Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơn lốc mua bán sáp nhập đến sớm với DN Việt Nam
27 | 05 | 2008
Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam đã thực sự bùng nổ, sớm hơn rất nhiều so với những dự báo trước đây.

Một diễn biến thị trường nổi bật gần đây là sự thay đổi thành viên hội đồng quản trị của khá nhiều công ty: Kinh Đô, Giấy Sài Gòn, SSI… Công ty đã niêm yết thì phải thông báo, nhưng còn lại hầu hết các công ty khác đều im ắng “cửa đóng then cài” trong những hoạt động này.

Giao dịch trong bóng tối

Ông Bùi Quang Nam, tổng giám đốc công ty cổ phần Kỹ nghệ vốn đầu tư Việt Nam (InvestVietnam) lý giải từ thực tế tham gia nhiều thương vụ “triệu đô” nhưng cũng chưa công bố được của mình: “Tất cả hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp trước nay và sắp tới tôi nghĩ vẫn luôn nằm trong bóng tối vì cả hai bên tham gia mua – bán đều cho rằng đây là thông tin không công bố, nhằm tạo một quy trình làm giá mới cho các đối tượng sau tham gia”. Thậm chí có việc hai bên quy định thống nhất không công bố thông tin. Trừ hoạt động mua bán sáp nhập của các công ty niêm yết, pháp luật buộc công khai thông tin.

Hơn nữa, các hoạt động này nhiều khi lại phụ thuộc sự dàn xếp ngầm và sự yêu thích cùng hợp tác với nhau. Ông chủ bên bán thường bán số vốn cá nhân mình nắm giữ cho đối tác mà mình cảm thấy thích hợp.

Tại hội thảo “Gặp gỡ giữa doanh nghiệp và ngân hàng” do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức hồi đầu tháng, chủ tịch của ngân hàng đầu tư TC Capital đã bay từ Singapore sang để giới thiệu quy trình tổ chức mua bán sáp nhập vì ông cho rằng Việt Nam quả là một thị trường hấp dẫn. Cái hấp dẫn mà ông đề cập, chính là những thương vụ đang thành hình với sự tham gia của TC Capital và tất nhiên, cũng “chưa công bố được”.

Mua bán sáp nhập rõ ràng là một chuyển biến thị trường theo hướng tất yếu để các doanh nghiệp mạnh có thể mạnh hơn và doanh nghiệp yếu có thể tìm lối ra tốt cho mình như cách nói của ông Ngô Xuân Bình, giám đốc công ty Delta Partner. Những chuỗi hoạt động quốc tế liên tục mà công ty này thực hiện trong thời gian qua khẳng định “Việt Nam đang là điểm nóng trên màn hình mua bán sáp nhập thế giới”.

Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia vẫn luôn e ngại, hành lang pháp lý và tính minh bạch sẽ là những rào cản cho cơn lốc này. Ông Thomas Ngô, giám đốc quỹ đầu tư Indochina Capital chia sẻ: “Việc mà chúng tôi muốn mang đến thị trường Việt Nam, là sự minh bạch và chuyên nghiệp trong quá trình phát triển”.

Nhộn nhịp bán bán – mua mua

Đình đám nhất hiện nay là sàn giao dịch mua bán doanh nghiệp trực tuyến ICE. Mới ra đời chưa lâu lắm, nhưng lượng thông tin đăng tải các nhu cầu bán và mua doanh nghiệp tại địa chỉ www.sanmuabandoanhnghiep.com.vn  rất lớn. Đặc biệt là số thương vụ giao dịch đã thành công được đăng tải tạo không khí nhộn nhịp.

Thạc sĩ Phạm Minh Đức, giám đốc phát triển kinh doanh của công ty cổ phần Mua bán doanh nghiệp và kết nối đầu tư quốc tế ICE giải thích: “Các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Khả năng tài chính hạn chế, không đủ năng lực tận dụng những cơ hội do hội nhập mang lại. Trong khi đó, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước có năng lực tài chính, có kinh nghiệm… lại đang mở rộng địa bàn, lĩnh vực kinh doanh. Cung và cầu gặp nhau là điều tất yếu”.

Ông Trần Kim Thành, chủ tịch tập đoàn Kinh Đô khẳng định: “Tôi cảm nhận được những tín hiệu thị trường rằng trào lưu mua bán sáp nhập công ty đang bắt đầu chín muồi. Tôi quan tâm đến điều này, để tận dụng cơ hội... thực hiện khát vọng trở thành tập đoàn thực phẩm lớn nhất Việt Nam của mình”. Mặc dù chưa công bố việc sẽ mua lại những công ty nào, nhưng danh mục đầu tư của Kinh Đô trong hai quý còn lại của năm 2008 đã dành một khoản chi rất lớn cho việc này.

Thạc sĩ Bùi Quang Nam chia sẻ: “Hoạt động mua bán sáp nhập ở Việt Nam hiện nay có thể khởi sắc hơn lúc trước và có thể bùng phát hơn vì nhiều lý do, mà quan trọng nhất là nhu cầu hợp tác về chiến lược vốn và hợp tác về chiến lược ngành (giảm chi phí, gia tăng cạnh tranh và thống lĩnh mạnh một số mảng kinh doanh). Hợp tác về chiến lược vốn thì chắc chắn sẽ diễn biến mạnh trong thời gian sắp tới đặc biệt với ngân hàng, chứng khoán...”.



Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường