Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết chuyến khảo sát ở Nigiêria và Ghana lần này được thực hiện theo "đặt hàng" của Công ty T4M - một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực ở Anh, sau thành công từ Chương trình "Xuất khẩu nông dân đồng bằng sông Cửu Long sang hướng dẫn nông dân Siêra Lêon trồng lúa".
Bắt đầu triển khai chương trình từ nửa cuối năm 2007, nhóm chuyên gia do ông Võ Tòng Xuân làm cố vấn kỹ thuật đã lập nên kỳ tích với việc trồng được 2 vụ lúa đạt năng suất trên 4 tấn/ha/vụ ngay tại nơi mà người bản địa chỉ trồng được 1 vụ với năng suất hơn 1 tấn/ha.
Bản chất cần cù cộng với khả năng linh hoạt sáng tạo của người nông dân Việt Nam đã giúp họ nhanh chóng khắc phục được những khó khăn về thiếu công cụ máy móc, hệ thống thủy lợi ở Siêra Lêon – vùng đất chỉ có chưa đầy 6 triệu dân nhưng có tới 1 triệu ha đất canh tác lúa.
Không những thế, nhóm chuyên gia này còn đang tích trữ được 3 tấn lúa giống để vụ tới triển khai gieo trồng trên diện rộng - điều mà các chuyên gia trồng lúa quốc tế chưa làm được dù đã đầu tư nhiều tiền vào những vùng này.
Không giấu giếm tham vọng nhân rộng thành công ở Siêra Lêon và đưa thêm nhiều nông dân Việt Nam sang châu Phi, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân còn cho biết chương trình hợp tác với Công ty T4M rất thuận lợi do thổ nhưỡng ở Nigiêria và Ghana tương đối giống vùng đồng bằng Cửu Long của Việt Nam, năng lực tài chính của T4M đủ mạnh để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của chương trình hợp tác. Chính phủ Anh cũng đã đồng ý giới thiệu cho T4M vay 36 triệu USD để thực hiện dự án này.
Chuyến khảo sát Nigiêria và Ghana của nhà khoa học đã nhiều năm tâm huyết với cây lúa này cũng nhằm lập kế hoạch tham mưu cụ thể cho Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về một “đại công trình xuất khẩu nông dân đồng bằng sông Cửu Long sang bên kia đại dương” như lời ông bộc bạch.
Ông Xuân cho rằng với những đức tính và kinh nghiệm mà người nông dân đồng bằng Cửu Long đang có, họ hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia về kỹ thuật trồng lúa cho người dân châu Phi, góp phần tận dụng tiềm năng đất đai thổ nhưỡng, giảm lượng gạo phải nhập khẩu hàng năm và nạn đói ở những vùng đất này. Hơn nữa, với mức lương tháng khoảng 500 USD/người, họ còn có thể gửi về nước giúp gia đình.
Không chỉ trồng lúa, mục tiêu của chương trình còn hướng đến sản xuất và cung cấp rau cho các đô thị lớn. Do vậy, khả năng xuất khẩu lao động nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tăng theo tỷ lệ 1 nông dân đồng thời là chuyên gia nông nghiệp Việt Nam cho mỗi đơn vị diện tích là 10 ha, ông Xuân cho hay.
Bên cạnh đó, thành công từ các mô hình trồng lúa do nông dân Việt Nam mang sang còn mở ra cơ hội tăng xuất khẩu máy móc, nông cụ sang thị trường này.