Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gia nhập WTO: Hiệp hội quá mờ nhạt
16 | 06 | 2007
Đã từng công du nhiều nước trên thế giới, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhận thấy vai trò của các hiệp hội nước ngoài rất khác biệt so với những hiệp hội trong nước. Các hiệp hội nước ngoài có một quyền lực rất lớn mà ngay cả chính phủ cũng không thể làm thay

VN: Cứ nghỉ hưu là giao hiệp hội

- Ông có cho rằng, mối liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) của chúng ta là rất yếu, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO?

Đây là một điểm yếu cần khắc phục của chúng ta, nhưng sức ép cạnh tranh sẽ thúc đẩy nó, bây giờ nếu chỉ kêu gọi chung chung là không được, nói mãi rồi, kêu gọi miệng chẳng giải quyết gì.

- Vậy thì vai trò của hiệp hội ở đây như thế nào?

Hiệp hội bây giờ đủ hết, cứ đồng chí nào nghỉ hưu là lại giao hiệp hội. Tôi cũng đang định kiếm cái hiệp hội nào đây…(cười). Thế nhưng vai trò của hiệp hội rất hạn chế, còn mang tính chất hành chính, chưa phải làm kinh doanh thực sự. Trước hết phải biết tạo lợi ích cho DN thì họ mới liên kết được. Có những hiệp hội tính chuyên nghiệp cao nhưng rất nhiều hiệp hội không có tính chuyên nghiệp. Có lẽ mới chỉ là hội thôi, chưa đạt tầm hiệp hội.

- Các nước trên thế giới, tiếng nói của hiệp hội nằm ở tầm nào?

Quyết định là ở hiệp hội chứ không phải chính phủ. Ví dụ hiệp hội ở Nhật, họ có một quyền lực rất lớn. Có rất nhiều cam kết, liên kết ràng buộc, anh nào làm sai là thua luôn. DN kinh doanh mà bị bạn hàng loại trừ, cô lập ra thì chết ngay. Hiệp hội của họ có cơ chế, luật lệ hết sức rõ ràng. Còn Việt Nam, hiện nay luật về hội còn đang tranh luận, đã xong đâu? Còn rất nhiều việc phải làm ở đây, chính phủ không thể làm thay được, bắt buộc phải là hiệp hội. Tôi cho rằng sắp tới hiệp hội sẽ giữ vai trò trung tâm.

Còn bảo hộ, còn trì trệ

- Ông có nghĩ các hiệp hội Việt Nam dường như vẫn còn dựa quá nhiều vào nhà nước?

Thì vẫn cấp xe, cấp nhà…dù không phải là tất cả. Bây giờ chính phủ đã duỗi hết ra rồi, không còn bao cấp nữa. Nhưng rõ ràng nhiều hiệp hội chưa phát huy được vai trò của mình: cung cấp thông tin cho DN, chưa tìm giúp bạn hàng cho DN. Chính vì thế mà hiệp hội bị hờ hững. Thực ra không thể “vơ đũa cả nắm”, nhiều hiệp hội hoạt động tốt, chẳng hạn hiệp hội hạt điều, hiệp hội thuỷ sản, hiệp hội dệt may.

- Như vậy, hãy cứ để sau gia nhập WTO, thực tế sẽ thúc đẩy sự liên kết của các DN Việt Nam?

Đúng. Một trong những mục tiêu của việc gia nhập WTO là tạo nên sự cạnh tranh, từ đó mới có sự trưởng thành. Nếu cứ để tình trạng “bú sữa mẹ” thì không bao giờ phát triển được. Rất nhiều người lo lắng về sự cạnh tranh, nhưng tôi thì lại cho rằng đó là cơ hội.

Thực tế có thể thấy rõ qua mấy chục năm đổi mới. Ví như vào đầu những năm 80 chúng tôi chỉ có bia Vạn Lực để uống, đến khi mở cửa một cái nhiều DN tràn vào, và bây giờ thì ai uống bia Trung Quốc làm gì, toàn xài bia của Việt Nam sản xuất; Quần áo cũng vậy, thế hệ của chúng tôi toàn phải mặc quần áo Trung Quốc, bây giờ thì quần áo của Việt Nam đẹp lắm; Trước nào ai biết bảo hiểm là gì, từ khi đưa các doanh nghiệp nước ngoài vào thì Bảo Việt lại bùng lên phát triển rất mạnh mẽ. Tóm lại cái gì để bảo hộ thì còn trì trệ.

- Nhưng luật về hội không gấp được vì có rất nhiều điểm quan trọng cần tháo gỡ?

Do hiệp hội có rất nhiều dạng và còn rất mới đối với Việt Nam, nên nếu chưa bao quát được hết để mà thông qua luật thì cũng phải có một cái văn bản pháp quy nào đó. Tôi rất tha thiết chỗ này. Ít nhất là các hiệp hội ngành hàng, chứ nếu nhập cả với tổ chức chính trị xã hội thì rất khó. Đây là thực tế mà cuộc sống đang đòi hỏi.

- Có một nghịch lý, hiệp hội hiện nay không do những người trẻ, có năng lực, sung sức nắm giữ mà lại do toàn những người già, đã nghỉ hưu đảm đương?

Sự đào thải có quy luật riêng của nó. Nếu anh không làm được việc, chẳng ai để anh ngồi mãi trên ghế cả.

WTO- phương tiện vào sân chơi lớn

- Thưa ông, Việt Nam chính thức là thành viên của WTO trong tháng tới. Lợi ích của việc gia nhập này, nếu nói một cách cụ thể, dễ hiểu nhất, là những gì?

Theo tôi, gia nhập WTO sẽ có hai cái lợi lớn nhất, đó là Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mới và thứ hai là kim ngạch xuất khẩu của chúng ta sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, hiện các DN và người dân trong nước còn đang nhìn nhận việc nước ta gia nhập WTO theo hai hướng khác biệt: hoặc là quá nhiều thuận lợi, hoặc là quá nhiều thách thức. Chúng ta chỉ nên coi việc vào WTO như là một phương tiện để vào sân chơi thương mại thế giới.

Từ đó, có sự chủ động trong việc chuẩn bị để sử dụng phương tiện này sao cho có lợi nhất. Cũng không nên nhìn nhận lạc quan quá, mà cũng không nên bi quan quá. Cũng giống như một vị tướng khi ra trận chỉ huy, không thể nói ta sẽ thua mà phải nói rằng chúng ta chuẩn bị đã đầy đủ rồi, chúng ta đã cố gắng hết sức rồi, chúng ta sẽ chiến thắng.

- Vào WTO, các DN sẽ vấp phải hàng rào thương mại từ các nước, trong khi đó, chính chúng ta lại chưa có nhiều hàng rào kỹ thuật để tự vệ cho hàng hoá nội địa? Ông nhận xét gì về việc này?

Đúng là hiện nay các ngành hàng, DN trong nước chưa dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hoá của mình, trước lượng hàng hoá lớn sẽ đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Theo tôi, nên có cách làm thông minh để dựng lên những hàng rào kỹ thuật mà WTO cho phép, trong khuôn khổ của WTO.

Nông nghiệp VN không hề yếu

- Khi Việt Nam gia nhập WTO, Chính phủ có cách gì để tăng cường thu ngân sách ?

Tôi không còn làm chính phủ nữa (cười)… Nhưng có nhiều nguồn thuế có thể thu được. Do xuất khẩu và đầu tư tăng lên thì chính cái này sẽ đem lại nguồn thuế mới. Ngoài ra phần thất thu cũng còn rất lớn. Đây là 2 nguồn chủ yếu, ngoài ra thêm những sắc thuế mới nữa. Nói chung về thuế cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều.

- Theo ông, ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng gì khi tham gia sân chơi lớn?

Trợ cấp về nông nghiệp của Việt Nam còn xa so với tiêu chuẩn của WTO cho phép (10% thu nhập nông nghiệp), như thế về trợ cấp không phải lo, nhưng về hình thức trợ cấp thì phải đúng theo quy định. Bản thân hàng nông nghiệp của chúng ta có thế mạnh: gạo đứng hàng 2, cà phê- điều- hạt tiêu đứng hàng 1, thuỷ sản cũng đứng ngang ngửa rồi. Rõ ràng ngành nông nghiệp có cơ hội chiếm lĩnh thị trường khác chứ không phải bị đè bẹp. Tất nhiên một số sản phẩm: đậu tương, bông… còn khó.

- Nhưng năng suất của nông dân Việt Nam thấp hơn so với các nước?

Chúng ta đâu có yếu? Nhiều nước phải “ngán” hàng Việt Nam vì dù năng suất mười mấy người của ta mới bằng một người của họ nhưng bù lại giá thành lao động của chúng ta rất rẻ.

* Xin cám ơn ông!



(Theo Vietnam Net)
Báo cáo phân tích thị trường