Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hơn 30 nhà xuất khẩu điều bi... dọa kiện
15 | 05 | 2008
Một hãng luật của Anh gửi văn bản tới Thủ tướng nói có 38 nhà xuất khẩu điều nợ hàng, gây thiệt hại cho họ gần 10 triệu USD.
Chiều hôm qua (13-5), tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cùng với Hiệp hội Điều Việt Nam đã có cuộc họp mặt các doanh nghiệp chế biến, sản xuất điều để làm rõ việc chậm giao hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp điều trong nước. Sự việc này dẫn đến các đối tác từ Anh, Bắc Ireland đã có công văn kiến nghị tới Thủ tướng và các bộ liên quan.

Vô tội cũng bị dính vào danh sách đen

Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tính đến thời điểm cuối tháng 4-2008, doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều đã ký với khách hàng nước ngoài khoảng 6.000 container nhân điều xuất khẩu với tổng số tiền 495 triệu USD. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã giao được 2.700 container trị giá 251 triệu USD. Số còn lại các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục giao hàng theo đúng hợp đồng.

Tuy nhiên, trong số hàng còn lại có khoảng 700 container với giá trị hợp đồng khoảng 50 triệu USD gặp phải khó khăn vì giá trị ký kết hợp đồng xuất khẩu quá thấp so với chi phí đầu vào. Nếu thực hiện theo đúng hợp đồng ký kết thì doanh nghiệp trong nước sẽ lỗ cỡ 11 triệu USD. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong nước cố tình dây dưa, không chịu giao hàng cho đối tác.

Trước tình hình như vậy, Công ty Luật Clyde & Co của nước Anh sau khi được sự ủy quyền của các đối tác nhập khẩu đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với một số bộ ngành phản ánh doanh nghiệp Việt Nam vi phạm hợp đồng đã ký kết. Theo đó, các nhà nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp của ta phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết. Bản danh sách mà Clyde & Co đưa ra có tới 38 công ty còn nợ hàng kéo dài, gây thiệt hại cho nhà nhập khẩu khoảng 9,7 triệu USD.

Phía các nhà nhập khẩu cho rằng nếu doanh nghiệp Việt Nam giao hàng đúng hẹn thì cả hai bên sẽ không bị lỗ. Tuy nhiên, khi giá điều bắt đầu nhích lên, doanh nghiệp trong nước đã “tranh thủ” bán đi và sau đó hy vọng giá điều xuống trở lại sẽ mua vào để xuất trả hợp đồng. Thế nhưng trái với dự đoán của doanh nghiệp, giá điều ngày càng lên cao.

Tại buổi họp, hầu hết doanh nghiệp thừa nhận tình trạng chậm giao hàng là có thật. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp điều trong nước bức xúc là con số mà Công ty Luật Clyde & Co nêu ra trong bản danh sách không đúng với thực tế. Thậm chí có những doanh nghiệp khẳng định chưa bao giờ làm ăn với nhà nhập khẩu A, B... cũng bị Clyde & Co liệt vào danh sách đen. Điều mà nhiều doanh nghiệp thắc mắc là trước vấn đề này, đáng lẽ ra hai bên liên quan có thể ngồi lại bàn bạc chứ chưa cần có văn bản gửi Thủ tướng hay các bộ liên quan. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng tới danh dự của doanh nghiệp.

Thiếu thông tin, dự báo kém

Nguyên nhân chậm giao hàng được các doanh nghiệp lý giải là do chi phí đầu vào đối với ngành điều tăng 40% so với trước. Ngoài ra, gần đây việc các ngân hàng siết chặt cho vay tín dụng, nhất là đối với ngoại tệ cùng với việc thiếu lao động trong khâu chế biến đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Vinacas, điều đáng lưu ý là có một số doanh nghiệp không tôn trọng hợp đồng khi có khả năng nhưng cố tình dây dưa, không chịu giao hàng. Cá biệt có một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vấn đề khi cho rằng nếu không giao hàng thì chẳng có ai thưa kiện, nếu thưa kiện chẳng có cơ quan nào giải quyết. Điều này trái ngược hoàn toàn với văn bản của Công ty Luật Clyde & Co gửi khi tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra các tổ chức trọng tài, tổ chức quốc tế có liên quan để đòi nợ bằng được.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhận định việc chậm giao hàng của doanh nghiệp phần nào lảm ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính, của toàn ngành điều lẫn bộ mặt quốc gia. Ông Biên cho biết gần đây nước ta đã phải bỏ ra rất nhiều tiền làm các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu tại nước ngoài, đặc biệt tại Anh - một đối tác chủ lực của Việt Nam.

Về việc số liệu chưa chính xác mà Công ty Luật Clyde & Co công bố trong danh sách, ông Biên đề nghị Vinacas, thương vụ, tham tán của các nước liên quan làm rõ để doanh nghiệp làm ăn chân chính bị hàm oan. Ngoài ra, Vinacas nên phân loại rõ thứ bậc của doanh nghiệp xuất khẩu để có biện pháp giúp đỡ. Ngoài ra, Vinacas đề nghị thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro cho xuất khẩu điều.

Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết xét đề nghị của hiệp hội, vừa qua Bộ đã có công văn kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu điều thô từ 5% xuống còn 0%. Bên cạnh đó, ông Phương tỏ ý chưa hài lòng về việc đánh giá không đúng vai trò, ảnh hưởng của thông tin trong kinh doanh và việc dự báo kém của doanh nghiệp, hiệp hội. Điều này đã được chứng minh khi mỗi lần doanh nghiệp trong nước ký kết là giá điều thế giới lại tăng cao.

“Xù” hợp đồng phải bồi thường như thế nào?

Nhiều doanh nghiệp liên quan đến việc chậm giao hàng thắc mắc nếu không giao sẽ phải bồi thường như thế nào. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Nhật Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cho hay theo luật quốc tế, doanh nghiệp sẽ phải bồi thường bằng khoản tiền chênh lệch vào thời điểm ký hợp đồng so với giá điều được giao dịch trên sàn thế giới.

Lấy ví dụ, giá điều vào thời điểm ký là hai USD/bao nhưng giá giao dịch trên sàn vào thời điểm bồi thường là ba USD/bao thì doanh nghiệp phải bồi thường một USD/bao, chưa kể chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, hiện hầu hết doanh nghiệp trong nước xuất khẩu thông qua môi giới nên số tiền bồi thường sẽ còn phụ thuộc vào điều khoản ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với công ty môi giới.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường