Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bao tiêu hàng hóa nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp ĐBSCL
25 | 07 | 2008
Sau hơn 6 năm thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, rất nhiều doanh nghiệp (DN) và nông dân đã gặp nhau giữa “cung và cầu”. Tuy nhiên, phần được chỉ là những “đóm lửa nhỏ”, khi những tồn tại, bất cập vẫn như đang thách thức một quyết định mang tính chiến lược cho hàng hóa nông sản Việt Nam!
Doanh nghiệp luôn nằm “kèo trên”!?

Câu chuyện con cá tra, cá basa là đề tài “nóng” trong 2 tháng qua ở ĐBSCL. Đến ngày 24-7, tình hình tiêu thụ cá tra, cá basa tồn đọng vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa. Nguyên nhân chính vẫn là nông dân phát triển nuôi tự phát, các nhà máy chế biến cứ mọc lên như nấm mà không gắn kết với vùng nguyên liệu cụ thể nào…
Thực hiện hợp đồng bao tiêu tốt sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản.

Sau hơn 6 năm thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng, các DN đã ký kết hợp đồng bao tiêu (HĐBT) trên nhiều mặt hàng nông sản như: lúa, cá tra, mía, nấm rơm, rau màu.

Theo Hội Nông dân Cần Thơ, đã có khoảng 500.000 tấn lúa, rau màu, nấm rơm… của nông dân sản xuất được DN trực tiếp ký kết bao tiêu. Trên diện rộng, Công ty Sữa Vinamilk, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản – thực phẩm An Giang, các DN cao su ở Đồng Nai và Bình Dương, Công ty Lương thực Sông Hậu, Mekong (Cần Thơ), các công ty mía đường ở ĐBSCL đã HĐBT, bước đầu mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, do việc hướng dẫn và thực thi quyết định chưa cụ thể, thiếu các chính sách ưu đãi và biện pháp chế tài cần thiết khi ký HĐBT… việc thực hiện quyết định này chỉ mang tính “tượng trưng”. Cả nông dân và DN đều “bẻ kèo” nhưng không ai làm gì được!? Cụ thể là việc ký HĐBT đối với mặt hàng cá tra, số DN ký hợp đồng rất ít và khi thảo HĐBT, các DN luôn nằm “kèo trên”, còn nông dân nằm trên… “thớt”!? “ Đa số HĐBT cá tra hiện nay là không có giá trị pháp lý, nông dân luôn ở thế yếu. Các DN tự tạo ra HĐBT và họ cứ “chơi chữ”.

Phổ biến nhất trong HĐBT cá tra, DN “thòng” một câu: sau 30 ngày mới trả tiền!? Phần lớn các DN chỉ đưa người có chức danh “phó” ra ký HĐBT để thủ đường… lẩn tránh trách nhiệm khi xảy ra sự cố” – ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Cần Thơ, bức xúc nói. Nông dân phải chịu “lép” khi ký HĐBT. Khi xảy ra sự cố DN “bẻ kèo”, nông dân không đủ cơ sở để “đấu” với DN. Nông dân nuôi cá tra hiện nay “sốc” nhất là dạng HĐBT có câu “sau 30 ngày mới trả tiền”.

Vì thực tế, sau 30 ngày, DN ngâm thêm 1 – 2 tháng, nông dân vẫn phải bấm bụng chịu trận!? “Cấp phó ký tên, HĐBT không có giá trị pháp lý. Thực tế, phải là người đứng đầu pháp nhân ký hợp đồng giao dịch. Nếu “cấp phó” ký phải có giấy ủy quyền riêng kèm theo hợp đồng mới có giá trị pháp lý” – luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết. Nắm được điều này, các DN chỉ đưa “cấp phó” ra ký!? Như vậy, gần như hơn 80% các HĐBT trên mặt hàng cá tra, cá basa ở ĐBSCL không có giá trị pháp lý!?

Tất nhiên, cả nông dân và DN đều “bẻ kèo” khi 1 trong 2 đối tượng rơi vào khó khăn. Không ai xử lý trường hợp “bẻ kèo” này, nên cả nông dân và DN đều có cảm giác HĐBT không có giá trị!? Tại Thốt Nốt đã xảy ra một trường hợp DN “vừa ăn cướp vừa la làng”. Số là DN kiện nông dân ra tòa vì không bán cá tra cho họ theo HĐBT. Nhưng khi ra tòa, mới “lật tẩy” DN này không bắt cá đủ số lượng theo thời gian “giao kèo”, nông dân phải bán đổ bán tháo. Cuối cùng DN phải “mất tiền cọc” đã đặt. Đây chỉ là trường hợp cá biệt. Hàng chục nông dân nuôi cá tra ở Thốt Nốt vừa qua bán cá cho một DN, họ đưa 30% số tiền rồi “ôm” phần còn lại trốn mất, nông dân tức tưởi ôm… hận!?

* “Chiếc phao” giữa “tâm bão”

Nhiều nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL vẫn được sản xuất theo kiểu trôi nổi, chưa có hợp đồng bao tiêu. Ảnh Cao Phong
Quyết định 80 của Thủ tướng là cơ sở để tạo đường cho nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn và văn minh, hiện đại gắn liền với chế biến và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra. Tại ĐBSCL – nơi được xem là trù phú về cây ăn trái, lúa, tôm, cá - sản xuất vẫn còn manh mún, thiếu vùng chuyên canh; hàng hóa từng lúc chưa đáp ứng về số lượng, chất lượng nên khâu tiêu thụ qua HĐBT gặp nhiều khó khăn. Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh giá đầu vào (xăng dầu, thức ăn, thuốc cho nuôi trồng…) tăng vùn vụt, DN sẽ không dám ký HĐBT hàng nông sản với nông dân.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, rất khó để xác định giá thành sản xuất của các mặt hàng như lúa, cá tra… hiện nay; DN cũng không đủ cơ sở để định ra giá sàn! Song, nếu DN và nông dân quyết tâm và đặt niềm tin vẫn có thể thực hiện khá tốt HĐBT. Cụ thể là Công ty CP Hùng Vương (Tiền Giang) vẫn tiến hành ký kết HĐBT cá tra với nông dân Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… Tại Cần Thơ, Công ty CP Hùng Vương vừa ký kết HĐBT 11.000 tấn cá tra với HTX Nông nghiệp Thới An (Ô Môn) từ tháng 12-2008 đến tháng 3-2009.

Phương thức đưa ra HĐBT khá sáng tạo và linh động cho nông dân. Phía công ty lo thức ăn (khoán 1,7 kg thức ăn/kg cá thịt – tương đương gần 200 tỷ đồng mua thức ăn cho HTX) cho nông dân và cộng thêm tiền con giống, thuốc, công nuôi (2.500 – 3.000 đồng/kg). Việc này đã tạo điều kiện cho nông dân “chắt chiu” chọn lựa con giống, sử dụng thận trọng thức ăn, thuốc… để giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận. Nếu nông dân chủ động “góp tiền” mua thức ăn cho cá, phần vốn này sẽ được chia lợi nhuận 5%; nếu giá cá trên thị trường tăng, phần chêch lệch nông dân sẽ được chia thêm tùy theo vốn góp mua thức ăn.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thới An cho biết: “Trong 4 năm qua, HTX được Công ty Hùng Vương ký HĐBT chưa bao giờ thua lỗ trong bán cá tra. Ngay thời điểm giá cá tra rớt chỉ còn khoảng 13.000 đồng/kg vừa qua, công ty vẫn mua cá đúng với HĐBT là 15.500 đồng/kg. Hàng tuần, phía công ty đều chi tiền để các xã viên mua thức ăn cung cấp cho cá. Tôi nghĩ, các DN ở ĐBSCL nên học cách làm của Công ty Hùng Vương”.

“Gần 4 năm thực hiện HĐBT cá tra, chúng tôi chưa nghe nông dân nào than phiền bán cá bị lỗ”, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương, nói chắc nịch. Theo lý giải của ông Minh, DN khá tự tin ký kết HĐBT với phương thức khá thuận lợi cho nông dân là DN đã nắm bắt khá vững thời điểm thị trường thế giới có nhu cầu và tạo được uy tín với khách hàng.

Tất nhiên, trong thời gian qua, Công ty Hùng Vương đã “thẩm tra” tay nghề của các hộ nuôi cá tra khá kỹ mới dám táo bạo ký HĐBT như thế. Nhưng qua đó cho thấy, dù khó, các DN vẫn có thể ký HĐBT được với nông dân. Vấn đề còn lại là cả DN và nông dân phải nhìn lại cung cách làm ăn, tay nghề của chính mình để đi đến đặt “niềm tin” từ hai phía. Phải chăng đó là vấn đề “cốt lõi” để giải quyết những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện HĐBT nông sản theo tinh thần Quyết định 80 của Thủ tướng hiện nay.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường