Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kỷ lục về thu hút vốn FDI: Các nhà đầu tư đặt niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam
26 | 06 | 2008
Trong 6 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã thu hút 31,6 tỉ USD vốn FDI. Không là bất ngờ, bởi các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được cấp mới trong nửa đầu năm nay chiếm đến 50% là các dự án đã đàm phán với nhà đầu tư từ những năm trước. Điều này chứng tỏ, mặc dù nền kinh tế VN gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay, song các nhà đầu tư vẫn quyết định đầu tư và tin tưởng vào tương lai trung và dài hạn của VN.
Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) (ảnh) - đã khẳng định trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều qua (24.6) với các phóng viên.

Thưa ông, có là khiêm tốn không khi FIA chỉ đưa ra dự báo ban đầu cho cả năm nay thu hút FDI bằng năm ngoái (khoảng 21 tỉ USD), nhưng trên thực tế 6 tháng qua, cả nước đã thu hút lượng vốn kỷ lục 31,6 tỉ USD?

- Đúng là trong 6 tháng đầu năm, thu hút vốn FDI lập kỷ lục từ trước đến nay, trong đó, chỉ tính riêng 3 dự án lớn hàng đầu là dự án xây dựng cảng và nhà máy luyện kim của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư 7,879 tỉ USD tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) và dự án Khu liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn của tổ hợp các nhà đầu tư Nhật Bản, Kuwait và VN với tổng vốn 6,2 tỉ USD; dự án khu du lịch, khách sạn cao cấp Hồ Tràm (Bà Rịa- Vũng Tàu) với số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỉ USD - đã chiếm trên 50% tổng lượng vốn đầu tư được cấp phép trong năm nay.

Số vốn còn lại gồm nhiều dự án quy mô lớn (từ 100 triệu USD trở lên) và có tới 158 lượt dự án tăng vốn đầu tư, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 661,2 triệu USD, đã chứng tỏ sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư nước ta hiện nay, mặc dù nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trên thực tế, các dự án lớn kể trên là do kết quả đầu tư của cả một quá trình các bộ, ngành, địa phương làm việc với nhà đầu tư, từ khi có ý đồ đầu tư đến khi hình thành dự án.

Các nhà đầu tư vẫn quyết tâm đầu tư, chứng tỏ họ cũng rất kỳ vọng vào triển vọng của nền kinh tế VN trong trung và dài hạn. Căn cứ trên những đánh giá ban đầu, chúng tôi cho rằng, do ảnh hưởng của lạm phát và tình hình kinh tế chắc chắn có ảnh hưởng, mặc dù nguồn vốn hiện tại vào VN tăng cao, nhưng nếu không có lạm phát, có thể con số này còn cao hơn nữa.

Trong các tháng đầu năm, nguồn vốn ĐTNN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản (BĐS), điều này có phản ánh rằng đã có sự mất cân đối trong thu hút đầu tư, khi chúng ta đang tập trung thu hút vào các dự án thuộc khu vực sản xuất?

- Nếu như qua 5 tháng đầu năm, nhìn vào tỉ trọng nguồn vốn thì có thể thấy nghiêng nhiều về các dự án BĐS, nhưng sang tháng 6, việc có 2 dự án lớn được cấp phép tập trung vào lĩnh vực sản xuất là dự án luyện thép của Formosa và Dự án liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn thì cơ cấu vốn đầu tư đã lại dịch chuyển: 6 tháng, có tới 55,4% nguồn vốn tập trung vào CN và xây dựng; tiếp theo là dịch vụ, chiếm 44% tổng vốn đầu tư.

Số còn lại thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, song do tỉ trọng vốn cho các lĩnh vực trên quá lớn nên lĩnh vực nông, lâm nghiệp đạt thấp. Tuy nhiên, đầu tư vào BĐS cũng là lĩnh vực chúng ta chủ trương thu hút đầu tư, bởi với một nền kinh tế đang hội nhập, VN là điểm đến của khách du lịch quốc tế. Nếu chúng ta không có các khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ đi kèm thì không thể trách du khách họ chỉ đến một lần.

Chúng ta vẫn nói nhiều về năng lực hấp thụ vốn đầu tư của VN quá thấp, nên sẽ là một sự lãng phí khi nguồn vốn thu hút thì nhiều, nhưng chúng ta luôn bị những "nghẽn cổ chai" cản trở như hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và khả năng cung cấp điện vẫn là một rào cản?

- Về vấn đề này, Chính phủ đã có hẳn một chương trình hành động với sự tham gia của các bộ, ngành để nâng cao năng lực hạ tầng cơ sở, đồng thời cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao; song cũng không thể là vấn đề của ngày một ngày hai. Riêng về hạ tầng, thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực điện, bưu chính viễn thông, đường sá, cầu, sân bay, bến cảng đều đang được các bộ, ngành quyết liệt triển khai việc đầu tư và thi công theo đúng tiến độ đưa vào hoạt động, đảm bảo từ nay đến 2020 phải hoàn thành.

Về vấn đề nguồn nhân lực, Chính phủ đang giao Bộ LĐTBXH là cơ quan chính chủ trì lập đề án. Nhưng thực tế đây là vấn đề khó, không theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế, và là vấn đề hết sức bức xúc đối với các nhà đầu tư đầu tư các dự án công nghệ cao. Hiện nay, ở nhiều địa phương đã bắt đầu thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này và đang tích cực phối hợp với nhà đầu tư để thu hẹp khoảng cách về nhân lực.

Ông có thể đánh giá về khả năng thu hút ĐTNN trong cả năm nay?

- Theo tôi, tình hình kinh tế khó khăn ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI, nên chúng tôi chỉ đưa ra dự báo khả năng thu hút 35 tỉ USD trong năm nay là hiện thực. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều dự án lớn, nếu được các địa phương cấp phép trong năm nay thì tình hình sẽ khác. Bộ KHĐT đang tiến hành triển khai một số đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương và sẽ có báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

- Xin cảm ơn ông.



Nguồn: Lao động
Báo cáo phân tích thị trường