Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo có thể vượt mốc 3 tỉ USD
11 | 07 | 2008
Gạo là thế mạnh của Việt Nam, vì từ năm 1989, Việt Nam đã liên tục xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, đứng thứ hạng cao trên thế giới. Trong điều kiện thế giới lạm phát cao do giá xăng dầu, do giá lương thực tăng cao, thì gạo của Việt Nam chẳng những vừa đảm bảo được an ninh lương thực ở trong nước mà còn bán được giá trên thị trường thế giới, thu được nhiều ngoại tệ hơn.
Chính vì thế, trong 6 tháng đầu năm nay, gạo xuất khẩu đạt 2,514 triệu tấn, tuy chỉ tăng 5,8% (hay tăng 138 nghìn tấn), nhưng kim ngạch đã đạt 1.510 triệu USD, tăng 9,9% (hay tăng 751 triệu USD), do giá xuất khẩu tăng 88,1% so với cùng kỳ năm trước. Cũng chính do giá tăng cao như vậy nên đã đóng góp lớn đối với tổng mức tăng của kim ngạch xuất khẩu gạo (do giá tăng đã đóng góp 707 triệu USD, chiếm 94,1%, còn do lượng tăng chỉ đóng góp 44 triệu USD, chỉ chiếm 5,9% tổng mức tăng kim ngạch xuất khẩu gạo). Giá gạo xuất khẩu bình quân 1 tấn trong 6 tháng qua đã đạt 601 USD (trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 319,4 USD, năm 2006 chỉ đạt 275 USD..., và kim ngạch xuất khẩu của những năm trước kia ở dưới mức 1 tỉ USD, mấy năm gần đây đã đạt trên 1 tỉ USD, nhưng chưa bao giờ vượt qua mốc 1,5 tỉ USD). Nhờ đó, mới qua 6 tháng đầu năm, gạo đã tham gia “câu lạc bộ” các đại gia xuất khẩu đạt từ 1 tỉ USD gồm 8 thành viên, mà lại còn đứng ở thứ bậc cao (đứng thứ 5, chỉ sau dầu thô 5.600 triệu USD, dệt may 4.077 triệu USD, giày dép 2.274 triệu USD, thủy sản 1.890 triệu USD, đứng trên sản phẩm gỗ 1.365 triệu USD, điện tử máy tính 1.237 triệu USD và cà phê 1.181 triệu USD). Hơn thế nữa, cứ với đà này, kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm có thể vượt qua mốc 3 tỉ USD - lần đầu tiên tính từ ngày có gạo xuất khẩu.

Cùng với dấu ấn lịch sử là có thể vượt mốc 3 tỉ USD thì “hạt gạo làng ta” vào năm 2008 cũng lại ghi một “dấu ấn” hết sức vô lý là đã xảy ra cơn sốt ảo trong lúc Việt Nam thừa gạo, lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều (quý I mới xuất khẩu được 1.017 nghìn tấn), giá gạo xuất khẩu còn thấp hơn giá gạo trong nước, lúa đông xuân ở miền Nam đang thu hoạch rộ và lúa đông xuân ở miền Bắc hứa hẹn bội thu... “Dấu ấn” này đã bộc lộ rõ sự yếu kém của hệ thống phân phối, của hệ thống kiểm tra thanh tra và quản lý giá cả, cũng cảnh báo cho mọi người về sự đầu cơ và tin đồn (không chỉ với gạo mà cả những mặt hàng “nóng” khác).

Nhân đây, một lần nữa cũng cảnh báo về công tác dự báo giá cả thị trường. Giá xuất khẩu đã liên tục tăng qua các tháng (nếu tháng 1 là 389 USD/tấn, thì tháng 5 đạt 793 USD, tháng 6 đạt 893 USD). Trong khi đó, lượng xuất khẩu lại tăng mạnh trong các tháng từ tháng 1 đến tháng 4 (là những tháng giá xuất khẩu còn thấp), nhưng lại giảm mạnh trong tháng 5, đặc biệt là tháng 6 (là những tháng giá xuất khẩu cao nhất). Nay khi giá xuất khẩu gạo trên thế giới giảm xuống (do nhiều nước đến vụ thu hoạch, do một số nước, nhất là Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu để tranh thủ lúc giá còn cao trước đó, nên cơn sốt giá lương thực đã hạ nhiệt), thì lượng xuất khẩu có tăng mạnh cũng bị thua thiệt về kim ngạch.

Việc tăng lên của giá gạo xuất khẩu đã có tác động lớn đến việc tăng lên của kim ngạch xuất khẩu, giảm bớt sự thiệt thòi của nông dân. Nhờ gạo được mùa, được giá, nông dân ở nhiều nơi đã mở rộng diện tích gieo trồng lúa hè thu, lúa vụ ba, lúa mùa và đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất. Đó là điều đáng mừng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, giảm bớt tác động của giá lương thực đối với giá tiêu dùng trong thời gian tới, góp phần “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững”.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường