Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chỉ số giá giảm tốc, chưa thể vội mừng
10 | 07 | 2008
Tháng 6/2008, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng chậm lại, ở mức 2,14%, là mức thấp so với những tháng đầu năm 2008. Diễn biến chỉ số CPI tăng chậm vào thời điểm sơ kết 6 tháng đầu năm đã mang lại nhiều hy vọng cho những dự báo sáng sủa hơn của kinh tế nửa cuối năm.
Tuy thừa nhận kết quả của một quá trình tập trung kiềm chế lạm phát nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng: chưa nên quá vui mừng. Còn nhớ khi CPI tháng 4/2008 giảm, đã có nhiều nhận định lạc quan nhưng tháng 5 CPI lại vọt lên mức cao nhất từ đầu năm.

CPI giảm: Có tính chu kỳ?

Thời điểm công bố chính thức các chỉ số quan trọng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê nhận định, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã chậm lại. Kết quả bước đầu này đã khẳng định những giải pháp Chính phủ đề ra là phù hợp và đã phát huy tác dụng. Trong những tháng cuối năm, kinh tế thế giới bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, nền kinh tế trong nước xuất hiện thêm nhiều yếu tố thuận lợi; việc kiềm chế lạm phát và kinh nghiệm điều hành kinh tế đã được tích lũy sẽ phát huy trong những tháng cuối năm.

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, 6 tháng đầu năm kinh tế khó khăn, nhất là thời điểm tháng 4 khi tin đồn về khủng hoảng tiền tệ xuất hiện. Bây giờ có thể nói thời điểm khó khăn nhất đã qua đi. Nửa cuối năm đã xuất hiện những yếu tố tích cực như: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, thu ngân sách đạt khá, xuất khẩu duy trì tăng trưởng và nhập siêu giảm. Đây là dấu hiệu tích cực.

Với góc độ người tiếp cận các thông tin tổng thể và tham gia điều hành kinh tế vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Kế hoach - Đầu tư Cao Viết Sinh nhận định, CPI dù đã tăng chậm lại trong tháng 6, có thể nói là rất đáng mừng khi các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tác dụng, song nhìn nhận một cách công bằng, thì xu hướng chung từ rất nhiều năm nay là trong tháng 5, tháng 6, CPI bao giờ cũng tăng chậm.

Trong bối cảnh CPI của nhiều nước trên thế giới không giảm, hoặc giảm không đáng kể, thì việc tốc độ tăng CPI của Việt Nam giảm mạnh từ mức 3,91% trong tháng 5 xuống 2,14% trong tháng 6 là tốt. Tuy vậy, nỗi lo vẫn còn hiện hữu, khi mức tăng CPI của 6 tháng đầu năm nay so với tháng 12 năm ngoái, vẫn còn khá cao (18,4%) và cao hơn tới 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đòi hỏi trong những tháng cuối năm, các địa phương, các bộ, ngành phải tiếp tục nỗ lực để kiềm chế lạm phát.


Cùng quan điểm thận trọng, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, CPI tăng chậm lại có tác động của giải pháp Chính phủ chắc là đúng nhưng cũng phải lưu ý khía cạnh là mỗi năm, mức độ lạm phát tháng 6 ở Việt Nam đều thấp hơn. Điều này cho thấy CPI tăng chậm lại là có yếu tố khách quan chứ không phải hoàn toàn do tác động của giải pháp chủ quan.

Ông Hà cho rằng, từ nay đến cuối năm, CPI vẫn tăng và lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước vẫn cần điều chỉnh một cách phù hợp để hút tiền từ lưu thông, có thêm vốn cho khu vực sản xuất đồng thời tạo niềm tin cho người dân.

Chính vì thế, trong cảnh báo của mình, Tổng cục Thống kê cho rằng, tốc độ tăng giá đã chững lại nhưng giá cả hầu hết các mặt hàng đều đã đứng ở mức cao và có tính ổn định thấp nên rất dễ tiếp tục tăng cao. Do đó, không được chủ quan trong điều hành kinh tế vĩ mô và phải tiếp tục thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.

Chống lạm phát: Chấp nhận trả giá

Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định: "Chính phủ chưa bao giờ lơ là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Và tôi tin rằng, với quyết tâm cao của Chính phủ, thì trong quý III, các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ tích cực hơn nữa".

8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra cần tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Các địa phương cần tích cực đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư quan trọng, đồng thời cương quyết đình hoãn, giãn tiến độ các dự án chưa thực sự cấp thiết hoặc không hiệu quả theo Quyết định 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong điều hành chính sách giá cả, phải làm sao để đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.


Ông Võ Đại Lược lưu ý về hai giải pháp chính trong chống lạm pháp hiện nay là cắt giảm đầu tư công và thắt chặt tiền tệ cần được thực hiện quyết liệt và linh hoạt hơn.

Giảm đầu tư công mà để địa phương DN làm theo chủ quan của họ thì chưa hẳn hiệu quả. Phải có sức ép thị trường, sức ép Chính phủ đối với những dự án đầu tư không hiệu quả. Có những dự án không hiệu quả đối với nền kinh tế nói chúng nhưng đối với tỉnh ấy, với tập đoàn ấy có lợi ích riêng của họ mà lợi ích ấy chưa hẳn đã phù hợp với lợi ích quốc gia. Cho nên bên cạnh tự nguyện phải có sự nhắc nhở và biện pháp mạnh tay.

Đối với biện pháp kinh tế, để thắt chặt tiền tệ chống lạm phát chủ yếu là tăng lãi suất. Lãi suất của mình hiện nay đang âm, muốn dương thì cũng phải tính toán đến mức nào để DN có thể chịu đựng được, nếu không thì sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, trong chống lạm phát, một số DN không hiệu quả, làm ăn kém phải cải tổ lại, sáp nhập hay giải thể. "Chống lạm phát mà không chịu trả cái giá nào đó thì không được. Chúng ta chưa thấy anh nào phá sản cả", ông Lược nói.

Bên cạnh đó, ông Lược cũng lưu ý, trong những tháng cuối năm, cần tăng cường các giải pháp kinh tế mạnh hơn và giảm bớt những giải pháp về hành chính. Những giải pháp kinh tế khi áp dụng thì người ta hoàn toàn có thể định lượng được tác động, như tăng lãi suất lên bao nhiêu phần trăm thì ai có thể chịu đựng được còn ai thì không...



Phước Hà - VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường