Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc: Những bất hoà đầu tiên sau 5 năm gia nhập WTO
26 | 09 | 2007
Chỉ còn một tháng nữa là thời hạn năm năm chuyển đổi kinh tế mà Tổ chức Thương mại thế giới dành cho Trung Quốc sẽ kết thúc. Nhưng những lục đục về việc thực thi cam kết khi gia nhập WTO của Trung Quốc đã bắt đầu nảy sinh.
Cả Mỹ và Liên minh châu Âu gần đây đều phát đi những tín hiệu cho thấy họ sẽ hành động quyết liệt để ép Trung Quốc mở cửa thị trường đối với một loạt sản phẩm từ dệt may đến thép.

Những bất hòa đầu tiên này thật sự là gáo nước lạnh giội vào khoảng thời gian năm năm “hạnh phúc” giữa Trung Quốc và các đối tác phương Tây kể từ ngày gia nhập WTO năm 2001. Tuần trước, Mỹ, EU và Canada bắn phát pháo mở màn cho thời kỳ “cơm hết lành, canh hết ngọt” với khiếu nại gửi WTO yêu cầu điều tra việc Trung Quốc tăng thuế suất nhập khẩu linh kiện ôtô. Đây là kết quả không thể tránh khỏi sau chuyến thương lượng bất thành của bà Susan Schwab - đại diện thương mại Mỹ - với các quan chức Trung Quốc về vấn đề này cách đây hai tháng.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Trong một cuộc họp khác tại trụ sở WTO hồi cuối tuần trước, Mỹ và EU tiếp tục cáo buộc Trung Quốc không công bố đầy đủ những ngành công nghiệp được nhà nước bảo hộ, và “nhắn” Trung Quốc chuẩn bị tinh thần đón nhận những khiếu nại chính thức khác.

Phản ứng trên của Mỹ và EU xuất phát từ thái độ dùng dằng vừa qua của Trung Quốc. Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO vào những năm cuối thập niên 1990, Trung Quốc đã cam kết sẽ hoàn thành các nghĩa vụ. Tuy nhiên, năm năm đã trôi qua mà một số lời hứa ấy vẫn nằm yên trên giấy. Mỹ sốt ruột khi nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc chưa mở cửa đúng tiến độ, còn Ủy ban châu Âu (EC) bực dọc trước mức thuế suất nhập khẩu vẫn còn quá cao của Trung Quốc đối với các ngành dệt may, da và lông thú, giày dép, đồ gốm và thép. EC cũng vạch ra một loạt trở ngại mà Trung Quốc áp dụng nhằm gây khó dễ cho hàng nhập khẩu.

EU đã lên tiếng cảnh báo trong báo cáo chiến lược mới phát hành rằng Trung Quốc có thể bị tẩy chay chính trị ở châu Âu nếu không chịu “chơi đúng luật”. Ủy viên Ủy ban Thương mại EU Peter Mandelson thẳng thắn: “Nếu vi phạm (của Trung Quốc) trở nên nghiêm trọng và mọi nỗ lực (thương lượng) đều thất bại thì châu Âu sẽ áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO để bảo đảm mọi nghĩa vụ và luật lệ được thực thi một cách nghiêm túc”.

Sức ép của Mỹ và EU nhắc nhở các nước sắp vào WTO như Việt Nam rằng “sân chơi” WTO quả không đơn giản!



(Theo Nhân dân)
Báo cáo phân tích thị trường