Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những DN xuất khẩu điều nào nợ hợp đồng?
13 | 06 | 2008
Hiệp hội Điều nói rằng nguyên nhân dẫn đến nợ nần là do các DN nhỏ, nhưng trong thực tế thì các DN lớn mới có những khoản nợ lớn.
Sau khi VietNamNet đăng bài “Xuất khẩu điều: Ăn xổi, thua lỗ, đòi hỗ trợ?”, sáng ngày 6/6, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã tổ chức buổi họp báo để cung cấp thêm thông tin. Theo VINACAS, nguyên nhân của tình trạng nợ nần là các DN nhỏ, mới thành lập và mới tham gia thị trường. Các DN này chưa nắm hết pháp luật và vì ham lợi nên đã ký các hợp đồng mà trong khả năng không đủ cung ứng. Tuy nhiên, theo các tài liệu chi tiết của VINACAS về tình hình nợ của các DN, chính các doanh nghiệp lớn mới đang nợ lớn.

Nợ vì thiếu hiểu biết?

Ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch VINACAS, cho rằng các DN vừa và nhỏ mới thành lập, năng lực đàm phán không tốt, thiếu hiểu biết các vấn đề liên quan đến pháp luật trong kinh doanh. Vì sự thiếu hiểu biết này nên DN đã không thực hiện đầy đủ các quy định trong hợp đồng, để tình trạng nợ kéo dài.

Tiếp tay cho việc làm này là lực lượng môi giới. Bên môi giới được trả công 1% giá trị hợp đồng, nên không cần biết năng lực của đôi bên, cứ thúc đẩy để hai bên ký đơn hàng càng lớn càng tốt.

Mặc dù là DN nhỏ, năng lực sản xuất thấp nhưng có nhiều DN vẫn ký các hợp đồng số lượng lớn. Ông Hồ Ngọc Cầm, nguyên Chủ tịch VINACAS, cho biết, có DN năng lực sản xuất chỉ 5 container/năm nhưng đã ký hợp đồng đến 40 container, rồi sau đó sẽ mua gom điều với giá thấp giao cho đối tác. Thế nhưng giá hạt điều thời gian qua tăng liên tục khiến mua không được, và vì vậy không có hàng để giao.

Được biết, trong năm 2007, một số doanh nghiệp ký hợp đồng với các nhà nhập khẩu điều với giá bán 4,9 USD/kg điều nhân (giao hàng đầu năm 2008). Tính tới thời điểm hiện tại, giá điều nhân đang là 6,6 USD/kg.

Một lý do nữa khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần chồng chất là DN không có tiền để mua nguyên liệu. Năm 2005, ngành điều lỗ xiểng liểng 1.000 tỷ đồng. Vì lỗ nên năm 2006 các ngân hàng không cho vay để mua vào vụ 2007. Các DN đành phải liều làm báo cáo có lãi và phải ký hợp đồng trước với đối tác để có thủ tục vay ngân hàng. Vì vậy các DN nhỏ nhưng cứ ký với đối tác số lượng lớn nhưng thực sự năng lực thì không đáp ứng được.

Thực tế: Đại gia làm nên nợ lớn!

Theo báo cáo của VINACAS, Công ty Clyde & Co là đơn vị đại diện cho DN Anh đi đòi nợ đã thống kê có 38 DN chế biến xuất khẩu điều. Còn trong danh sách mà VietNamNet đang có, cộng với danh sách của hai công ty nữa là Rals International và Blue Star (Viet), còn có thêm 14 DN nữa đang nợ, nâng tổng số DN đang nợ lên đến con số 52.


Không như thông tin của VINACAS là các DN nhỏ gây nên nợ nần và làm ảnh hưởng đến các DN lớn, mà trong danh sách này có đầy đủ các DN lớn nhất do chính VINACAS xác nhận, và số lượng nợ nần lớn cũng rơi vào các DN này.

Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAFOOCO) là một ví dụ. Đây là DN có tổng tài sản theo báo cáo thường niên đến đầu 01/01/2007 làm tròn số là 142 tỷ đồng. Theo văn bản của Công ty Clyde &Co, LAFOOCO nợ 16 container, trị giá 310.450 USD (khoảng 5,1 tỷ đồng).

Tương tự như vậy, các DN nhà nước được cổ phần hóa là các DN lớn và dính nợ với khối lượng lớn.

Trong bản danh sách các công ty nợ, VINACAS cũng ghi rõ một số DN trong số này là DN lớn, và khối lượng nợ của các DN này là rất lớn, như Hoàng Sơn 1, Công ty Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận (NITAGREX), Công ty cổ phần XNK hạt điều và hàng nông sản thực phẩm TP.HCM (VINALIMEX)... Tổng cộng có khoảng 10 DN thuộc hàng lớn, chiếm hết 2/3 của tổng số nợ, với gần 470 container, khoảng 7.400 tấn (so với tổng số nợ 700 container, là 11.113 tấn).

Nên đối diện với thực tế để giảm thiệt hại

Ông Thanh cho biết, đến nay các DN nợ hợp đồng đã tích cực giao hàng, và đã giao được 400 container tương ứng khoảng 6.300 tấn điều nhân. “Số nợ còn lại sẽ trả dứt điểm trong vòng từ nay đến tháng 9 cho khách hàng” - ông Thanh nói.

Tuy nhiên con số này khá mơ hồ vì danh sách các DN trả được nợ quá ít ỏi. Chẳng hạn, theo tài liệu họp ngày 13/5 của VINACAS với các DN, trong số 38 DN nợ các công ty Anh có 14 DN thuộc VINACAS. Tuy nhiên đến ngày 6/6 chỉ mới có 2 DN là Hòa Phát và Mỹ Lệ báo cáo đã trả được nợ, tổng cộng… 2 container. Trong khi đó, thành viên của Hiệp hội có nhiều DN nợ đến vài chục container. Còn các DN ngoài Hiệp hội càng khó tổng hợp số liệu hơn.

Theo một số DN trong ngành, con số nợ được gọi là "đã trả" chủ yếu là thuộc dạng đã đàm phán để giao trong thời gian tới, còn số thực sự đã giao được đến nay vẫn rất ít. Nếu thời gian tới mà các DN Việt Nam tiếp tục vi phạm đàm phán, các DN nước ngoài sẽ không chịu chờ đợi nữa.

VINACAS cũng xác định có một số DN không đàm phán được vì mất khả năng giao hàng.

Trong khi đó, về các giải pháp hỗ trợ, kể cả cơ quan quản lý nhà nước cũng thật sự lúng túng. Ngoài một số giải pháp về cơ chế để thúc đẩy nhanh hơn các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng hạn mức tín dụng, hỗ trợ đàm phán, xử lý thông tin... đến nay vẫn chưa có cách hỗ trợ nào khác.

Vì vậy, cũng theo nhận định của VINACAS, việc các DN Việt Nam phải đứng trước vụ kiện là khả năng khó tránh khỏi.

Tình thế đến nay đã khá cấp bách. Ngoài việc nỗ lực giao hàng, tiếp tục đàm phán lại giá và các điều kiện hợp đồng... thì có lẽ VINACAS và các DN rất cần phải ngồi lại để tính đến việc khi bị khách hàng kiện thì giải pháp nào cho đỡ thiệt hại nhất, chứ không thể chỉ thông tin theo kiểu trấn an.

Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, không thể ỷ mình ở vị thế lớn để chủ quan rồi "nước đến chân mới nhảy". Âu đây cũng là bài học cho các ngành hàng xuất khẩu khác.





Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường