Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thấp vẫn không mấy người mua
21 | 07 | 2008
Chấp nhận bán dưới giá thành mà vẫn không mấy người mua, trong bối cảnh áp lực bán lúa để trả nợ ngân hàng đã đến hồi hối thúc nhất... Vừa hụt hơi giữa cơn "bão giá" đầu vào, giờ đây lại ngoắc ngoải ở đầu ra, có thể nói chưa bao giờ nông dân vùng ĐBSCL phải đối mặt với nguy cơ mất "cả chì lẫn chài" như lúc này...
Mua cao-bán thấp

Tuy ngành chức năng chưa đưa ra con số chính thức, nhưng có một sự thật là giá thành sản xuất lúa năm nay sẽ ở mức cao ngất ngưỡng. Ông Ngô Khuê, "vua lúa giống" tỉnh Đồng Tháp, căn cứ vào sổ sách ghi chép công việc làm ruộng hàng ngày đã đưa ra con số: "5.342đ/kg lúa". Ông Khuê lý giải: Do sản xuất trong bối cảnh giá vật tư tăng từ 200-300% nên giá thành lúa hè thu 2008 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Nếu chỉ tính 5 công đoạn là làm đất, xuống giống, bón phân, phun thuốc BVTV và thu hoạch thì tổng chi phí cho mỗi hécta là 26.710.000đ. Với sản lượng 5 tấn/ha, thì giá thành mỗi hécta lúa là 5.342đ/kg". Đồng tình với cách tính này, thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên, PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: Trường hợp phun xịt thuốc BVTV không đúng quy cách, nhiều khả năng con số này còn cao hơn. Bởi thực tế ở ngay huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có nhiều nông dân đã phun xịt trên 10 đợt khi lúa mới vừa hơn 50 ngày tuổi.

Trái ngược với tầm cao của giá đầu vào này là cú trượt hình sin ở đầu ra. Lão nông Lê Văn Lam, ngụ ấp Tuyết Hồng, xã Tân Phước (Tân Hồng-Đồng Tháp) - người vừa gửi bức thư lên Thủ tướng Chính phủ - kể lên nỗi khó khăn của nông dân, cho biết: Hơn 10 ngày nay, cả gia đình ông đang ngụp lặn trong biển khó khăn ở khâu tiêu thụ. Dù đã liên tục chủ động hạ giá bán từ 4.900 xuống còn 4.500/kg, tức chấp nhận lỗ 500-700đ/kg so với giá sản xuất, và dù lúa đã được sấy khô, tập kết sát bờ sông, nhưng hết mời chào, kêu gọi và chờ đợi, ông vẫn chưa tìm được đường tiêu thụ 80 tấn lúa vừa thu hoạch.

Ông bức xúc: Cả nước đang bước vào sân chơi hội nhập, nhưng nông dân chúng tôi luôn là người gánh chịu thua thiệt. Chúng tôi bị gạt ra khỏi cuộc chơi này rồi sao (?!). "Đó cũng là tình cảnh và bức xúc mà bà con nông dân ở các địa phương "vựa lúa" ở vùng Đồng Tháp Mười, như Tam Nông, Thanh Bình, Tân Hồng... đang vướng phải" - thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên nhấn mạnh.

Lúa ở tứ giác Long Xuyên chờ người mua.

Không dừng lại ở đó, tại "đại vựa lúa" tứ giác Long Xuyên, hạt lúa cũng không tránh khỏi kết cục thảm hại: Mua cao-bán thấp. Ông Nguyễn Văn Lên - Chủ tịch UBND huyện Tân Châu - bức xúc: Sau thời gian không bán được với giá 4.500đ/kg, nhiều nông dân phải chấp nhận bán lúa bằng mọi giá để hoàn thành việc thanh toán nợ ngân hàng.

Hé mở bí mật của sự sụt giá

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, vụ hè thu năm 2008, ĐBSCL gieo sạ trên 1,5 triệu hécta - cao nhất so với các vụ lúa hè thu trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, một số tỉnh có diện tích lúa hè thu tăng cao so với cùng kỳ 2007 như: Sóc Trăng tăng hơn 73.000ha, An Giang tăng hơn 9.000ha... Vì vậy khi sự cố về giá bán rớt xuống dưới giá thành hiện nay đã thu hút sự quan tâm với mong muốn được lý giải nguyên nhân. Các DN thì cho rằng giá lúa hè thu giảm theo đà giảm chung của giá gạo thế giới, do nhu cầu trên thị trường đã "no" sau thời gian tranh thủ NK và sự "bùng nổ" lúa mới thu hoạch của một số quốc gia. Chỉ riêng Thái Lan vừa thu hoạch sản lượng tăng 29% so năm trước.

Theo thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên, tuy giá gạo trên thị trường có giảm nhưng đang dao động ở mức 800USD/tấn. Theo đó, giá lúa khoảng 500USD/tấn, tức tương đương giá 7 đến 7,5 ngàn đồng/kg. Còn GS.TS Võ Tòng Xuân thì cho rằng, giá gạo chỉ giảm tạm thời và là cái cớ để DN tìm cách bán "chạy làng" lượng gạo đang tồn kho với số lượng lớn. GS Xuân phân tích: Ngày 16.7.2008, FAO loan tin từ nay đến tháng 9.2008, Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng chính sách thu mua lúa mới với mức 425 USD/tấn (tương đương 7.225đ/kg) để duy trì giá gạo bán ra quốc tế trên mức 650USD/tấn. Nguồn tin này cũng cho biết Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra giá sàn XK bắt buộc là 780 USD/tấn. Điều này cho thấy giá gạo thế giới vẫn rộng mở cơ hội cho DN mua lúa với giá 6,5 đến 7 ngàn đồng/kg.

Tuy nhiên, đây là điều rất khó xảy ra trong thực tế. "Bởi hạt gạo Việt Nam đã phải gánh chịu quá nhiều sự chia sẻ cho các bộ phận trung gian" - GS Xuân bức xúc: Theo mô hình chung, từ đồng ruộng ra tới bến cảng, hạt lúa đã chịu ít nhất là 4 lần "ăn lời" của bộ phận trung gian. Chính điều này đã "xà xẻo" chiếc bánh lợi nhuận của nông dân. Và sự cố rớt giá vụ lúa hôm nay chỉ là giọt nước tràn chiếc ly đầy những bất cập.

Nên để giá lúa theo quy luật thị trường

Với một quốc gia có đến gần 80% dân số sống nhờ vào nông nghiệp như Việt Nam thì không nên dùng biện pháp hành chính để định mức giá lúa, vì như thế vừa đi ngược lại quy luật thị trường, vừa gây ảnh hưởng bất lợi cho số đông. Dĩ nhiên nếu giá lúa thị trường ở mức cao thì chỉ có một bộ phận (khoảng 20% dân số) bị ảnh hưởng, vì vậy Nhà nước cũng rất dễ dàng dùng chính sách trợ cấp. Nói cách khác là chi phí hỗ trợ này rất nhỏ đối với cái lợi mà xã hội, nhất là những người làm nông nghiệp, 80% dân số sẽ hưởng lợi. Trong bối cảnh khó khăn nhất, chúng ta cũng nên giữ giá lúa ở mức bằng phân nửa giá phân urê để nông dân có thể "trụ" được với cây lúa.


GS.TS Võ Tòng Xuân
GĐ Trung tâm Tài nguyên - Phát triển cộng đồng - ĐH An Giang


Nguồn: Lao động
Báo cáo phân tích thị trường