Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam: Cơ hội thu hút đầu tư từ APEC
28 | 06 | 2007
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hiện có trên 5.681 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 41,7 tỷ USD, chiếm trên 73% tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong số 16 nền kinh tế thành viên APEC có dự án đầu tư tại Việt Nam, dẫn đầu là Đài Loan với 1.542 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 8,04 tỷ USD, chiếm 27% số dự án và 19,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Xinhgapo với 447 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 8,03 tỷ USD; Nhật Bản có 723 dự án, tổng vốn đầu tư 7,1 tỷ USD.

Về tổng vốn thực hiện, các nhà đầu tư Nhật Bản lại dẫn đầu, với trên 4,7 tỷ USD đã được giải ngân. Trong những nỗ lực đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương, Việt Nam và Nhật Bản đã thoả thuận thực hiện Sáng kiến chung Việt-Nhật về việc hợp tác nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Việc triển khai có hiệu quả Sáng kiến chung cũng như việc ký kết chính thức Hiệp định về tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa hai nước đã động lực lớn thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam-Nhật Bản.

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam khoảng 2 tỷ USD, tuy nhiên, nếu tính cả nguốn vốn đầu tư thông qua nước thứ ba thì tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam đều có các dự án đầu tư của APEC, trong đó tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ và nông- lâm- nghiệp.

Các dự án đầu tư của APEC tập trung chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương. Trong đó, đứng đầu là Thành phố Hồ Chí MInh có trên 1.700 dự án còn hiệu lực, với số vốn đầu tư 9,8 tỷ USD; tiếp theo là Hà Nội có 565 dự án với tổng vốn đầu tư 7,8 tỷ USD.

Các nhà đầu tư APEC đã góp phần tạo một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Một số dự án lớn hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như dự án công ty Xi măng Nghi Sơn của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư trên 600 triệu USD, dự án Công ty Intel Product của Hoa Kỳ, một số dự án đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với 4 nền kinh tế còn lại của APEC hiện chưa có dự án tại Việt Nam là Papua New Guinea, Mêhicô, Chilê và Pêru. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các cơ quan ngoại giao của 4 nước này để tạo kênh xúc tiến đầu tư; đồng thời gợi ý hai bên sẽ gửi các đoàn doanh nghiệp sang trao đổi để cùng nhau tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Ông Thắng nhận định, việc Việt Nam tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và gia nhập WTO sẽ góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Thắng cũng dự báo, trong thời gian tới sẽ có một làn sóng đầu tư từ các nền kinh tế APEC đổ vào Việt Nam- một môi trường đầu tư an toàn với những chính sách thông thoáng./.



(Theo TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường