Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc trở thành nước dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới
22 | 07 | 2007
Với lượng dự trữ ngoại tệ vượt ngưỡng 1000 tỷ USD, ước tính đến hết tháng 10 này, Trung Quốc đã trở thành nước dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý nguồn dự trữ khổng lồ này một cách hiệu quả nhất.

Đó là một câu hỏi khó và cũng là thách thức không nhỏ đối với chính phủ Trung Quốc. Theo ông Yi Xianrong, chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu Tài chính, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, vấn đề nan giải nhất là phải làm sao tiếp tục giữ giá trị ổn định hoặc gia tăng.

Theo số liệu thống kê chính thức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính đến tháng 9 vừa qua, dự trữ ngoại tệ nước này đạt 987,9 tỷ USD. Như vậy từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng trung bình 18,8 tỷ USD/tháng, phần lớn nhờ sự thúc đẩy của thặng dư thương mại với nước ngoài và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này. Mặc dù, trong 9 tháng qua, FDI vào Trung Quốc chỉ đạt 42,59 tỷ USD, thấp hơn 1,52% so với mức cùng kỳ hàng năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguồn dự trữ phìng to ra là lý do lớn đằng sau sự nới lỏng nguồn cung tiền mặt trên thị trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến Ngân hàng Trung ương phải phát hành thêm tiền để cân đối với nguồn tiền USD đang dôi thừa trên thị trường và kết quả là khả năng thanh toán bằng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng trở nên dư thừa.

Mặt khác, sự sồi sụt của tỉ giá ngoại hối cũng tạo một rủi ro lớn. Để giảm thiểu những rủi ro đó, theo Giáo sư Li Yongsen, khoa Tài chính, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương cần đa dạng hóa cơ cấu dự trữ ngoại tệ mà hiện nay đồng USD vẫn chiếm phần lớn trong nguồn dự trữ ngoại tệ của nước này, đồng thời gia tăng nguồn dự trữ các đồng tiền lớn như đồng EUR, Yen Nhật…

Ngoài ra, Trung Quốc cũng nên tăng cường mua các trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế lớn khác, giảm thiểu những ảnh hưởng của Bộ Tài chính Mỹ đối với thị trường tiền tệ quốc tế.

“Cách tốt nhất để tránh đối mặt những rủi ro này là không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, giáo sư Li nói.

Bên cạnh đó, ông Li gợi ý, với nguồn ngoại tệ khổng lồ này, Trung Quốc nên quan tâm tới việc mua nguồn dự trữ tài nguyên chiến lược như dầu mỏ. Tuy nhiên, với một kế hoạch như vậy, cả ông Yi và ông Li đều cho rằng, phải hết sức cẩn trọng bởi những rủi ro lớn xảy ra thường do sự thay đổi của giá cả nguồn tài nguyên.

Theo các nhà kinh tế, kim ngạch nhập khẩu gia tăng trong một thời gian ngắn cũng là một cách hiệu quả để giảm dự trữ ngoại tệ. Điều này cũng sẽ là giảm bớt những tranh chấp thương mại với một số nước có mức thâm hụt thương mại cao với Trung Quốc. Ngoài ra, chính phủ cần nới lỏng kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài để tạo sự cần bằng cho cán cân thanh toán quốc tế.


Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường