Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tái cấu trúc doanh nghiệp - vấn đề sống còn
24 | 07 | 2008
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang đối mặt với những khó khăn vì biến động của nền kinh tế. Nhưng theo các chuyên gia, tình trạng khó khăn nhất mà các DN phải đương đầu vẫn đang ở phía trước! Đây là một trong những nội dung của hội thảo “Lạm phát, các giải pháp kiềm chế lạm phát và hỗ trợ DN trong tình hình hiện nay” do Hiệp hội DNNVV Việt Nam tổ chức ngày 23-7 tại TPHCM. Hơn 300 đại biểu đã tham dự.

 

Sẽ còn khó khăn

Hầu hết ý kiến của các chuyên gia, DN đều cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2008, DN luôn ở trong tình trạng khó khăn chồng chất. Thiếu vốn để hoạt động đang đe dọa đến sự tồn tại của hầu hết DNNVV.

Theo số liệu từ Hiệp hội DN TPHCM, hiện có khoảng 75% số DNNVV đang lâm vào tình trạng thiếu vốn. Đại diện một DN cho biết, họ đã tiếp xúc với ngân hàng từ nhiều tháng qua, đã hoàn tất hồ sơ, thậm chí trình dự án khả thi cho ngân hàng nhưng cuối cùng thì  ngân hàng thông báo không thể giải ngân. “Tôi muốn biết thực sự ngân hàng có muốn cho DN vay vốn hay không? - DN này bức xúc.

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng VN, thừa nhận, trong 6 tháng đầu năm, việc huy động vốn của Vietinbank chỉ tăng 5% so với năm 2007, trong khi đó mức tăng của những năm trước là 25%-30%. Điều này cũng đang xảy ra tại hầu hết ngân hàng thương mại. Theo đó, có khoảng hơn 35% lượng tiền mặt không “chảy” vào các ngân hàng. Hệ quả là rất nhiều ngân hàng đã không thể đáp ứng được nhu cầu vay của DN mà chỉ duy trì vốn cho các đối tác chiến lược.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng, không có bất cứ DN nào lại đứng ngoài sự biến động của nền kinh tế, đặc biệt là các DNNVV vốn rất yếu và thiếu các nguồn lực để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Và chắc chắn là DN sẽ càng khó khăn hơn sau khi xăng dầu tăng giá. Cũng theo ông, chỉ số giá tiêu dùng bị tác động bởi giá xăng dầu có thể sẽ tăng thêm 1,4%-1,5% trong 3 tháng tới.

Cố gắng huy động vốn từ nhiều nguồn

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, nhìn nhận, khó khăn của DN không dễ khắc phục trong tình hình hiện nay. Điều khiến ông Minh lo lắng là khả năng cạnh tranh của các DN sẽ bị giảm sút nghiêm trọng trong khi sự yếu kém của các DNNVV lâu nay vẫn chưa được cải thiện. Đó là chưa kể ảnh hưởng của hàng loạt vấn đề “nóng” như điện, chi phí tăng cao,… “Đây có thể sẽ là mảnh đất, cơ hội tốt để DN nước ngoài đổ bộ vào VN và để thống lĩnh thị trường, khi mà thời điểm mở cửa thị trường vào ngày 1-1-2009 đã rất gần kề” – ông Minh lo lắng.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV VN, cũng cho rằng, chúng ta đã đoán đúng “bệnh” của lạm phát và đã “lên toa” để chữa trị. Thế nhưng, liều lượng thuốc thế nào để giảm thiểu mức độ thiệt hại nhất cho nền kinh tế lại là một vấn đề khác.

Theo dự báo của ông Kiêm, nếu chúng ta thực hiện tốt các biện pháp kiềm chế lạm phát thì vào giữa năm 2009 tình hình sẽ khả quan hơn. “Trước mắt, các DN phải tự cứu mình, bằng cách tự huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và chờ cơ hội mới vượt lên. Nếu bỏ mặc vào thời điểm này, xem như DN phá sản. Đây chính là thời điểm để thử thách bản lĩnh của DN”- ông Kiêm nhấn mạnh.

Tương tự, TS Lê Đăng Doanh cũng kêu gọi các DN tiếp tục “gồng mình” vượt qua thời điểm khó khăn của nền kinh tế, tập trung cho các dự án khả thi để gia tăng hiệu quả kinh doanh. Theo ông Doanh, việc duy trì mối quan hệ tốt với nhân viên, người lao động, đối tác và bạn hàng để họ thông cảm với những khó khăn của DN, từ đó kêu gọi sự ủng hộ từ họ, cũng là việc nên làm.

Theo khuyến nghị của chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi, đã đến lúc tái cấu trúc và sắp xếp lại hệ thống các ngân hàng thương mại càng sớm, càng tốt. Mặt khác, cần nhìn nhận lại mối quan hệ giữa DN – ngân hàng một cách ngang bằng với nhau, tránh tình trạng xin cho. Về phía các DN, tái cấu trúc tài chính, nhân sự, đầu tư, làm lành mạnh hóa tài chính là bài toán sống còn, từ đó xây dựng chiến lược phát triển dài hạn một khi chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này.



Nguồn: SGGP
Báo cáo phân tích thị trường