Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không e ngại trước những khó khăn ngắn hạn của VN
26 | 06 | 2008
Việt Nam vẫn là một nền kinh tế châu Á được đánh giá tăng trưởng tốt nhất về trung và dài hạn. Những khó khăn ngắn hạn trước mắt không thể cản bước các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam làm ăn. Chính trị ổn định, dân số trẻ, môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao... vẫn là những giá trị hấp dẫn lâu dài của Việt Nam được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao.
VN: Nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất châu Á

“Việt Nam vẫn là một nền kinh tế châu Á được đánh giá tăng trưởng tốt nhất về trung và dài hạn. Những khó khăn ngắn hạn trước mắt không thể cản bước các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam làm ăn. Chính trị ổn định, dân số trẻ, môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao... vẫn là những giá trị hấp dẫn lâu dài của Việt Nam được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao” - là nhận định của Sandy Flockhat - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang có mặt tại Việt Nam nhân dịp khai trương Chi nhánh Hà Nội của HSBC và thực hiện các bước vận động để chuẩn bị ra mắt ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

HSBC: "Chính trị ổn định, dân số trẻ, môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao... vẫn là những giá trị hấp dẫn lâu dài của VN được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao”

Ông Sandy Flockhat cho rằng, với HSBC, ngoài việc phát triển thêm hệ thống mạng lưới như khai trương chi nhánh Hà Nội, chuẩn bị mở ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, gia tăng đầu tư vào các tổ chức tài chính ngân hàng như: Bảo Việt và Techcombank... hiện nay, HSBC đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Điều đó cho thấy, HSBC cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam.


Kinh tế Việt Nam đang trải qua những khó khăn, nhưng đó chỉ là những khó khăn ngắn hạn và nước nào cũng phải trải qua. Điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam đã nhận ra và có quyết tâm khắc phục bằng những biện pháp đúng hướng, ông Sandy Flockhat nói.

Đánh giá về những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải, các chuyên gia phân tích kinh tế của HSBC cho rằng, tình hình của Việt Nam so với Thái Lan năm 1997 là hoàn toàn khác nhau.

Nợ nước ngoài của Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thấp chứ không cao như Thái Lan trước đây. Trong khi đó, khả năng VNĐ bị tấn công từ bên ngoài là rất khó vì hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang quản lý việc mua bán ngoại tệ và VNĐ khá chặt chẽ.

Không bỏ qua cơ hội làm ăn tại VN

Không chỉ có HSBC, Tập đoàn Societe Generale (SG) - Pháp, một trong những ngân hàng đứng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ tài chính cũng đang có kế hoạch đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

“SG vẫn rất cam kết đối với việc tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng và dự án công nghiệp lớn tại Việt Nam và cam kết đóng góp cho sự phát triển lâu dài và sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù có những khó khăn trước mắt bắt nguồn từ tỷ lệ lạm phát cao và những thách thức lớn đối với Việt Nam, ngân hàng chúng tôi vẫn có quan điểm lạc quan về triển vọng kinh doanh của mình tại Việt Nam” - ông Đoàn Trần Đệ, Tổng Giám đốc Điều hành Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Tập đoàn Societe Generale cho biết.

SG hiện rất tích cực trợ giúp các dự án về lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng của Việt Nam bao gồm các nhà máy điện, xi măng, dự án trong lĩnh vực dầu khí…

Ngoài ra, SGCIB cũng tài trợ cho việc giao dịch thương mại giữa Việt Nam và các nước khác về kinh doanh các sản phẩm dầu khí và gạo, bằng việc cộng tác với một số ngân hàng của Việt Nam tài trợ cho việc mua bán các sản phẩm này giữa Việt Nam với các nước khác.

SG: "Mặc dù có những khó khăn trước mắt bắt nguồn từ tỷ lệ lạm phát cao và những thách thức lớn, SG vẫn có quan điểm lạc quan về triển vọng kinh doanh của mình tại VN".

Ngân hàng SG đã tài trợ cho một số dự án lớn ở Việt Nam, trong đó có dự án Điện Phú Mỹ 22. Nhà máy này đã cũng cấp điện với giá rất rẻ cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) từ 3-4 cen/1kwh.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, lãnh đạo cao cấp của SG đã làm việc với những tập đoàn trọng điểm của Việt Nam như: Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Than và Khoáng sản...

Ông Đoàn Trần Đệ cho biết, trong các cuộc bàn thảo, các tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam luôn nêu lên mong muốn có cơ hội kinh doanh và đầu tư tại nước ngoài. Một trong những địa điểm mà những đơn vị này muốn đầu tư ở trong lĩnh vực năng lượng tài nguyên thiên nhiên, đó là tập trung vào nước Nga.

Đối với thị trường Nga, SG có đủ điều kiện giúp đỡ các khách hàng Việt Nam đầu tư tại đây, nhờ việc SG vừa mua lại một ngân hàng tư nhân rất lớn của Nga (RoosBank), và sự tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng rất nhiều năm ở nước Nga.

Thậm chí, nếu các khách hàng Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh tại thị trường khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Châu Mỹ La tinh... SG cũng trợ giúp được nhờ vào sự tín nhiệm lâu năm của Ngân hàng Societe Generale tại đó.

Nói một cách đơn giản là SG có thể bán chính sách bảo hiểm cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng, ví dụ như ngành hàng không, có thể phòng ngừa được việc tăng giá xăng, dầu trong tương lai. Với giá xăng dầu tăng cao, ngành hàng không có thể sẽ phải tăng giá vé, hay một số dịch vụ khác.

Vì vậy, nếu SG cung cấp những sản phẩm phòng ngừa rủi ro lên xuống giá của xăng dầu, khách hàng của ngành hàng không sẽ được sử dụng dịch vụ với giá ổn định, hoặc giá rẻ hơn nhờ có bảo hiểm về giá nhiên liệu. SG cho biết sẽ triển khai sản phẩm này ở Việt Nam khi nhu cầu về khung pháp lý thật đầy đủ.

Khó khăn của VN chỉ là ngắn hạn

Bà Namita Lal, Giám đốc phụ trách ngân hàng bán lẻ Standard Chartered: "Khó khăn của VN chỉ là ngắn hạn".

Một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered mới đây cũng đã hạ thấp dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2008 này. Nhưng bà Namita Lal, Giám đốc phụ trách ngân hàng bán lẻ Standard Chartered khẳng định, ngay cả với tỷ lệ tăng trưởng hạ xuống còn 6,7% đến 7%, Việt Nam vẫn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao đứng thứ 2-3 trong khu vực.

Hơn nữa những khó khăn hiện nay không chỉ của Việt Nam mà là vấn đề của toàn cầu. Trong khi đó, những nhân tố khác cũng có lợi cho VN như dân số, FDI, nguồn kiều hối đều tăng...

Vì vậy Standard Chartered đánh giá những khó khăn của Việt Nam chỉ là ngắn hạn. Chính phủ đang có những chính sách để điều chỉnh và tình hình đã có những dấu hiệu cải thiện.

Bà Namita Lal cho biết đánh giá của Standard Chartered về Việt Nam là 3 đến 5 năm tới tình hình vẫn rất khả quan. Chính vì vậy, Standard Chartered Bank sẽ vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam với tốc độ không hề giảm.

Được biết, từ ngày 1/7 tới đây, ngân hàng này sẽ chính thức khai trương dịch vụ Ngân hàng bán lẻ bao gồm các dịch vụ ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân và các DN vừa và nhỏ tại Hà Nội.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường