Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thuỷ sản thế giới quý II/2008
26 | 07 | 2008
Ngành nuôi trồng thuỷ sản thế giới lâm vào cảnh lao đao trong quý II/2008 do chi phí sản xuất tăng mạnh, trong khi nhu cầu trì trệ bởi giá sản phẩm tăng cao.
Nền kinh tế Mỹ suy yếu ảnh hưởng xấu tới sức mua ở thị trường này. Tình hình ở Nhật Bản cũng không khả quan hơn, bởi không chỉ sức mua giảm mà đồng Yên tăng giá càng khiến cho thuỷ sản nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Ngành thuỷ sản chỉ còn trông chờ vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) và một số thị trường khác như Trung Đông và một số nước châu Á như Trung Quốc.
Dự báo EU sẽ trở thành thị trường thuỷ sản lớn nhất thế giới với mức tiêu thụ bình quân đầu người hằng năm đạt xấp xỉ 26,5kg. Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Glitnir về ngành thuỷ sản, các nước EU không chỉ là những nước thuộc diện giàu nhất thế giới mà còn chiếm khoảng 45% tổng nhập khẩu thủy sản toàn cầu. Thậm chí ngay cả khi thương mại giữa các nước thành viên bị chặn lại thì nó vẫn là thị trường lớn nhất với 27% tổng nhập khẩu thủy sản, trị giá gần 16 tỉ EUR. EU sẽ là một thị trường đầy hứa hẹn cho thuỷ sản nhờ sự phát triển nhanh chóng của ngành nuôi trồng thuỷ sản và nhận thức về thực phẩm có lợi cho sức khoẻ của người tiêu dùng châu Âu.
Tại Trung Quốc, một thị trường mới nổi có rất nhiều tiềm năng, sản lượng trong quý I/2008 bị ảnh hưởng nặng do bão tuyết, đẩy giá tăng cao. Dự kiến thị trường thuỷ sản Trung Quốc sẽ nóng trở lại vào những tháng tới, khi diễn ra thế vận hội Olympics ở đây.
Xuất khẩu thuỷ sản của Ấn Độ năm 2007/08 dự kiến giảm 10% về khối lượng và 13% về trị giá so với tài khoá trước. Tuy nhiên, nếu tính bằng đồng USD, thu nhập từ xuất khẩu thuỷ sản đã tăng lên 1,86 tỷ USD, so với 1,85 tỷ USD tài khoá trước. Theo số liệu mới công bố của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thuỷ sản (MPEDA), Ấn Độ đã xuất khẩu 529.357 tấn thuỷ sản, trị giá 74.763,7 triệu Rupi trong năm 2007/08, so với 612.641 tấn trị giá 83.635,3 triệu Rupi năm 2006/07. Đồng Rupi tăng giá và nguồn cung mực giảm đã làm giảm thị phần của Ấn Độ trên thị trường thuỷ sản thế giới. Chi phí sản xuất của Ấn Độ tăng đang góp phần làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất thuỷ sản Ấn Độ. Mặc dù xuất khẩu sang châu Âu khá thuận lợi, song thị phần ở Nhật và Mỹ lại giảm sút. Ngoài ra, sự cạnh tranh từ Trung Quốc, nơi sản xuất tôm giá rẻ hơn, đặc biệt là tôm hùm đen, cũng gây khó cho Ấn Độ.
Xuất khẩu thuỷ sản của Áchentina tiếp tục giảm. Theo thống kê của Cục Quản lý Chất lượng và Vệ sinh Thực phẩm Áchentina (SENASA), 4 tháng đầu năm 2008, Áchentina xuất khẩu 132.847 tấn thuỷ sản, trị giá 261 triệu USD, giảm 19,7% về khối lượng và 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tây Ban Nha vẫn là thị trường tiêu thụ số 1 của thuỷ sản Tây Ban Nha. 4 tháng đầu năm 2008, Tây Ban Nha tiêu thụ 36.403 tấn, trị giá 61,1 triệu USD. Braxin giữ vị trí nhà nhập khẩu lớn thứ hai với khối lượng đạt 15.567 tấn, trị giá 39,9 triệu USD. Tiếp theo là Italia và Mỹ với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 22,9 triệu USD và 18,7 triệu USD.
Malaixia đã tạm dừng xuất khẩu thuỷ sản sang EU từ ngày 17/6 nhằm tránh lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản từ nước này của EU. Tất cả các cơ sở chế biến và tàu đánh bắt thủy sản hiện đang được thanh tra để xác minh sự tuân thủ của họ đối với các quy định của EU. Quyết định tạm ngừng xuất khẩu sang EU không nói rõ trong thời gian bao lâu, nhưng một quan chức của Bộ Y tế Malaixia cho biết, các công ty hy vọng sẽ được xem xét xuất khẩu trở lại sau 6 tuần. Tháng Tư vừa qua, cơ quan an toàn thực phẩm của EU đã có chuyến thanh tra các nhà máy chế biến và xuất khẩu của Malaixia và phát hiện ra 6/9 công ty xuất khẩu thủy sản không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Được biết, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Malaixia sang thị trường EU trung bình hằng năm đạt khoảng 1,5 triệu Ringgit (461 triệu USD).
Nhật tăng nhập khẩu thuỷ sản chế biến từ Thái Lan, một phần nhờ Hiệp định Tự do Thương mại song phương (FTA). Giá nguyên liệu thuỷ sản ở Thái Lan tăng cao sau khi đồng baht tăng giá so với USD khiến hàng thuỷ sản chưa chế biến dành cho xuất khẩu có giá rất đắt.
Nhập khẩu thuỷ sản của Nga tăng mạnh. Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Nga đạt mức kỷ lục 1,2 tỉ USD, tăng 79% so với năm 2006, trong khi đó, xuất khẩu chỉ thu về 517 triệu USD. Xu hướng này có thể tiếp tục trong các năm tới do thu nhập của người dân Nga tăng lên, tiêu thụ nội địa tăng và thói quen ăn uống có nhiều thay đổi. Na Uy là nhà cung cấp thuỷ sản lớn nhất cho Nga. Trung Quốc và Việt Nam cũng là những là cung cấp quan trọng cho thị trường này. Uỷ ban Thuỷ sản Nga đang triển khai nhiều dự án phát triển ngành thuỷ sản nội địa nhằm tăng sản lượng và hạ giá thành để phù hợp với cả người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Campuchia cho phép nhập khẩu cá giống để hỗ trợ các trại nuôi cá, do việc nuôi cá trang trại ngày càng phổ biến với tỷ lệ gia tăng mỗi năm từ 20-25%. Hiện Campuchia nuôi khoảng 30 triệu cá giống mỗi năm, thấp hơn nhiều so với nhu cầu 300 triệu con trong thời gian sắp tới. Để tháo gỡ khó khăn, chính quyền đã cho phép nhập cá giống từ Thái Lan và Việt Nam. Năm vừa qua, Campuchia đã nhập từ các quốc gia láng giềng hơn 100 triệu cá giống và con số này được dự báo là sẽ lên đến 200 triệu trong năm nay. Ông Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh rằng con số này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu nên phải nhập thêm từ các nước khác nữa. Hiện có khoảng 100 trang trại nuôi cá giống ở Campuchia, trong đó 16 trang trại do nhà nước quản lý.




Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường