Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mô hình nào cho nông thôn?
24 | 07 | 2008
Mô hình nông thôn tiên tiến phải được dựa trên nền tảng cơ bản: nông dân có tri thức. Trong nền nông nghiệp tiên tiến, nông dân không thể làm theo cách cha truyền con nối. Họ phải có trình độ khoa học về thổ nhưỡng, giống cây trồng, hóa học phân bón và thuốc trừ sâu, quản lý dịch bệnh, bảo quản sau thu hoạch, kinh tế nông nghiệp.
Ở các nước tiên tiến, nông dân thường có bằng đại học về một trong những ngành chuyên môn: trồng trọt, thủy sản, kinh tế nông nghiệp... Nước ta cần có thời gian dài mới tiến lên được mức này. Nhưng trước mắt, cần nâng cao kiến thức khoa học của nông dân.

Công nhân phải theo học những khóa tay nghề chuyên môn từ bậc 1 lên bậc 7. Tại sao ta không chia ra những cấp chuyên môn tương tự cho ngành nông nghiệp? Rồi từ đó hỗ trợ cho việc đào tạo nông dân. Mỗi khóa học phải kết hợp cả lý thuyết lẫn thực hành. Lý thuyết phải đủ sâu để đem ra thực hiện, nhưng không bao quát dàn trải theo kiểu hàn lâm.

Chẳng hạn, học về các giống cải thiện có thể không cần đào sâu về lai lịch di truyền mà là cách bón phân, tưới tiêu và chăm sóc cho từng giống. Học về thủy lợi không cần biết về quy trình nước trong thiên nhiên mà biết cách đo đạc địa hình, tính độ dốc, tính tốc độ và lưu lượng dòng chảy ứng với nhu cầu nước của từng thửa đất và giống cây trong thửa đất đó.

Cần có các buổi hội thảo kết hợp tuyên truyền qua ti vi cho nông dân, tránh đi vào lý thuyết viển vông, mà giới thiệu những phương pháp, thao tác, nông cụ, nông cơ mới, nói qua về những thành tựu nông nghiệp tiên tiến các nước và vài mẩu chuyện vụn vặt nhưng có lợi cho người nông dân.

Chẳng hạn, mấy ai biết được rằng sầu riêng Thái Lan thơm ngon là thế, nhưng việc thụ phấn sầu riêng chủ yếu do dơi hút mật! Nếu loài dơi này bị tận diệt thì các vườn sầu riêng của Thái Lan sẽ phá sản. Các chủ vườn Thái biết điều đó, nên họ không săn bắt dơi làm món nhậu như ta. Thế nên, kiến thức tưởng chừng vụn vặt mà lại ích lợi rất nhiều.



Ở nước ta, chưa có hệ thống mang kiến thức như thế đến cho các xã vùng sâu vùng xa ở Bạc Liêu, Cà Mau..., nơi người ta đang lùng bắt dơi triệt để!

Dần dà, mô hình nâng nông dân từ bậc nông dân chuyên môn lên cấp kỹ thuật viên. Ở cấp này, trường cao đẳng cộng đồng (community college) các nước hoạt động rất hiệu quả. Họ không đi sâu vào kiến thức hàn lâm nhằm đào tạo nhà nghiên cứu (tuy người tốt nghiệp vẫn có thể thực hiện những nghiên cứu nho nhỏ). Mục đích chính là: đào tạo để làm cho được.

Vì thế, giảng viên trường cao đẳng cộng đồng thường là người đang hành nghề thực sự, ví dụ: kỹ sư nông nghiệp đang làm việc cho một nông trường, kỹ sư hóa học đang làm việc cho một công ty thuốc bảo vệ thực vật, kỹ sư thủy lợi đang phụ trách thiết kế hệ thống thủy lợi cho một huyện...

Dần dà, một số nông dân tốt nghiệp loại giỏi trường cao đẳng cộng đồng có thể được tuyển lên bậc đại học. Ở cấp này, nông dân được đào tạo thêm về lý thuyết khoa học để củng cố cho các ngành học chuyên sâu. Khi ra trường, người “kỹ sư kiêm nông dân” có thể giúp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp ở xã mình, giúp thực hiện một số nghiên cứu chuyên đề để áp dụng cụ thể trong xã mình...

Nhưng trước khi đi đến những bước “dần dà” trên (nhằm phác thảo con đường tương lai) thì cần trở lại bước cơ bản: khởi đầu, nông dân phải biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính cơ bản. Chẳng hạn, biết tính toán số lượng thuốc bảo vệ thực vật theo dung tích (như lít) với liều lượng được cho bằng trọng lượng (như kí lô gam trên mỗi héc ta).

Tức là, không những triệt để phải xóa nạn mù chữ, mà còn phải tiến đến giáo dục cưỡng chế bậc sơ học. Phải giải quyết thực tế đáng buồn là nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa không đi đến trường, hoặc đi học một thời gian ngắn rồi chữ nghĩa trả lại cho thầy cô hết. Khi các em lớn lên, làm nông dân thì không có mô hình nào giúp những nông dân như thế phát triển được cả!

Tiếp đến, cần có chính sách, cơ chế, nguồn vốn... để phát hiện, nuôi dưỡng và hỗ trợ tài trí của nông dân. Một số nông dân Việt Nam có đầu óc rất sáng tạo như làm cầu treo, ‘thần đèn” di chuyển nhà, lai tạo giống v.v. Có một số trường hợp nông dân đã chế được nông cụ hữu ích với giá thành rẻ, nhưng không thể truyền bá nông cụ này ra rộng rãi vì họ thiếu vốn đầu tư, không có nhà tài trợ, không có kênh phân phối. Nhà nước cần đóng góp vai trò tích cực trong các hoạt động này.

Nếu có chính sách hợp lý, nguồn vốn đầy đủ thì người ta sẽ lấy làm ngạc nhiên thích thú vì thấy trên đồng ruộng hoặc nhà máy nông sản ta sử dụng loại máy “Made in Nông dân” mà các viện nghiên cứu của ta chưa chế tạo ra được!

Xin lưu ý, người viết bài này không lạm bàn đến mô hình gì cả, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến vài mảng trống mà Nhà nước cần lấp vào. Có thể xem những hệ thống, chương trình như trên là công cụ nâng kiến thức cho nông dân mà không nước nào kết án được là Việt Nam trợ giá, bao cấp, vi phạm “luật chơi” của quốc tế!

Bây giờ, trở lại với nỗi băn khoăn về mô hình nào cho nông nghiệp tiên tiến. Điều nghịch lý là trong khi nước ta đang loay hoay đi tìm mô hình này mô hình nọ, thì nhiều nước tiên tiến không nói đến mô hình cụ thể gì cả! Họ có điểm chung là hệ thống giáo dục và thông tin cho nông dân như phác thảo ở trên, và hệ thống quy hoạch rất khoa học và thực tế.

Trong quy hoạch, họ chủ yếu cho biết nên trồng cây gì ở vùng nào, mỗi năm nên trồng giống nào để đối phó với hạn hán trong năm này, dịch bệnh trong năm kia. Tức là: nông dân được trang bị đủ kiến thức, rồi thì nông dân tự quyết định. Nhà nước không áp đặt mô hình gì cả, mà chỉ sử dụng những công cụ tài chính, thuế vụ... để điều tiết. Nếu dự báo năm tới thế giới thặng dư lúa mì thì một nước nông nghiệp tiên tiến có thể tăng trợ cấp để một số nông dân bỏ ruộng trống, giữ vững giá lúa mì. Ngược lại, nếu dự báo năm tới thiếu hụt lúa mì thì giảm trợ cấp mà tăng tín dụng cho nông dân trồng thêm lúa mì.

Nhân đây, cũng cần nói thêm là những dự báo như thế nói riêng và thống kê nói chung được truyền tải từ các bộ, tổng cục thống kê xuống đến cấp xã thôn, trong hệ thống thông tin nông nghiệp như được phác thảo ở trên.

Theo kinh nghiệm của chính phủ ở các nước tiên tiến, chỉ cần làm tốt những nền móng, rồi để tùy cơ chế thị trường và sáng kiến của từng cá nhân mà xây lên từ nền móng ấy, chứ Nhà nước không áp đặt mô hình.

Ngay cả những chương trình để tạo nền móng như trên cũng không nên áp đặt. Cần có sự vận động, chia sẻ nguồn lực và chi phí theo kiểu Nhà nước và nông dân cùng làm. Ví dụ, khi tuyển nông dân theo học các khóa chuyên ngành, nông dân phải đóng học phí, chẳng hạn 20-30% chi phí đào tạo. Khi xây trung tâm thông tin nông nghiệp ở xã thì bà con được vận động góp công sức, khai thác và chuyên chở cát, đá làm vật liệu xây dựng, hiến đất... Có sự bắt buộc đóng góp của nông dân như thế thì mới phân biệt được ai có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và ai có đầu óc ù lì, ỷ lại.

Nhà nước không nên ôm đồm mọi việc điều hành. Cần có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế và trong nước để họ giúp phương pháp luận. Nhất là cần có chương trình tham vấn cộng đồng, hỏi han ý kiến của nông dân ở chính địa phương xem họ cần gì, muốn gì... Tránh áp đặt cách điều hành cứng nhắc từ trên xuống, mà cần nhạy cảm nghe ngóng từ dưới lên.

TS Tô Văn Trường - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường