Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao hàng tồn ở cảng quá lớn ?
29 | 05 | 2008
Không ít doanh nghiệp nhập hàng nhưng chờ giá trên thị trường tăng cao mới tung ra bán hoặc trữ tại cảng để chờ xuất ra nước ngoài với giá cao hơn khi nhập
Chiều 26-5, lãnh đạo TPHCM đã có buổi làm việc với một số cảng trên địa bàn TPHCM để tìm biện pháp tháo gỡ ách tắc trong việc lưu chuyển hàng hóa nhập khẩu.

Container chất cao như... núi

Sáng 27-5, chúng tôi có mặt tại cảng Vict - TPHCM và được anh Hoàng Phú Cứu, cán bộ thủ tục hải quan, đưa đi tham quan một vòng bãi chứa hàng của cảng. Hầu như tất cả các bãi chứa hàng hóa đều không còn chỗ trống. Các dãy container xếp chồng lên nhau cao ngất ngưởng như... núi. Anh Hoàng Phú Cứu nói: Hàng hóa đã nhiều, nhưng tàu vẫn tiếp tục đưa hàng về khiến cảng càng quá tải. Dừng trước một cần cẩu bốc container lên xe, anh Hoàng Phú Cứu cho biết thêm: Nếu container hàng của doanh nghiệp (DN) nằm ở lớp dưới cùng thì cần cẩu phải lần lượt bốc và di chuyển hết các container bên trên xếp qua một dãy khác thì mới lấy được và việc di chuyển như vậy trong thời điểm quá nhiều hàng hóa như hiện nay thì mất rất nhiều thời gian.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, công suất của cảng Vict chứa được khoảng 11.000 teu- tương đương 11.000 container 20 feet. Nhưng trong những ngày qua, cảng này phải chứa đến 13.000 teu. Theo thiết kế, mỗi hàng container chỉ được xếp 4 tầng, song theo nhà chức trách cảng cho biết: Hiện nay phải xếp bình quân 4-5 tầng một hàng, đó là đối với container có hàng, còn container rỗng phải xếp 5-6 tầng, thậm chí cao đến 7 tầng...
Tình hình ở cảng Cát Lái và một số cảng khác cũng tương tự.

Chi phí lưu kho thấp

Liệu có hiện tượng DN găm hàng ở cảng để chờ giá lên mới bung ra tiêu thụ? Khả năng đó là rất ít, một DN nhận định, bởi nếu găm hàng DN phải chịu tiền lưu kho, lưu bãi, tiền lãi suất vay... nên họ muốn quay vòng vốn càng nhanh càng tốt...

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, đúng là rất nhiều DN muốn lấy được hàng nhanh để tiêu thụ nhưng cũng có hiện tượng một số DN nhập hàng, nhất là các mặt hàng vật liệu xây dựng, sắt thép, phôi thép... về cảng nhưng không mở tờ khai mà cứ để hàng tồn trong cảng. Chẳng hạn chỉ tính tại cảng Tân Thuận 1 cũng đã có từ 80.000 tấn- 90.000 tấn thép và hàng ngàn tấn phân bón lưu kho tại đây. Theo lãnh đạo cảng thì những mặt hàng này thường lưu kho từ 4- 5 tháng. Ở một số cảng khác tình hình cũng tương tự. Sở dĩ hàng được trữ nhiều tháng trong kho bãi tại các cảng là do có không ít DN nhập hàng nhưng chờ giá trên thị trường tăng cao mới tung ra bán, hoặc trữ tại cảng để chờ xuất ra nước ngoài với giá cao hơn khi nhập? Riêng mặt hàng sắt thép trong tháng 5 này cũng đã xuất đến 5- 6 tàu, với số lượng trên 50.000 tấn. Một lý do khác là chi phí lưu kho tại các cảng lâu nay khá rẻ. Chẳng hạn, tại cảng Vict, giá lưu bãi một container 20 feet: 1,6 USD/ngày, loại 40 feet: 2,4 USD/ngày. Còn tại cảng Tân Thuận 1, mỗi tấn thép lưu kho DN chỉ phải trả phí 1.500 đồng/ngày.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chỉ đạo Cục Hải quan TPHCM và hải quan cửa khẩu tại các cảng cùng các đơn vị khai thác cảng phải nhanh chóng có biện pháp giải quyết hàng ứ đọng.

Cảng, doanh nghiệp đều kêu Ông Đoàn Thơ, một nhà nhập khẩu hàng đông lạnh, than: Hiện có cả trăm container hàng đông lạnh còn kẹt tại cảng Cát Lái. Muốn lấy hàng ra phải chi tiền nhưng hiện cũng không lấy hàng ra được. Ông Trần Thành Phát, giám đốc một công ty kinh doanh hàng điện máy nhập khẩu, cũng phản ánh, bình thường hàng nhập về chỉ mất hai, ba ngày là lấy được hàng nhưng lần này phải mất cả chục ngày mới “kéo” ra được. Hàng ứ đọng tại cảng ngày nào là đơn vị bị thiệt hại không ít do tăng chi phí, chưa kể còn ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh...

Ông Võ Hoàng Giang, Giám đốc Công ty Xếp dỡ Tân Thuận, cho biết việc hàng ứ đọng tại các cảng ở khu vực quận 7 có hai nguyên nhân chính: do lượng hàng nhập về quá nhiều, trong khi một số DN nhập từ nhiều tháng trước đó vẫn không lấy hàng ra; do cầu Tân Thuận (cầu cũ) hơn tháng qua cấm xe chở 2 container (loại 40 feet/container), nên việc lưu thông cũng bị hạn chế. Ông Trương Văn Mỹ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 (cảng Vict), cho biết mỗi tuần có khoảng 24 lượt tàu cập cảng, trong khi cầu cảng của đơn vị chỉ tiếp nhận cùng lúc được 3 tàu nên tình hình quá tải khó tránh khỏi. Tương tự, tại Công ty Tân cảng Sài Gòn, trong 4 tháng đầu năm lượng hàng xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hàng nhập khẩu tăng trên 43%. Tại cảng Tân Thuận 1, lượng hàng nhập khẩu thông qua cảng tăng 40% so với cùng kỳ... Ngoài ra, một số cảng cũng cho biết một số DN đến nhận hàng trễ, thậm chí có DN không đến nhận hàng về, vì trước Tết giá USD giảm DN nhập quá nhiều hàng, mà kho bãi của DN không đủ chứa nên họ cứ để hàng ở cảng, tiêu thụ tới đâu đến nhận hàng tới đó. Có lô hàng nằm cả tháng ở cảng mà DN chưa đến làm thủ tục nhận.


Nguồn: Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường