng ta không quan tâm đến khoa học quản lý".

Theo báo cáo Chính phủ, trong 3.130 tỷ đồng ngân sách chi cho khoa học công nghệ năm 2006 thì chỉ dùng hết 2.500 tỷ đồng. "Trong đó có khoản rất cần chi vì liên quan trực tiếp đến đời sống, như khoa học ứng dụng, nghiên cứu khoa học công nghệ ở nông thôn miền núi không hề được đụng đến. Không phải các nhà khoa học kém cỏi, mà là cơ chế chi tiêu có vấn đề", ông Dũng kết luận.

"Tôi đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính phải chịu khó lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để kịp thời điều chỉnh cơ chế giải ngân", đại biểu Võ Thị Hồng Thoại lên tiếng gay gắt. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều đại biểu, nhất là những người làm khoa học.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận về dự luật phòng chống ma túy và đề án hậu cai nghiện.



Nguồn: Vnexpress.net
Báo cáo phân tích thị trường