Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
27 | 06 | 2008
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố. Sau nhiều năm chờ đợi, thuế TNDN đã chính thức giảm từ 28% xuống 25% theo đúng mong mỏi của cộng đồng DN.

Mức thuế mới không chỉ tạo thuận lợi cho DN mà còn làm tăng sức hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là một thông tin đầy ý nghĩa với các DN trong bối cảnh lạm phát đang gây ra những áp lực làm tăng chi phí đầu vào.

 

Niềm vui nhân đôi


Những thông tin khả quan mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố đã thổi một luồng gió mát lành vào nền kinh tế Việt Nam vốn đang gồng mình trước áp lực tăng giá. 6 tháng đầu năm 2008, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,6-6,7%, bảo đảm GDP cả năm tăng trên 7%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm đạt 31,6 tỷ USD, tăng gần 50% so với cả năm 2007. Ngay sau những thông tin này, Luật thuế TNDN (sửa đổi lại) được Văn phòng Chủ tịch nước công bố. Theo đó, thuế TNDN sẽ giảm từ 28% xuống còn 25%. Kinh tế tăng trưởng khá kèm theo việc thuế TNDN điều chỉnh giảm đã khiến nhiều DN phấn chấn, có thêm niềm tin vào chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ.

 

Tại Diễn đàn DN Việt Nam được tổ chức hằng năm, thuế TNDN luôn là vấn đề nóng bỏng được DN và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Theo các DN, mức thuế 28% là cao so với khu vực và chưa thực sự khuyến khích đầu tư kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhận xét: Việc điều chỉnh thuế suất  thuế TNDN từ 28% xuống 25% là bước đột phá lớn để tạo đà cho DN tăng tích lũy, tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay đang có nhiều công ty cổ phần và các hình thức góp vốn liên doanh liên kết mới xuất hiện. Khoản lợi tức cổ phần, lợi tức thu được từ các hình thức góp vốn của DN ngày càng tăng. Do vậy thông lệ quốc tế đang có xu hướng giảm thuế TNDN và điều chỉnh thêm thuế lợi tức cổ phần.

 

Nhiều DN đã bày tỏ suy nghĩ trước quyết định giảm thuế TNDN. Ông Nguyễn Văn Sinh, chủ một DN nhỏ tại quận Hai Bà Trưng cho biết, mức thuế mới được áp dụng sẽ giúp DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tự tin hơn trong sản xuất, kinh doanh. Với DN, cắt giảm được khoản chi phí nào cũng đều rất quý. Số tiền tiết kiệm được không chỉ giúp giảm chi phí của DN mà còn được sử dụng để tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

 

Nhận xét về việc giảm thuế TNDN, ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội cho rằng, giảm thuế là xu hướng chung của nhiều quốc gia và điều này sẽ có tác động tốt cho DN. Trong điều kiện những chi phí của DN như tiền nhân công, cước vận tải, giá nguyên liệu đầu vào… tăng cao, quyết định giảm thuế sẽ càng có ý nghĩa. Giảm thuế không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí mà còn giúp họ cạnh tranh tốt hơn. Đặc biệt, quyết định giảm thuế sẽ làm tăng đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước phát triển. Đây chính là những cơ sở để một nền kinh tế phát triển bền vững.

 

Theo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), thuế suất chung áp dụng cho các DN là 25% thay cho mức cũ 28%. Các khoản thu nhập từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu khoa học, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa dịch vụ của DN dành cho những người tàn tật… sẽ được miễn thuế thu nhập. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí có thuế suất từ 32% đến 50%, tùy vào từng dự án.

Lợi cả đôi đường


Trước khi Luật Thuế TNDN (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, nhiều ý kiến cho rằng, nếu giảm thuế TNDN xuống 25%, nguồn thu của nhà nước sẽ giảm đi khoảng 5.000-7.000 tỷ đồng/năm. Song thực tế lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Năm 2003, mức thuế TNDN được điều chỉnh từ 32% xuống 28%. Những năm sau đó, nguồn thu ngân sách từ thuế TNDN liên tục tăng với tốc độ tăng bình quân 17%/năm. Cụ thể, năm 2003, tổng thu đạt 21.147 tỷ đồng;  2004: 24.201 tỷ đồng;  2005: 28.729 tỷ đồng;  2006: 33.663 tỷ đồng và 2007: 39.469 tỷ đồng.

 

Thêm vào đó, nếu so sánh với các nước trong khu vực, thuế TNDN của Việt Nam đang ở mức cao hơn. Cụ thể, Xingapo đã hạ thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống còn 19%; Philippin giảm từ 35% xuống 30%. Gần đây nhất, Trung Quốc đã giảm thuế từ 33% xuống còn 25% để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức sau hội nhập, mức thuế mới sẽ khiến gánh lo của DN vợi bớt và giúp họ sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Lộ trình cải cách thuế của Chính phủ giai đoạn 2005-2010, đặt ra 3 mục tiêu: giảm thuế suất; mở rộng diện chịu thuế, khuyến khích sản xuất, đầu tư phát triển và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hiện tại, thuế TNDN đã được điều chỉnh giảm theo đúng lộ trình này. Trong cuộc giao lưu trực tuyến với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định: Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng môi trường đầu tư công khai, minh bạch, sẵn sàng trao đổi, lắng nghe và chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư. Những khó khăn hiện nay mà Việt Nam gặp phải là ngắn hạn và Chính phủ sẽ có các giải pháp kịp thời nhằm đưa nền kinh tế phát triển bền vững.



Nguồn: Doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường