Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gỗ khó đạt mục tiêu tăng trưởng
02 | 08 | 2008
Doanh thu các công ty chế biến gỗ niêm yết trên sàn quý II giảm mạnh so với quý I, chủ yếu do thời vụ theo như lý giải từ phía doanh nghiệp.
Nguyên nhân này đặc biệt tác động tới các doanh nghiệp sản xuất nhiều hàng ngoài trời.

Tuy nhiên với tình hình khủng hoảng kinh tế và bất động sản đóng băng tại nhiều nước trên thế giới như hiện nay, ngành gỗ khó lòng đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra

Doanh thu giảm chủ yếu do thời vụ

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý II cho thấy lợi nhuận trước thuế của Savimex giảm đến 44% tương ứng giảm hơn 1,3 tỷ đồng so với quý I. Doanh thu của Savimex giảm 7,9%, tương đương 6,7 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệpchủ yếu sản xuất hàng trong nhà.

Đồng cảnh ngộ với Savimex, một đại gia khác trong ngành là gỗ Trường Thành cũng gặp tình cảnh doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh so với quý I. Doanh thu quý II của gỗ Trường Thành đạt 134,5 tỷ đồng chỉ bằng 55% so với 244,2 tỷ đồng doanh thu quý I. Tập đoàn Trường Thành sản xuất khoảng 65% là hàng ngoài trời, 25% là hàng trong nhà và khoảng 10% là ván sàn gỗ.

Một nguyên nhân chính làm cho lợi nhuận của ngành chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ ngoài trời trong quý II giảm là do đặc trưng kinh doanh của ngành mang tính thời vụ.

Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng Giám đốc gỗ Trường Thành, giải thích đặc trưng của ngành: “Mảng chế biến sản phẩm gỗ ngoài trời có mùa cao điểm và mùa thấp điểm. Mùa xuất hàng cao điểm là quý I và quý IV, mùa xuất hàng thấp điểm là quý II và quý III, do đây là thời gian bán hàng ngoài trời tại Châu Âu và Mỹ. Mặc dù TTFC đang sản xuất khá nhiều nhưng lượng hàng để xuất khẩu chủ yếu là vào quý IV và quý I năm sau. Dự kiến doanh số quý II và quý III sẽ không cao, chỉ bằng khoảng 50% 2 quý còn lại”.

Giải trình của Savimex cũng nhận định tương tự: “Khách hàng chính của Savimex là khách hàng Nhật, thị trường Nhật mang tính thời vụ, quý 2 là mùa thấp điểm, sản xuất hàng mẫu, triển lãm để chuẩn bị cho quý III và quý IV. Mặt khác công ty mở rộng thêm thị trường Mỹ, do đơn hàng trong quý II chưa nhiều nên doanh thu quý II thấp làm cho lợi nhuận giảm”.

Một thách thức không thể bỏ qua đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu là tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái và bất động sản Mỹ đóng băng. Bà Thu cho biết với tình hình kinh tế suy thoái nên lượng đặt hàng của khách hàng gỗ Trường Thành không còn giữ mức tăng 20% mỗi năm như trước mà chỉ còn khoảng 10%, có khách thì chỉ bằng năm trước.

Lợi nhuận giảm còn do hợp đồng đã ký trước đó với giá thấp trong khi giá vốn hàng bán và chi phí liên tục leo thang. Theo Savimex lợi nhuận trong quý II giảm là do các đơn hàng xuất khẩu của công ty thực hiện trong quý II chủ yếu ký từ đầu năm. Giá cả đầu vào biến động tăng làm cho chi phí nguyên nhiên vật liệu và các chi phí khác tăng, ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm.

Một yếu tố khác có thể kể đến là chi phí lãi vay ngân hàng tăng cao cũng làm cho lợi nhuận giảm. Đặc thù của các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ là lượng vốn vay ngắn hạn cao dành cho vốn lưu động thu mua nguyên vật liệu, vì vòng quay vốn của ngành chỉ ở mức 0,8 – 1 vòng/năm tùy nguyên vật liệu nhập khẩu hay thu mua trong nước.

Khó đạt chỉ tiêu cả năm

Giảm giá vốn hàng bán, tiết kiệm chi phí sản suất, cắt giảm những chi phí không cần thiết biện pháp được nhiều doanh nghiệp đang thực hiện.

Lợi nhuận gộp từ kết quả hoạt động kinh doanh trong quý 2 tương đương quý 1 dù doanh số giảm mạnh so với quý I. Chỉ tiêu lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần quý 2 lại tăng gấp 2 lần so với quý 1 cho thấy gỗ Trường Thành đã tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất làm giảm giá vốn hàng bán ra.

Tuy thế, lợi nhuận sau thuế của gỗ Trường Thành trong quý 2 chỉ đạt 7,3 tỷ đồng chỉ bằng 52,8% so với quý I là 13,8 tỷ đồng mặc dù giá vốn hàng bán giảm đáng kể.

Lý giải về việc trên bà Thu cho biết: “Do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ khi vay và trả lên tới 5,8 tỷ đồng nên lợi nhuận chỉ còn khoảng 7,3 tỷ đồng. Nếu không bị lỗ do chênh lệch tỷ giá thì lợi nhuận trong quý 2 sẽ đạt 13,1 tỷ đồng. Thực tế cho thấy trong quý 1, lỗ do chênh lệch tỷ giá của gỗ Trường Thành rất nhỏ, chỉ vài trăm triệu”.

Nhận định về doanh thu xuất khẩu 6 tháng cuối năm của ngành chế biến xuất khẩu gỗ trong sáu tháng cuối năm, Savimex cho rằng: “Quý 3 và quý 4 là mùa cao điểm xuất khẩu, dự kiến doanh thu sẽ tăng”.

Tuy nhiên với tình hình lãi suất ngân hàng đang ở mức cao, kinh tế thế giới vẫn đang trong tình trạng suy thoái như hiện nay các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành chế biến gỗ xuất khẩu khó lòng đạt được.

Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gỗ Trường Thành cho biết: “Dự kiến doanh số của gỗ Trường Thành không đạt như kế hoạch kinh doanh đã đề ra do kế hoạch kinh doanh được thiết lập từ tháng 11/2007. Dự kiến doanh số năm 2008 có thể đạt ở mức 800 – 900 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến khoảng 60 tỷ đồng, tức vẫn tăng so với năm 2007 nhưng không nhiều nếu tình hình lãi suất không giảm. Tuy nhiên, nếu đồng USD tăng giá trong giai đoạn cuối năm thì ngành xuất khẩu có lợi, lúc đó, doanh số và lợi nhuận của TTF sẽ được tăng theo tỷ lệ này. Và TTF vẫn tự tin là doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh đầu ngành, dù trong bối cảnh khó khăn nhất.”




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường