Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tuyên Quang: đẩy mạnh sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu
08 | 06 | 2008
Liên tiếp các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu ra đời trong vòng 2 năm trở lại đây, cho thấy Tuyên Quang đang đánh thức tiềm năng kinh tế rừng. Với lợi thế là một tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước, khoảng 63%, Tuyên Quang có đủ điều kiện để phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu.
Đặc biệt năm 2007, tỉnh đã hoàn thành việc quy hoạch và cắm mốc phân ba loại rừng, trong đó rừng sản xuất tăng hơn gấp hai lần so với trước, chiếm tỷ lệ 58%. Ðây là cơ sở quyết định tạo hành lang pháp lý cho việc quy hoạch, hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu gỗ tập trung phục vụ cho sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu.
Trước năm 2004, tỉnh chỉ có Công ty cổ phần chế biến lâm sản Tuyên Quang lắp đặt dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu với số vốn 26 tỷ đồng, sau này là sự xuất hiện của 2 nhà máy sản xuất đũa gỗ xuất khẩu: Phong Cách Việt (huyện Yên Sơn) và Phúc Lâm (huyện Chiêm Hóa) với mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng/dự án. Mới đây nhất vào cuối năm 2007 là sự "lấn sân" của Công ty cổ phần xi măng Tuyên Quang đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế gỗ trang trí nội thất và xuất khẩu tại xã Thái Bình (Yên Sơn), công suất 6.000 m3 thành phẩm/năm. Dự kiến, khi Nhà máy đi vào hoạt động sẽ sản xuất các nhóm sản phẩm từ gỗ tự nhiên, gỗ vườn rừng và gỗ nhân tạo như cửa, sàn, trần, ốp lát; sản phẩm trang trí nội thất và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Vùng nguyên liệu của nhà máy này nằm ở 3 xã là Thái Bình, Tiến Bộ và Tú Thịnh (Yên Sơn). Tuy ra đời sau, nhưng phương châm kinh doanh của doanh nghiệp này là lấy chất lượng làm hàng đầu để tạo dựng thương hiệu, tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Vì vậy, Công ty này đã sử dụng toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao, hầu hết các thiết bị được nhập từ Đức, Nhật và Đài Loan nhằm tạo ra sản phẩm đạt thông số kỹ thuật cao, đáp ứng chất lượng theo tiêu chuẩn Châu Âu. Đồng thời giảm tối đa lượng phế phẩm và đảm bảo an toàn lao động và thân thiện với môi trường.
Là đơn vị đầu tiên tham gia vào lĩnh vực sản xuất gỗ xuất trên địa bàn, bước vào thời kỳ hội nhập, Công ty cổ phần chế biến lâm sản Tuyên Quang cũng có sự đổi mới như đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức thực hiện sản xuất các sản phẩm xuất khẩu cho Thuỵ Điển và Xinhgapo với dòng sản phẩm chính là đồ nội thất, bàn ngế các loại xuất khẩu. Có thị trường mới, việc kinh doanh của Công ty này trở nên ổn định, duy trì việc làm cho 200 lao động và mỗi năm Công ty sản xuất 1.200 m3 gỗ tinh chế, doanh thu đạt gần 12 tỷ đồng. Hai nhà máy sản xuất đũa gỗ xuất khẩu, công suất hàng chục triệu đôi/năm và 52 cơ sở chế biến với các sản phẩm chủ lực có khả năng tiêu thụ trên thị trường trong nước và thế giới như: giấy và bột giấy, gỗ sơ chế, đồ mộc cao cấp, dụng cụ thể thao, bao bì công nghiệp...đã tạo ra nền tảng cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu phát triển bền vững, ổn định.
Để ngành chế biến xuất khẩu gỗ phát triển bền vững thì đòi hỏi sự đầu về trang thiết bị sản xuất, đầu tư về con người khá lớn. Nhưng thực tế, hầu hết các đơn vị chế biến gỗ hiện nay trên địa bàn Tuyên Quang mới chỉ tuyển dụng lao động thủ công, thiếu tay nghề và kinh nghiệm về sản xuất và chế biến gỗ xuất khẩu. Nếu giải quyết tốt các vấn đề đó thì ngành sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu sẽ là thế mạnh của tỉnh, góp phần đáng kể vào nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương thời gian tới.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường