Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau an toàn bí đầu ra
26 | 05 | 2008
Làng rau an toàn duy nhất của TT-Huế ở thôn Kim Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền đã xây dựng thương hiệu lấy tên “Rau an toàn Hoá Châu”. Thương hiệu đã có, nhưng hiện người trồng rau lại đối mặt với khó khăn về thị trường đầu ra.
Trong khi ở nhiều địa phương, rau được bơm thuốc kích thích để sinh trưởng nhanh, ngâm hoá chất để rau tươi, không bị sâu… thì người dân ở Quảng Thành lại hướng đến mô hình trồng rau sạch.

n
Ông Nguyễn Đình Định - người xây dựng thương hiệu rau an toàn cho TT-Huế. Ảnh: Ngọc Lan.

Ông Hoàng Minh Đức ở thôn Tây Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền cho biết: “Đây là vùng đất gắn với địa danh lịch sử nổi tiếng - thành cổ Hóa Châu. Vì vậy, từ xưa, đây là vùng đất chuyên cung cấp rau sạch cho vua, chúa ăn. Từ đó, các thế hệ về sau cũng quen nếp trồng rau sạch theo kinh nghiệm của cha ông truyền lại”.

Với chủ trương xây dựng làng rau an toàn của tỉnh, năm 2003, Sở Khoa học Công nghệ đã về giám định mẫu đất ở địa phương này và kết quả nguồn đất ở đây không có kim loại nặng. Nguồn nước khuẩn ecoly cho phép và đặc biệt khu vực này cách xa khu công nghiệp.

Đó là những tiền đề để Quảng Thành tiến đến xây dựng làng rau sạch. Ông Nguyễn Đình Thuận ở thôn Kim Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, một người trồng rau an toàn cho hay: “Để đáp ứng tiêu chuẩn rau an toàn, người trồng rau ở đây không bao giờ bón phân tươi vì vi khuẩn gây tả rất cao. Đồng thời, để rau được an toàn thì khâu làm đất, bón phân và thời gian cách ly trước khi đưa vào sử dụng phải đúng 10 ngày”.

Để làng rau truyền thống này đứng vững trên thị trường, giữa tháng 3/2008, hợp tác xã (HTX) Kim Thành đã xây dựng thương hiệu rau an toàn, lấy tên là “Rau an toàn Hóa Châu”. Hàng ngày, khoảng 5h sáng, sau khi thu mua rau của bà con, HTX đã tiến hành sơ chế, bằng cách kích giải rau qua nước ôzôn để diệt khuẩn. Sau đó vớt rau ra cho ráo nước và đưa vào nhà kín.

n
Khâu làm đất - một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng của rau. Ảnh:Ngọc Lan

Trung bình mỗi ngày, người trồng rau Quảng Thành sản xuất khoảng 5 tấn rau an toàn, nhưng HTX chỉ thu mua khoảng 2 tạ, số rau còn lại đành bán trôi nổi ở các chợ lẻ. Chủ nhiệm HTX Kim Thành, ông Nguyễn Ti cho biết: “Chúng tôi rất muốn thu mua tất cả số rau bà con làm ra nhưng thị trường tiêu thụ không có nên mình chỉ lấy hàng của 2 hộ, cung cấp cho các khách sạn, siêu thị. Trong khi đó, số người trồng rau an toàn ở địa phương lên đến hàng trăm người”.

Bà Nguyễn Thị Mến, một người trồng rau thổ lộ: “Rau đến mùa, mình cắt bán không kịp, nhiều khi chết héo. Có ngày, tui chở rau lên chợ Đông Ba bán lẻ nhưng rất khó khăn". Người trồng rau ở đây mong muốn có đầu mối đứng ra thu mua, có thể giá hạ hơn một tí.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết, đến nay toàn xã có hơn 60% hộ tham gia trồng chuyên rau và khoảng 20% hộ trồng không chuyên. Các loại rau chủ lực của địa phương như: xà lách, cải, tầng ô, cần, rau thơm…

Đã có một thời gian dài, người dân xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền (TT-Huế) giàu lên nhờ rau. Nhiều hộ gia đình như các ông: Bùi Sách, Nguyễn Đình Thuận, Nguyễn Đình Cử, Nguyễn Đình Nam… thu nhập bình quân khoảng 100 đến 150 triệu đồng/năm từ trồng rau. Nhưng, hiện nay, khi diện tích trồng rau ngày càng mở rộng, năng suất ngày một cao thì lời giải bài toán đầu ra cho thương hiệu rau an toàn ở Thừa Thiên - Huế đang bí.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng quy hoạch 3 vùng chuyên canh rau an toàn là: Hương Long, Thủy Dương và Kim Thành. Nhưng, do không đủ tiêu chuẩn xây dựng làng rau an toàn nên Hương Long và Thuỷ Dương đã bỏ cuộc. Hiện, chỉ còn duy nhất làng rau Kim Thành được duy trì và đã xây dựng thương hiệu.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường