Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL: Coi chừng lợi bất cập hại
24 | 06 | 2008
Lúa đang có giá. Hiện nay nông dân một số tỉnh ĐBSCL toan tính sau khi thu hoạch lúa hè thu (HT) thì xuống giống nối vụ ngay. Tuy nhiên nhiều năm qua cho thấy lúa thu đông (còn gọi là vụ 3) ở vùng này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Không cho đất không nghỉ

Tới giữa tháng 6/2008, ở ĐBSCL lúa HT chín vàng đồng. Dọc theo quốc lộ 91A từ Cần Thơ về An Giang, nông dân bắt đầu vào mùa, gặt lúa, phơi lúa. Một vài nơi khác có những cánh đồng cho máy xới vào trục bừa, gieo sạ, thậm chí có cả những thửa ruộng mạ đã lên xanh.

Vợ chồng anh Năm Thành, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) có 5 công lúa vừa thu hoạch đang dang nắng phơi lúa mấy ngày qua. Giọng anh sang sảng chất chứa niềm vui: “Lúa HT phơi khô ráo bán 5.000-5.200đ/kg. Nhưng tui chưa chịu. Chỉ tội dân làm lúa ruộng xa trong kênh sâu không phơi phóng được, thương lái tới ngã giá lúa ướt có 3.400-3.800đ/kg. Cũng ít người chịu bán. Vợ chồng tui thà chịu khó chở lúa tìm sân phơi sấy để bán có giá hơn. Lúa mùa này làm được 30 giạ/công (tương đương khoảng 600kg/công-1.000m2), cao hơn vụ này năm ngoái 5 giạ/công".



Chỉ năm ngoái đây thôi, khi tình hình căng thẳng vì dịch rầy nâu, bệnh vàng lùng-lùn xoắn lá (RN, bệnh VL-LXL) một số địa phương ở ĐBSCL từng khuyến cáo nông dân không nên làm lúa vụ 3, nhằm cắt “cầu nối” dịch bệnh có khả năng ảnh hưởng tới vụ lúa đông xuân. Gay gắt hơn có nơi còn chủ trương kỷ luật Chủ tịch xã nếu để dân “xé rào” làm vụ 3. Điều này nhiều nhà khoa học đồng tình, cho rằng nên để đất nghỉ và thả nước vào đồng để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng. Thế nhưng dân làm ruộng như anh Năm Thành thì hễ thấy làm lúa có lãi, dù lãi ít vẫn cứ làm.

Bởi vậy năm nay có khác. Ai cũng biết tính: Lúa vụ 3 dù mưa dầm, sâu bệnh, không lời nhiều, nhưng lúa đang có giá thì vẫn lãi ăn chắc ngoại trừ lũ lụt thiên tai. Chúng tôi thử làm cuộc khảo sát nhỏ nông dân làm lúa từ Cần Thơ lên An Giang hay về Hậu Giang, hỏi thăm 9 nhà thì hết 7-8 nhà cho biết có chuẩn bị giống để làm tiếp lúa vụ 3. Nếu như trước đây lúa vụ 3 trong vùng không nhiều và không được khuyến cáo làm thì hiện thời nông dân ào ạt tăng lúa lấp vụ. Tập trung nhiều nhất là các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Còn một số Sở NN-PTNT tại các địa phương thì yểm trợ kỹ thuật cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho hay, chủ trương của tỉnh là cho làm lúa vụ 3. Các huyện đã đăng ký 41.000ha nhưng dự tính có khả năng tăng lên hơn 50.000ha, trong khi năm ngoái toàn tỉnh chỉ có 33.000ha lúa vụ 3. Hậu Giang không lo lắm vì đã có biện pháp kiểm soát được dịch hại lúa. Hơn nữa vùng mở rộng lúa vụ 3 là nằm trong đê bao an toàn né lũ được gần 70.000ha.

Lo lắng điều gì?

Nông dân hăm hở làm lúa vụ 3 để tăng thêm thu nhập là nguyện vọng xác đáng. Nhưng không phải đất nào cũng lấp vụ 3 thành công, thậm chí có thể thất bại. Đó là nỗi lo lũ chụp, dịch RN, bệnh VL-LXL. Đây cũng là mùa mưa dầm, nước lũ lên, nông dân cực nhọc bơm tát. Chi phí vụ SX này cao, năng suất, chất lượng gạo lại thấp nên lời lãi ít.

Thực tế mấy năm qua có không ít nông dân không chuộng lúa vụ 3 do từng bị lũ chụp, mất trắng. Thế là có người chuyển sang tận dụng phù sa, mặt nước nuôi cá, tôm. Bên cạnh đó, điều vẫn còn lo lắng nhất là dịch hại lúa, nhất là RN, bệnh VL-LXL vẫn luôn là mầm mống đe dọa. PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh, Bộ môn BVTV - Khoa Nông nghiệp và Công nghệ sinh học ứng dụng, trường Đại học Cần Thơ nhận xét: “Vụ lúa HT vừa qua do nhiều địa phương đã có biện pháp khống chế nên dịch RN, bệnh VL-LXL tạm thời lắng êm. Song RN vẫn còn “đánh” lẻ tẻ. Có một vài thửa ruộng ở huyện Tháp Mười, Đồng Tháp bệnh lúa xảy ra chỉ vì không áp dụng biện pháp né rầy. Nếu tăng lúa 3 vụ nhằm có lúa gạo xuất khẩu nghe qua thấy có lý, nhưng qua cơn sốt ảo gạo vừa qua cho thấy ở nước ta lúa gạo không thiếu. Như vậy chỉ cần ĐBSCL làm tốt 2 vụ lúa ĐX và HT thì nước ta vẫn có lúa gạo dư thừa để xuất khẩu.”

PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng: “Không nên vắt kiệt tài nguyên đất và nếu để tình trạng làm lúa vụ 3 kéo dài sẽ không tốt. Vì làm như vậy dễ dấy lên sâu bệnh và nông dân sẽ dùng thuốc BVTV vô tội vạ. Mặt khác, đất trong bờ bao thường phù sa không vào được nên đất kiệt, càng phải bón phân nhiều. Thiết nghĩ, thị trường lúa gạo rồi đây sẽ bình ổn. Do vậy việc một số nông dân chạy theo thị trường nay phá vườn làm lúa, mai kia chạy theo cây trồng khác thì không nên".

+ Theo Cục trồng trọt, vụ lúa thu đông (vụ 3) ĐBSCL ước có hơn 419.000ha, tăng 152.000ha so vụ này năm 2007. Với năng suất ước tính bình quân 4,2 tấn/ha sản lượng dự kiến có thêm 1.759 triệu tấn lúa.

Nhận rõ điều này, ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang nói: “Trong mấy năm qua tỉnh có chủ trương khuyến cáo nông dân làm lúa 3 năm/8 vụ. Về lâu dài cũng vẫn áp dụng giải pháp này để xả lũ vào đồng lấy phù sa. Năm ngoái An Giang có hơn 50.000ha lúa vụ 3. Tuy nhiên năm nay do tình hình tăng cường sản xuất lương thực nên tỉnh thuận cho tăng lên 80.000-100.000ha sản xuất lúa vụ 3, nhưng phải đảm bảo điều kiện phòng ngừa sâu bệnh, có đê bao ngăn lũ”.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường