Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nắm dao đằng lưỡi
24 | 05 | 2008
Giá cà phê tăng “chạm đỉnh” hơn 40.000 đồng/kg những tưởng là niềm vui cho các hộ nông dân trồng cà phê. Tuy nhiên ở Đắk Lăk hàng trăm người dân chưa kịp vui thì đã phải “méo mặt” vì bị các doanh nghiệp nhận ký gửi cà phê “xù” tiền bằng nhiều cách.
Lâu nay, người trồng cà phê ở Đắk Lắk vẫn có thói quen sau khi thu hoạch là ký gửi sản phẩm vào kho các đại lý kinh doanh cà phê. Họ có thể “chốt” giá bất cứ khi nào thấy có lợi hoặc cần tiền. Với cách giao dịch này, sản phẩm cà phê sẽ được bảo quản tốt hơn tại kho của doanh nghiệp, đồng thời các đại lý này cũng tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển về kho khi thu mua cà phê. Tuy nhiên, khi giá cà phê “chạm đỉnh” vào hồi cuối tháng 3/2008, người dân đến các đại lý để “chốt” giá, rút tiền thì hàng loạt đại lý nhận ký gửi cà phê tuyên bố “vỡ nợ”, không có khả năng chi trả cho người dân. Một số đại lý vỡ nợ thật, bởi khi giá cà phê tăng lên 35.000 đồng/kg họ bèn “mượn” cà phê ký gửi của dân để bán ra kiếm lời, đến khi giá cà phê lên trên 40.000 đồng, người dân ồ ạt chốt giá thì không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, rất nhiều đại lý mượn cớ này “dựng” lên vở kịch vỡ nợ để “quỵt” tiền của người ký gửi cà phê. Gặp phải tình cảnh trên, người dân chỉ còn biết kêu trời và đành chấp nhận giá bán cà phê dưới 30.000 đồng/kg, bằng hoặc thấp hơn thời điểm họ đem cà phê ký gửi cho đại lý. Tuy vậy, họ cũng chỉ nhận được một phần tiền, phần còn lại phải chịu dây dưa thanh toán trong nhiều năm.

Trường hợp ông Lữ Châu, chủ một đại lý phân bón nhỏ ở thôn Tân Bình, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc (Đắc Lắc) là một ví dụ. Ông Châu đem ký gửi hơn 30 tấn cà phê nhân cho đại lý Cty TNHH Phú Lộc (Cty Phú Lộc). Thời điểm giá cà phê lên mức 40.000 đồng/kg, ông Châu đến Cty Phú Lộc để chốt giá thì doanh nghiệp này chỉ chấp nhận mua của ông Châu với giá từ 25.000 – 28.000 đồng/kg. Với giá bán này, ông Châu bị mất gần 450 triệu đồng. Ông Châu không phải là trường hợp duy nhất, đã có hàng trăm hộ dân cùng chịu cảnh này. Chỉ riêng ở xã Ea Knuếc, danh sách nạn nhân của Cty Phú Lộc còn dài dằng dặc. Có nhiều hộ phải “ngậm quả đắng” chấp nhận số tiền bán cà phê với giá “bèo” trong lúc giá cà phê chạm đỉnh. Cũng có những hộ chưa chịu nhận và đang dây dưa tiền nong với doanh nghiệp. Tuy nhiên ít ai dám đi thưa kiện các chủ đại lý. Bởi lẽ họ đã có những sơ hở “chết người” trong khi làm thủ tục ký gửi. Hầu hết, các hộ ký gửi chỉ được doanh nghiệp giao cho một mẫu giấy viết tay nghệch ngoạc mấy dòng, hoặc chỉ là “hợp đồng miệng” với nhau. Riêng thoả thuận về thời điểm chốt giá thì hầu như chỉ được thực hiện bằng miệng. Do vậy, nếu có đưa vụ việc ra phân xử ở “công đường” thì cầm chắc phần thiệt thòi cũng lại nghiêng về phía người dân. Đã có vài trường hợp kiện doanh nghiệp ra toà nhưng cuối cùng người dân lại phải mất thêm tiền chi phí pháp lý, còn tiền vẫn không đòi lại được. Với kiểu ký gửi cà phê cho doanh nghiệp như hiện nay ở Đắk Lăk thì rõ ràng người dân đang “nắm dao đằng lưỡi”!



Nguồn: dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường