Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường bán lẻ Việt Nam: Liên kết để đột phá
14 | 07 | 2008
Ngày 1/1/2009, thị trường bán lẻ nước ta sẽ mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trước áp lực này, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có những động thái gì để cạnh tranh?
Việt Nam là một thị trường khá lớn, với gần 90 triệu dân, nằm trong khu vực được xem là có hoạt động kinh tế năng động nhất thế giới. Việt Nam có mức tăng trưởng GDP cao và ổn định, theo đó nhu cầu tiêu dùng cũng ngày một tăng lên. Năm ngoái, tăng trưởng GDP là 8,4% và tiêu dùng thông qua thương mại hơn 45 tỷ USD. Số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2008 ước tính đạt 447,3 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó cho thấy, tiềm năng phát triển hệ thống phân phối ở nước ta là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, doanh thu bán lẻ từ hệ thống phân phối hiện đại chiếm chưa đến 10% thị trường bán lẻ trong nước, vì phần lớn hệ thống phân phối còn rất non trẻ. Việt Nam mới chỉ có một số đơn vị có phương thức kinh doanh và phân phối tương đối chuyên nghiệp như: Tổng công ty Thương mại Sài Gòn Satra với 40 doanh nghiệp (DN) trực thuộc, Tổng công ty thương mại Hà Nội, chuỗi siêu thị Citimax, Fivimart, hệ thống Maxi Mart, CoopMart...


Điểm yếu của các DN phân phối ở Việt Nam là tính chuyên nghiệp chưa cao, do chỉ có khoảng 4-5% nhân lực được đào tạo chuyên ngành. 60-70% DN phân phối chưa sử dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý và khoảng 20% đơn vị mới xây dựng website với nội dung đơn giản, ít được cập nhật. Việc hậu cần cho hệ thống phân phối như: kho bảo quản, các kho lạnh, xe tải chuyên dùng thiếu đồng bộ, chưa đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Việc tổ chức cung ứng hàng hoá chủ yếu là có gì bán nấy, chưa xây dựng được vùng cung cấp nguồn hàng ổn định để tiêu thụ. Tính chủ động trong hợp tác liên kết, liên doanh thu mua, tiêu thụ hàng hoá còn rời rạc. Do vậy, hệ thống thương mại bán lẻ của Việt Nam tuy đã có nhiều, nhưng còn mang nặng tính đại lý, thu lợi nhuận thấp. Không những thế, việc kinh doanh của các DN trong ngành bán lẻ Việt Nam còn gặp những khó khăn khách quan như thiếu mặt bằng. Theo dự đoán, sau ngày 1/1/2009, sẽ có nhiều “đại gia bán lẻ” nước ngoài đến Việt Nam. Nếu các DN phân phối nước ta không giải quyết được những bất cập trên thì khó có thể cạnh tranh nổi với các “đại gia” này./.

 

Liên kết các nhà bán lẻ trong nước là rất quan trọng!
Ông Vũ Minh Tuấn, Giám đốc Công ty siêu thị  Hà Nội (Hapro): Trước mắt, để ứng phó với thách thức đang đến gần, công ty chúng tôi đang cố gắng khắc phục điểm yếu như: tính chuyên nghiệp, khả năng liên kết các điểm, chi nhánh trong hệ thống. Công ty Siêu thị Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, đã xây dựng chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ có sức cạnh tranh, có uy tín trên thị trường. Chúng tôi chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ cung ứng, áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, xây dựng phong cách bán hàng hóa đặc trưng của Hapro Mart. Về lâu dài, chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới hệ thống bán lẻ, phát triển thêm nhiều siêu thị thành hệ thống chuỗi lớn ở Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước. Hiện, công ty đang lập các dự án để xin giao đất, đấu thầu, thuê lại mặt bằng, liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong tổng công ty, kết hợp với các nhà bán lẻ khác thành lập công ty cổ phần và nhượng quyền thương mại. Công ty xác định, liên kết các nhà bán lẻ trong nước là rất quan trọng để phát huy thế mạnh của nhau và để kết thành mảng, thành bè có đủ sức cạnh tranh.

 

Tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp cho doanh nghiệp!
Bà Đinh Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam: Nguồn nhân lực của các nhà phân phối trong nước thiếu, không chỉ thiếu cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp với khách hàng mà thiếu cả nguồn nhân lực quản trị DN cấp trung và cấp cao. Vào những siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, người tiêu dùng cảm thấy thoải mái, dễ chịu bởi họ có tính chuyên nghiệp cao. Còn những nhà phân phối trong nước lời khen thì ít mà lời chê thì nhiều. Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam mới thành lập tháng 10/2007. Từ khi thành lập, chúng tôi đã tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp cho hệ thống các DN bán lẻ. Hiệp hội đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, hội thảo, tọa đàm với các DN thành viên để nâng cao kiến thức về hội nhập, trao đổi các vấn đề thời sự, trao đổi chương trình, chiến lược phát triển ngắn hạn và lâu dài của DN thành viên và hiệp hội. Hiệp hội cũng có nhiều cố gắng làm việc với cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công thương trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược về thương mại, cũng như mở cửa thị trường. Chúng tôi chú trọng đào tạo cho DN kế hoạch kinh doanh bài bản, và còn vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp. Khi các DN thành viên gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi cũng tìm cách tháo gỡ cho họ. Hiệp hội kết nối khá hiệu quả giữa thành viên trong và ngoài hiệp hội. Ví dụ, trong đợt sốt ảo giá gạo ở miền Nam thời gian qua, Tổng Công ty lương thực miền Bắc cùng với Fivimart, Hapro đã phối hợp với nhau cung ứng gạo cho các siêu thị và chỉ trong một ngày, hệ thống siêu thị thành viên trong hiệp hội được cung ứng đủ gạo. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường mở rộng liên kết giữa thành viên trong hiệp hội và những DN ngoài hiệp hội. Ngày 14/7 tới, Hiệp hội ra mắt tạp chí thương trường, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

 

Ông Văn Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Các doanh nghiệp Việt Nam phải đột phá trong tư duy
* Từ 1/1/2009, nhà đầu tư nước ngoài được phép lập cơ sở bán lẻ với 100% vốn nước ngoài. Ông có thể cho biết khó khăn mà các nhà phân phối trong nước sẽ phải đối mặt?

- Thế mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài là có kinh nghiệm quản lý, phương thức kinh doanh chuyên nghiệp, nguồn quản trị nhân lực tốt, có chiến lược, bước đi bài bản, với định hướng phát triển mang tính dài hạn. Thế mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là khó khăn của các DN trong nước. Nhà phân phối trong nước kết cấu hạ tầng thương mại yếu, chưa đồng bộ, tính liên kết giữa các doanh nghiệp kém. Đại bộ phận DN Việt Nam còn nhỏ bé, vốn hạn hẹp, khả năng tích tụ và tập trung các nguồn lực còn yếu, phương thức kinh doanh lạc hậu, thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ đội ngũ quản lý không kịp với yêu cầu phát triển thương mại theo xu hướng hiện đại và tiến trình hội nhập quốc tế. Sau 1/1/2009, với sự hiện diện các nhà phân phối chuyên nghiệp nước ngoài sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các nhà phân phối nội địa, nhất là với hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tất cả điều này đòi hỏi sự nỗ lực phát triển rất cao, rất quyết liệt  của cộng đồng DN.


** Vậy theo ông, phải  làm gì để tháo gỡ khó khăn cho DN trong nước?

- Phải xác định bên cạnh những khó khăn, các DN Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi. DN Việt Nam rất am hiểu thị trường, nắm được đặc tính, thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nắm được luật pháp, chính sách của Việt Nam hơn các DN nước ngoài. Thời gian tới với sự xuất hiện của những nhà phân phối nước ngoài, khả năng tiếp cận công nghệ mới, phương thức mới trong phân phối và quản lý phân phối, khả năng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong phân phối của các DN trong nước sẽ ngày một gia tăng. Về phía Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công thương, cần tạo ra hành lang pháp lý, chính sách thông thoáng để cho các DN có sân chơi bình đẳng. Bên cạnh đấy, các DN cũng phải nâng cao nhận thức đối với hội nhập, phải nắm được thách thức và cơ hội để có bước đi, chính sách thích hợp. Những chính sách về ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư, sẽ được Chính phủ và Bộ Công thương làm tốt hơn trong thời gian tới. Nhà nước sẽ có những hỗ trợ về vấn đề tiếp cận đất đai, tín dụng, nguồn thông tin và đạo tạo nguồn nhân lực…, cũng như hỗ trợ cho Hiệp hội hoạt động tốt hơn nữa.


** Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về tính liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam?

- Các DN phải hiểu, liên kết là yêu cầu tự thân của các DN trong quá trình phát triển để hỗ trợ, tăng thêm sức mạnh cho nhau. Về mặt luật pháp, điều này đã được quy định tương đối rõ ràng, ví dụ như, trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư quy định có các hình thức hợp tác kinh doanh. Nhà phân phối nhỏ có thể sát nhập, hợp nhất với những nhà phân phối lớn theo Luật Doanh nghiệp. Các nhà phân phối lớn có thể nhượng quyền thương mại cho nhà phân phối nhỏ. Muốn vượt lên điểm yếu, các DN phải đột phá trong tư duy, không làm theo kiểu “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”.



Nguồn: VOVNews
Báo cáo phân tích thị trường