Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ hướng tới giá trị gia tăng cao
02 | 07 | 2008
Trong những nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng cho mỗi sản phẩm và tránh những vụ kiện chống bán phá giá, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đang bắt đầu xu hướng phát triển những mặt hàng có giá trị cao.
Đứng đầu một doanh nghiệp có uy tín về xuất khẩu gỗ, Tổng Giám đốc Công ty Sadaco cho biết hiện đã có những bộ bàn ghế sản xuất từ Việt Nam xuất khẩu với giá từ 1.100 - 1.800 USD thay vì chỉ 500 - 600 USD như trước đây.

Nhấn mạnh rằng đây là một hướng đi mới của doanh nghiệp mình cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành nhưng ông Mạnh cũng thừa nhận, so với các thị trường khác, đơn hàng giá trị cao của Việt Nam vẫn còn khá thấp.

Tuy vậy, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu vẫn đang có xu hướng tìm kiếm những thị trường có mức giá rẻ thì ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam cũng còn nhiều cơ hội để tiếp tục sản xuất những mặt hàng có giá cạnh tranh và đầu tư cho kế hoạch lâu dài hướng tới những mặt hàng có giá trị cao.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ 6 tháng đầu năm đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ 6 trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước, sau dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản và gạo

Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm khoảng 0,8% thị phần mặt hàng này, tập trung vào 3 thị trường trọng điểm là Mỹ khoảng 41%, EU 28% và Nhật Bản 12,8%. Ngoài ra, các mặt hàng nội thất cũng được xuất khẩu mạnh sang những thị trường mới như Canada và một số nước Đông Âu

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu đồ gỗ sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới, đặc biệt là tại các thị trường chủ lực sẽ tăng từ 10 đến trên 40% vào năm 2010. Tuy nhiên, chưa chủ động nguồn nguyên liệu và thiếu lao động tay nghề cao đang là những bài toán cần giải quyết để đạt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2010.

Mặc dù có tới 170.000 lao động đang làm việc trong 1.600 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có 250 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cả nước chỉ có 5 trường đào tạo về lâm nghiệp và duy nhất một trường đào tạo về công nghiệp chế biến gỗ. Bởi vậy, thiếu nhân lực là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp, đặc biệt là lao động có tay nghề cao.


Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường