Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dạy nghề cho lao động nông thôn: Ai dạy, ai học?
28 | 09 | 2007
Quản lý và nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề khu vực nông nghiệp-nông thôn là nội dung được các đại biểu quan tâm khi thảo luận Luật Dạy nghề trên diễn đàn Quốc hội. Ngày 18/4/2005, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Hiện các địa phương đang triển khai chính sách này thế nào?

CHỦ TRƯƠNG MỘT ĐẰNG, LÀM MỘT NẺO

Từ Nghị Quyết Đại hội IX đến Nghị quyết Đại hội X của Đảng đều khẳng định, vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân hết sức quan trọng. Nhà nước coi dạy nghề cho nông dân là một chủ trương lớn và sẽ đầu tư thích đáng. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước đạt 40% tổng lao động xã hội, trong dó lao động qua đào tạo nghề là 26%, nâng tỷ lê sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 85% và giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp xuống còn 50%. Trước hết là tập trung dạy nghề cho nông dân khu vực chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, vùng cây con hàng hoá xuất khẩu, vùng nông dân bị thu hồi đất, đối tượng chính sách xã hội, vùng đặc biệt khó khăn. Các thành phần kinh tế xã hội sẽ được hỗ trợ ngân sách TƯ và địa phương để dạy nghề cho nông dân. Cụ thể hoá chủ trương này, ngày 18/4/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ được phân bổ trực tiếp về UBND các tỉnh, TP. Các tỉnh, TP giao cho cơ quan chuyên môn là Sở LĐLB-XH lên kế hoạch dạy nghề và danh sách các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, đủ năng lực, trình UBND tỉnh duyệt. Trên cơ sở đó tỉnh sẽ phân bổ cho các đơn vị trên để dạy nghề cho nông dân. Bộ LĐTB-XH sẽ lên kế hoạch đào tạo hàng năm, trình Chính phủ duyệt. Đồng thời, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, báo cáo việc thực hiện chủ trương này. Đúng như ''lời hứa'' của Chính phủ, năm 2006 ngân sách đã cấp cho dạy nghề 500 tỷ, năm 2007 tới sẽ cấp 700 tỷ đồng. Và những năm tới mỗi năm sẽ cấp hàng ngàn tỷ đồng.

Bát nháo dạy nghề nông dân

Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB-XH cho rằng, dạy nghề ở nông thôn hiện nay theo kiểu vừa chạy vừa làm. Thậm chí tại không ít địa phương, công tác này đang được thực thi rất trái khoáy. Nhiều doanh nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở dạy nghề, trung tâm có đủ điều kiện và kinh nghiệm dạy nghề lại không được tỉnh phân bổ ngân sách. Trong khi nhiều đối tượng không đủ khả năng lại được giao nhiệm vụ và được phân bổ ngân sách.

Đơn cử như đối với HND, năm 2006, ngân sách TƯ đã cấp cho HND trên 100 tỷ đồng để tổ chức dạy nghề nông dân. Theo QĐ 81, HND muốn có được tiền phải chứng minh được mình có đủ năng lực thực sự, phải làm kế hoạch để Sở LĐTB-XH trình duyệt, nếu đủ điều kiện thì ngân sách mới cấp về cho HND. Quy định là vậy, tại một số địa phương, trong khi HND không đủ năng lực nhưng vẫn được Sở LĐTB-XH duyệt đề nghị cấp ngân sách?

Quá trình tìm hiểu chúng tôi đã gặp ông Lều Vũ Điều, GĐ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân, thuộc TW HND Việt Nam, ông này cho biết, với cơ chế hiện nay, HND ''chủ yếu đi làm thuê cho Sở LĐTB-XH''. ''Tỉnh nào ''quan tâm'' thì được nhiều ngân sách, không ''quan tâm'' thì được ít, họ phân cho các đối tượng khác hết" - ông Điều cho hay. Cũng theo ông Điều, để thoát khỏi ''ách làm thuê'', vừa qua, HND nhiều tỉnh đã tìm nhiều cách để nguồn vốn ngân sách được đưa trực tiếp về HND, HND ở tỉnh kết hợp với Sở LĐTB-XH lên kế hoạch dạy nghề và phân bổ tiền. ''Hiện nay một số tỉnh được tỉnh uỷ, UBND tỉnh ''quan tâm'' như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thì tiền được cấp trực tiếp về HND. HND không phải làm thuê nữa, hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân được nâng lên rõ rệt'' - ông Điều khẳng định. Thực tế khảo sát các địa phương cũng cho thấy, HND các địa phương có thể tiếp cận nguồn vốn qua 2 kênh: Hoặc tỉnh cấp trực tiếp cho HND hoặc từ tỉnh xuống Sở LĐTB-XH và Sở này cấp cho HND và các tổ chức, đoàn thể.

Không làm được thì thuê

Tạm thời chưa bàn đến việc HND làm thế nào đề nguồn vốn ngân sách về Hội. Chúng tôi chỉ trở lại vẫn đề năng lực dạy nghề của HND ở một số địa phương mà chúng tôi đã ghi nhận được. Bất cập đã phơi bày khi HND một số tỉnh được cấp tiền nhưng do không đủ năng lực, họ đã phải đi thuê lại người khác dạy. Đối tượng được thuê chính là những đơn vị đủ năng lục nhưng không được phân bổ ngân sách như các trường dạy nghề Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến nông (TTKN)... Bi hài hơn, một số đơn vị được "thuê'' này không đủ sức lực, thời gian ''làm thuê'', họ lại ''bán cái'' cho các đơn vị khác.

''Do cơ sở vật chất, giáo viên, giáo trình của HND chưa thể đáp ứng được nên chúng tôi phải đi thuê''- ông Lều Văn Điều giãi bày. Khi tiếp xúc với chúng tôi, Chủ tịch HND tỉnh Hải Dương Lê Đình Khanh cũng cho hay: ''Từ việc xây dựng giáo trình đến việc dạy nông dân, gần như phải thuê cán bộ khuyến nông và cán bộ ngành nông nghiệp hết'' . Thực trạng này diễn ra tương tự với HND Hưng Yên và Thái Bình. Bà Liên, Chủ tịch HND tỉnh Thái Bình khẳng định: "Giáo viên dạy chủ yếu phải đi thuê, mời một cái là phòng NN-PTNT, Khuyến nông, BVTV, Thú y họ đi dạy cho mình ngay.'' Còn ông Vũ Trường Nam, Phó ban Kinh tế HND Hưng Yên thì cho biết: ''Chúng tôi chỉ trả tiền, quản lý lớp thôi, còn việc bố trí lịch học, giáo viên, giáo trình do trường Trung cấp Tô Hiệu của Bộ NN-PTNT hay những đơn vị khác là doanh nghiệp, khuyến nông chúng tôi ký hợp đồng dạy họ làm. Họ không làm được hết thì kết hợp với người khác.''

Một thực tế đã được phơi bày, những tổ chức đơn vị không đủ năng lực vẫn được cấp kinh phí. Sau khi đã ''quản'' được nguồn, không trực tiếp làm được thì họ đi thuê.

KHÔNG THỂ DUY TRÌ HÌNH THỨC CAI THẦU

Với cách dạy như hiện nay, phải qua mấy cầu ngân sách mới đến được trực tiếp người dạy nên rất khó tránh khỏi lãng phí- Câu hỏi chất lượng của các lớp đào tạo nghề thế nào hay chỉ mở lớp để... tiêu tiền vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó một điều có thể thấy rất rõ là không chỉ dư luận mà ngay những người trong cuộc cũng bức xúc... .

Chủ tịch HND Hải Dương Lê Đình Khanh khẳng định: ''Nhiều đơn vị khác dạy nghề cho nông dân đạt kết quả kém, nhưng riêng HND thì dạy lại... "vào''. Vì HND đã lựa được một đội ngũ giáo viên sâu, thực tiễn, soạn được bộ giáo trình tốt''. Ông Khanh còn cho rằng, với đà này ''mình sẽ thắng Sở LĐTB-XH và nhiều ngành khác, ở chỗ mình có kiến thức nông nghiệp, mình làm chuyên về nông nghiệp. Còn bà Liên, Chủ tịch HND Thái Bình thì khoe: ''Mỗi năm HND Thái Bình mở đến vài trăm lớp ngắn hạn, chuyển giao KHKT, hàng nghìn nông dân được học''. Được như thế thật thì nông dân Thái Bình mừng lắm, vì nông dân đây đang khát khao nghề đến cháy bỏng. Theo báo cáo tháng đầu năm 2006 của Trung ương HND Việt Nam, các cấp Hội đã dạy nghề cho 31.271 người, ước cả năm 2006 sẽ dạy được 69.371 người. Ngoài ra, HND kết hợp với các tổ chức khác, chuyển giao KHKT cho hàng triệu lượt người. Nhìn vào số liệu báo cáo trên của HND thì quả là tiền ngân sách cấp cho HND đã đem lại hiệu quả rất lớn?

Điều kỳ lạ là không ít nông dân, sau khi đến lớp, ra về mà không biết mình đã được ai ''đào tạo". ''Khi học thì cán bộ khuyến nông dạy, tài liệu của khuyến nông, thực hành do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, nhưng lúc điểm danh, nhắc nhở giờ học thì lại là cán bộ HND. Tôi không biết lớp học do ai tổ chức" - một nông dân hồn nhiên cho biết.

"Tôi thấy nó nực cười lắm, chúng tôi kiến nghị mãi rồi nhưng xem ra TƯ không thể nghe thấy được. Mỗi lần tổng kết về việc xây dựng mô hình, số lượng nông dân được chuyển giao KHKT..., HND và các đoàn thể khác cứ lấy của khuyến nông và của HTX nông nghiệp để tổng kết, báo cáo. Chúng tôi làm chứ họ có làm đâu? Nói thật nhé, mình đi dạy thuê cho người ta thì cũng vừa vừa thôi, không thể tận tâm tận tụy được như công việc khuyến nông của mình. Chết là chết ông nông dân thôi" - ông Tâm, GĐ TTKN Nam Định bức xúc. Ở TTKN Nam Định, trừ mỗi lái xe, từ lãnh đạo, đến kỹ thuật viên, đến cả kế toán đều phải đi dạy, vì cái gì nó cũng có liên quan. Còn ông Trần Xuân Định, PGĐ TTKN Thái Bình cho hay: ''Ở Thái Bình, từ việc viết giáo trình đến giảng dạy, rồi đến thực hành, đều do khuyến nông làm hết. Cho đến giờ này, HND chỉ quản lý đồng tiền thôi". Ông Tâm cho rằng: "Việc giao tiền không căn cứ vào chức năng nhiệm vụ cụ thể, năng lực cụ thể theo quy định, mà cứ ai ''hát" tốt là có tiền thì gay go quá". Ông Trần Văn Hạnh, GĐ TTKN Hải Dương bất bình: ''Hải Dương chúng tôi làm hồ sơ đào tạo nghề nhưng Sở LĐTB-XH không cho, mà họ lại giao cho đơn vị có ''hai bàn tay trắng''. Chúng tôi đã vậy còn bao nhiêu trường đào tạo đó sao không giao cho họ làm? Sao Chính phủ không đầu tư nâng cấp các trường đó lên cho họ đảm nhận việc dạy tốt hơn mà lại đầu tư trăm tỷ đồng để xây mới các TT DN&HTVL, chỉ có 2 con người trong một ngôi nhà trị giá trên dưới 10 tỷ để làm một việc là tổ chức thuê dạy? Việc này có ngành LĐTB-XH làm rồi còn gì. Như thế có phải là hết lãng phí việc tổ chức dạy đến lãng phí xây dựng cơ sở hạ tầng không? Theo ông Hạnh, Chính phủ nên phân cấp nguồn vốn ngân sách rõ hơn. Các địa phương phải cam kết cấp tiền đó cho các đơn vị đủ chức năng, năng lực, tránh tình trạng "chạy" tiền ngân sách. Phân cấp triệt để cũng có nghĩa là Chính phủ kiểm soát được chặt chẽ nguồn kinh phí này''. Hiện HND đang được ngân sách TW và ngân sách địa phương đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm để xây dựng các TT DN&HTVL ở các tỉnh, từng bước hình thành các trường dạy nghề nông dân. HND còn đang vận động các Bộ, ngành liên quan đề nghị Chính phủ điều chỉnh QĐ 81 để tiền ngân sách rót trực tiếp về Trung ương HND Việt Nam, từ đó Trung ương HND Việt Nam phân bổ cho những đơn vị thực hiện dạy nghề nông dân. ''Một số Bộ như Tài chính, KH-ĐT, LĐTB-XH đã ủng hộ, chúng tôi sẽ không phải dạy thuê nữa'' - ông Lều Văn Điều, GĐ TT DN&HTVL nông dân, thuộc Trung ương HND Việt Nam cho biết. Nếu điều này xảy ra, không biết nông dân sướng hay khổ hơn? Ngân sách tiết kiệm hơn hay lãng phí hơn?

Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB-XH khẳng định: ''Cả việc chuyển tiền cho HND mà HND lại đi thuê người khác làm và việc một số tỉnh đã chuyển trực tiếp nguồn ngân sách về cho HND theo đề nghị của Hội như lãnh đạo HND khẳng định là hoàn toàn sai với quy định. Ngay trong chương trình phối hợp giữa Tổng cục Dạy nghề và Trung ương HND Việt Nam cũng không quy định điều đó". Ông Lân cho rằng: ''Thực tế là nhiều địa phương ngân sách dạy nghề đang được dùng vào mục đích khác, phân bổ cho những đơn vị không đủ điều kiện, đơn vị đủ điều kiện thì không phân. Nhưng đấy là quyền của tỉnh, chúng tôi lại không có cơ chế ''tuýt còi''.'' Xem ra, để chấn chỉnh được thực trạng này cũng không dễ.

Trước thực trạng trên, ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TBXH khẳng định: "Đấy là sai lầm trong cách thực hiện. Chính phủ quy định tại QĐ 81 không thuê những ông không có năng lực. Làm như thế là "cai thầu", ông đứng giữa "ăn". Chính phủ ký hợp đồng để ông làm chứ không phải để ông "cai thầu" thuê người khác làm". Cũng theo ông Lân, "cần phải có biện pháp chấn chỉnh ngay không sẽ xảy ra "chuyện lớn", "ăn hẩu chia chác nhau".



Báo cáo phân tích thị trường