Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh ngiệp “ma” hết đất
16 | 06 | 2008
Việc quản lý và sử dụng hóá đơn đã trở nên quen thuộc, đặc biệt từ khi thực hiện Luật Thuế Giá trị gia tăng và Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp thì đây thực sự là công cụ quan trọng để quản lý thuế.

Hiện nay, số thuế phải nộp của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào "hoá đơn chứng từ". Vì vậy, "cầu về hoá đơn" thường xuyên, liên tục và ngày càng cao đã dẫn đến tình trạng số doanh nghiệp thành lập chỉ nhằm mục đích buôn bán hóa đơn bất hợp pháp ngày càng nhiều, chợ hoá đơn "đỏ" luôn nhộn nhịp.

Tuy vậy, quy định về quản lý, sử dụng hoá đơn còn nằm rải rác ở các luật thuế mà nhiều hơn cả là Luật Thuế Giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành, khiến người sử dụng hoá đơn phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu. Thậm chí trong nhiều trường hợp, dù đã mất công như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn vi phạm chế độ sử dụng hoá đơn chứng từ do các văn bản đôi khi hướng dẫn không thống nhất, không rõ ràng, khiến người nộp thuế hiểu sai khi thực thi. Bởi vậy cần phải có riêng một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đầy đủ, chi tiết và rõ ràng quy định về hoá đơn.

Mặt khác, xét trên một khía cạnh nào đó, hoá đơn chính là tiền bởi từ những chỉ tiêu trên hoá đơn, doanh nghiệp được khấu trừ tiền thuế, được tính vào chi phí làm giảm thu nhập chịu thuế. Chính ý nghĩa này mà quy trình mua, bán hoá đơn bị ràng buộc bởi những quy phạm rất nghiêm ngặt, để được mua hoá đơn lần đầu, doanh nghiệp bắt buộc phải qua khâu kiểm tra xác minh trụ sở. Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất để minh chứng cho mục đích trong sáng, nghiêm túc của doanh nghiệp trong việc mua hoá đơn, nên nhất thiết phải được kiểm soát chặt chẽ. Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cơ quan quản lý, văn bản quy phạm pháp luật về hoá đơn cần quy định thành một khung cố định về thực tế kinh doanh của doanh nghiệp với các tiêu chí cụ thể như: vốn theo đăng ký kinh doanh; nhân thân của giám đốc Cty và các thành viên góp vốn; căn cứ pháp lý của việc sử dụng trụ sở Cty... để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi làm thủ tục mua hoá đơn, vừa tạo thuận lợi cho cán bộ thuế khi thi hành công vụ.

Đặc biệt, cùng với việc chuẩn hoá quy định về hoá đơn chứng từ, cần cải tiến công tác quản lý thuế để đảm bảo thực hiện tốt chính sách thuế, động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm túc pháp luật thuế, đồng thời tăng cường quản lý hoá đơn để hạn chế gian lận về thuế. Cần phải có phương thức kê khai thuế mới hiện đại và thuận tiện hơn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng. Nhà nước sẽ quản lý được lượng tiền lưu thông trên thị trường. Hoá đơn sẽ trở về với bản chất thực của nó là chứng từ kế toán và việc gian lận ghi trên hoá đơn sẽ dần được hạn chế và đẩy lùi.

Hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc tồn tại, phá sản, giải thể doanh nghiệp. Một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp nghỉ, bỏ kinh doanh bất hợp pháp, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế - hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khác vi phạm pháp luật. Cụ thể là, khi các đối tượng này bỏ kinh doanh bất hợp pháp thì số hóa đơn mà doanh nghiệp chưa dùng có thể được đưa ra thị trường để các doanh nghiệp khác lợi dụng gian lận thuế. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý hoá đơn chứng từ. Mặt khác, rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý đối tượng nộp thuế.

Cơ quan quản lý cần có những biện pháp khuyến khích các cá nhân lấy hóa đơn khi mua hàng hóa.

Hoá đơn là một trong những chứng từ kế toán bắt buộc theo quy định của Luật Kế toán, và là yếu tố quyết định trực tiếp đến nghĩa vụ của người nộp thuế, do đó hoá đơn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh cũng như đối với người tiêu dùng.



Nguồn: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử
Báo cáo phân tích thị trường