Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Sớm đưa kịch bản đối phó với tăng giá sau tháng 6"
27 | 05 | 2008
"Chính phủ nên đẩy kịch bản tăng giá sau 30/6 lên sớm hơn. Phải chọn xác định ngay ra trong nhóm 10 mặt hàng mà Chính phủ quyết định thì những mặt hàng nào liên quan đến an sinh xã hội có thể giữ, còn những mặt hàng nào đang thấp, có thể tăng", TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên UB Kinh tế QH trao đổi về việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tiếp tục tăng cao.
Ông Kiên nói: "Lạm phát trong tháng 5 tăng lên quá cao do có hai yếu tố. Một yếu tố phía bên ngoài là do giá dầu tiếp tục lên, còn một yếu tố trong nước nữa là yếu tố tâm lý.

Trong vấn đề này, chúng ta không thể không tính đến có một bộ phận những người làm công tác phân phối ở khâu cuối cùng lợi dụng tình hình để gom hàng, đẩy giá vật liệu và các nhu yếu phẩm lên cao. Thực ra, giá trên thị trường quốc tế như giá dầu tăng cao cũng chưa thể tác động mạnh và tác động nhanh vào nền kinh tế nước ta như vậy.

Chẳng hạn, dầu tăng giá từ 120 đến 130 USD/1 thùng cũng chưa thể tác động ngay được vì hợp đồng dầu chúng ta ký từ tháng hai, phải đến tháng 5, tháng 6 mới về. Như vậy, ở đây có vấn đề là tình trạng đầu cơ của thị trường".

- Nhưng mới đầu kỳ họp QH, Thủ tướng đã báo cáo với QH gói giải pháp nỗ lực kiềm chế lạm phát. Gói giải pháp đó khi nào sẽ phát huy tác dụng?

Giải pháp mà Chính phủ đưa ra bao giờ cũng có độ trễ vì từ quyết định của Chính phủ đến việc thực thi của các cấp cần phải có thời gian. Phải có văn bản pháp quy của Chính phủ thì các cấp thực thi mới có cơ sở để có thể quyết toán khi họ thực hiện chủ trương. Quá trình ấy bao giờ cũng cần có thời gian. Nhưng theo tôi, điều quan trọng đối với chúng ta hiện nay là kịch bản sau ngày 30/6 sẽ là gì? Điều này Chính phủ chưa có hoặc có thể Chính phủ chưa trình ra Quốc hội nên ĐB Quốc hội chưa biết.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2008 so với tháng 4 đã tăng 3,91%, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 15,96%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2007. Được biết, cùng kỳ năm 2007 tăng 4,32%. (Tổng cục Thống kê)

- Ông có dự kiến chất vấn các thành viên Chính phủ về vấn đề này vào phiên chất vấn cuối tuần hay không?

Tôi không đăng ký chất vấn tại kỳ họp này vì tất cả những vấn đề đó chúng tôi đã trao đổi thường xuyên với các cơ quan chức năng của Chính phủ.

Chúng tôi cũng đang đề nghị Chính phủ rốt ráo xây dựng được kịch bản sau ngày 30/6. Bản thân phía bên Chính phủ cũng nhận thấy cần phải có những kịch bản để điều hành nền kinh tế sau mốc thời gian này, nhưng vấn đề là làm có kịp với yêu cầu của tình hình hay không thì chúng ta còn phải đợi.

Vậy trong những cuộc trao đổi thường xuyên với tư cách ủy viên chuyên trách của UB Kinh tế của QH, ông đã xây dựng một kịch bản như thế nào để ứng phó kịp thời nhất?

Nếu theo tôi thì Chính phủ nên đẩy kịch bản 30/6 lên sớm hơn, bởi vì đằng nào với tình huống như thế thì rồi chúng ta cũng phải bỏ, không giữ được giá nữa. Bây giờ chúng ta chọn theo phương án Thủ tướng đã xác định: kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội, thì chúng ta phải định ngay ra là trong nhóm 10 mặt hàng mà Chính phủ quyết định thì những mặt hàng nào liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội có thể giữ.

Những mặt hàng nào như điện chẳng hạn, nếu chúng ta cảm thấy giá điện thấp quá thì chúng ta có thể tăng, tăng để đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta chỉ giữ 100 số đầu, còn lại từ số 101 phải tăng, bởi vì chúng ta chỉ ưu tiên cho những người có thu nhập thấp và đảm bảo an sinh xã hội.

Hay như giá xăng, trong tình trạng đang có thẩm lậu xăng qua biên giới như thế thì chúng ta phải bỏ ngay giá xăng hiện tại. Nếu không dùng biện pháp hành chính để ngăn được sự tăng giá thì Chính phủ cần chuyển lại giá xăng như giá thị trường, tránh bù lỗ, lấy tiền Chính phủ định bù lỗ xăng để bù lỗ cho cái khác.

Một vấn đề theo tôi rất cần quan tâm đến là lương thực thực phẩm. Khoảng 42,75% lương thực thực phẩm là yếu tố quyết định đến chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng). Nếu muốn giữ chỉ số này thì Chính phủ phải có động tác ổn định giá cả lương thực thực phẩm.

Trước tình hình nông nghiệp của chúng ta khốn đốn, gia súc, gia cầm đang bị dịch bệnh như hiện nay thì Chính phủ nên nhập thực phẩm về điều tiết thị trường, bán với giá có thể ổn định được thị trường nhưng không ảnh hưởng đến người nông dân nuôi gia súc, gia cầm. Theo tôi, nếu ổn định được giá lương thực thực phẩm thì cơ bản chúng ta sẽ kìm được lạm phát.

Kịch bản đã có của Chính phủ là giữ giá một số mặt hàng thiết yếu đến hết thời điểm 30/6. Nhưng vấn đề là nếu như thế thì cần phải cân nhắc để đẩy lên sớm hơn để tránh tình trạng sốt giá như hiện nay. Nếu để ý có thể thấy, tại một số tỉnh ở miền Tây đã có tình trạng người ta bắt đầu đi gom hàng và chờ đến khi giá lên.

Giá xi măng cũng là một điều rất bất hợp lý. Trong lúc Chính phủ giảm đầu tư công, giảm toàn bộ đầu tư xây dựng cơ bản thì giá xi măng lại lên, đấy là một điều mà đứng về mặt kinh tế thị trường phân tích thì thấy có điều bất hợp lý và chỉ có thể giải thích bằng đầu cơ xuất hiện trong đó thôi.

Nếu Chính phủ đẩy kịch bản 30/6 lên sớm quá thì liệu doanh nghiệp và người dân có sốc không?

Không sốc. Bởi vì bây giờ giá cũng đã lên rồi. Bản thân người dân cũng đã phải chịu giá cao rồi. Thà chúng ta đẩy lên đúng như giá nó đang có và chúng ta hỗ trợ người dân thông qua giá lương thực thực phẩm thì có phải là tốt hơn không. Đấy cũng là một kịch bản mà tôi đề xuất.

Chính phủ buông không giữ giá sớm như vậy thì dự tính lạm phát năm nay sẽ ở mức bao nhiêu? Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội điều chỉnh CPI nhưng lại không nói gì đến chỉ số lạm phát?

Bây giờ có hai con số. Một con số cho chỉ số lạm phát mong muốn, và một con số cho chỉ số lạm phát xảy ra trên thực tế.

Tôi mong muốn chỉ số lạm phát ở vào mức 18 – 20%, còn nếu nó vượt qua con số đó thì mình cũng phải chấp nhận, bởi vì quy luật của nền kinh tế là như thế.

Cái mà chúng ta cần quan tâm là với nền lạm phát chung như thế thì Chính phủ làm cái gì để đảm bảo an sinh xã hội. Chỉ số lạm phát cao hay thấp không thành vấn đề. Vấn đề là người dân bị ảnh hưởng như thế nào trước nền lạm phát ấy. Không nên căn ke quá về con số.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường