Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khốn khó vì chuyển lúa sang tôm
01 | 07 | 2007
Dăm năm trước, hàng chục nghìn hộ dân ven biển Bắc và Trung Bộ hào hứng chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản với hy vọng đổi đời. Thế nhưng, sau mấy năm triển khai, nhiều hộ dân rơi vào cảnh túng quẫn. Nam Định là một thí dụ.
Từ một dự án… ẩu

“Ẩu” vì dự án xa vời so với điều kiện thực tế nhưng vẫn được phê duyệt và triển khai. Đó là dự án đầu tư chuyển đổi vùng lúa nhiễm mặn sang nuôi tôm tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng - Nam Định).

Chị Trần Thị Huế (27 tuổi, đội 1 - xã Nam Điền) bức xúc: “Trước kia, nhà tôi có 5 sào, nay đấu thầu 1,3 mẫu nuôi tôm. Nhưng mấy năm vừa qua, mùa tôm thất bát. Gia đình từ lúc khá giả trở thành trắng tay…”. Chị Huế vừa kể vừa rơm rớm.

Chị đau không chỉ vì làm ăn bất trắc mà còn vì chính sự áp đặt của UBND xã đối với việc chuyển đổi đất lúa sang nuôi tôm. Trước đó, nuôi tôm trên đất thầu, gia đình chị đã lâm vào cảnh nợ nần hàng chục triệu đồng, dù đã bán cả bốn con trâu trả nợ. Do đó, chị không muốn tham gia DA.

Anh Nguyễn Văn Tới (đội 8) phản ánh: “Hàng trăm hộ dân nuôi tôm, cá khu vực gần đê đang sống dở chết dở. Nay, nếu nhổ lúa nuôi tôm mà chưa thử nghiệm xem hiệu quả đến đâu thì chỉ khổ dân…”.

Nhà anh Tới có bảy sào, xã đã lấy hai sào làm kênh dẫn nước nhưng không đền bù chút nào. Sau mấy vụ thất bát, gia đình anh trở thành con nợ (gần 30 triệu đồng).

Bây giờ, cứ mỗi lần nhắc đến chuyện nuôi tôm, cua, trong anh lại dấy lên nỗi đau. “Vì chẳng biết làm gì nên đành thả ít cá, tôm. Mấy lần tôi định bỏ nhà đi làm ăn xa nhưng thương vợ và hai đứa con nhỏ nên lại thôi. Bây giờ, gia đình tôi khó có thể nuôi tôm được nữa, vì không có vốn”– Anh Tới nói.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Huế, anh Tới là hàng trăm hộ dân khác của xã Nam Điền vốn nghèo khó này. Được phê duyệt từ năm 2002 với tổng diện tích chuyển đổi lên tới 210 ha, số vốn gần 12 tỷ đồng nhưng những bất cập của DA đầu tư chuyển đổi vùng lúa nhiễm mặn sang nuôi tôm đã bộc lộ rõ mà chưa có phương án giải quyết.

DA bắt đầu khởi động từ đầu năm 2005 với diện tích 37 ha (bao gồm 12 ha đất trồng lúa, 25 ha đất ao đầm). Người dân xã Nam Điền đã phản ứng dữ dội trước DA này.

Không khả thi

Đa số người dân xã Nam Điền cho rằng: DA này không khả thi. Bởi hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản của xã những năm qua không hiệu quả. Phần lớn trong số hơn 200 hộ dân nuôi trồng rơi vào cảnh khốn khó. Nhiều ao tôm bỏ trống mấy năm nay, vì chủ thầu hết vốn. Có gia đình đã phải bán nhà cửa và tài sản để trả nợ.

Trước tình hình đó, việc chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản khó có thể hiệu quả. “Nếu trồng lúa thì người dân còn có bát cơm mà ăn. Chuyển sang nuôi thủy sản thì nguy cơ trắng tay rất cao…” - Một người dân nói.

Không những thế, DA còn xa vời với tiềm lực của người dân nơi đây. Theo thống kê, hiện toàn xã này có gần 20% hộ nghèo. Trong số 726 hộ dân có đất nằm trong DA thì có quá nửa điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ thuộc diện nghèo đói. Trong khi đó, để nuôi trồng thủy sản, người dân phải đầu tư số tiền khá lớn.

Tỉnh Nam Định đã chuyển đổi 8.000 ha đất trồng lúa sang mục đích khác: trồng cây hoa màu, nuôi trồng thủy sản và xây dựng khu công nghiệp.

Nghị quyết của Tỉnh ủy đặt mục tiêu: Giai đoạn 2006 - 2010 sẽ chuyển đổi thêm 8.000 ha đất lúa sang mục đích khác, trong đó có 3.000 ha nuôi trồng thủy sản.

Nhiều chuyên gia nhận định: Nếu chuyển sang nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch thì hậu quả sẽ khó lường.

Chính ông Lại Cao Đỉnh - Chủ tịch UBND xã Nam Điền, Trưởng BQL DA cũng thừa nhận: Nếu triển khai DA thì đa số người dân phải đi vay ngân hàng. Nếu chẳng may mất mùa thì họ sẽ trở thành con nợ. Điều đó khó tránh khỏi.

Đấy là chưa kể sự bất hợp lý trong khâu khảo sát DA. DA được phê duyệt với mục đích chuyển đất lúa sang nuôi trồng thủy sản theo phương thức bán thâm canh và thâm canh, tức là nuôi theo mô hình công nghiệp. Tuy nhiên, với diện tích quá nhỏ (trung bình mỗi hộ chỉ khoảng 0,25 ha), người dân khó có thể áp dụng kỹ thuật nuôi công nghiệp.

Ông Trần Đình Cao - Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định còn chỉ ra nhiều khó khăn khác của DA. Thứ nhất, năng lực BQL DA (UBND xã Nam Điền) quá yếu, đặc biệt là trình độ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.

Thứ hai, việc triển khai DA quá vội vàng. Trong khi những diện tích xung quanh đang nuôi trồng còn chưa thể khai thác hiệu quả thì việc triển khai DA là không khả thi.

Hơn nữa, bài học từ sự thất bại thảm hại của DA nuôi tôm công nghiệp của Cty TNHH Viễn Đông ngay cạnh đó vẫn còn nguyên giá trị, khiến người dân khó có thể tin tưởng vào sự thành công của DA. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều DA chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm trên toàn quốc.


(Nguồn: Tiền phong)
Báo cáo phân tích thị trường