Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Giá chỉ giảm nhất thời?
05 | 08 | 2008
Sau một thời gian sụt giảm trên thị trường thế giới, giá gạo đang có dấu hiệu hồi phục. Theo Trung tâm thông tin thương mại (Bộ Công thương), ngày 28/7, giá gạo thô kỳ hạn trên thị trường Chicago tăng nhẹ, vượt khỏi mức thấp nhất của nhiều ngày gần đây.
Đầu tháng 7 giá gạo thế giới bất ngờ giảm mạnh, loại gạo 5% tấm còn từ 650 USD – 670 USD/tấn (giảm trên 300 USD/tấn so với tháng 4, 5) và hiện chỉ còn từ 600 – 620 USD/tấn. Giá gạo trong nước cũng trên đà giảm. Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, hiện giá lúa các tỉnh phía Bắc đã chững lại ở mức 5.700 – 6.400 đồng/kg (lúa tẻ thường), giảm 400 – 800 đồng/kg so với tháng 6; gạo tẻ thường vẫn ổn định ở mức 8.500 – 10.000 đồng/kg. Giá ở các tỉnh phía Nam, do sản lượng từ vụ hè thu khá dồi dào nhờ diện tích trồng lúa tăng tới 1,5 triệu ha (mức lớn nhất trong 5 năm trở lại đây) nên giá lúa giảm. Giá lúa hiện ở mức 4.700 – 5.100 đồng/kg (lúa thường), giảm 200 – 400 đồng/kg so với tháng 6.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL, giá đã rớt xuống từ 5.500 còn 4.900 đồng/kg. Trong khi đó, nếu tính sơ lược từ một số chi phí dành cho sản xuất như: làm đất, xuống giống, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch thì tổng chi phí là 26.710.000 đồng/ha. Cộng tất cả các chi phí cho 1 ha đạt sản lượng là 5 tấn, thì giá thành sẽ lên tới trên 5.300 đồng/kg. Như vậy, người nông dân thậm chí đang phải chấp nhận bán lỗ 500 - 700 đồng/kg so với giá sản xuất.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, bà con nông dân cũng không nên quá lo lắng trước việc giá gạo trên thị trường thế giới và trong nước giảm vì giá gạo đang giảm hiện nay chỉ là tạm thời do nhu cầu thị trường đã “no” sau một thời gian nhiều quốc gia nhập khẩu gạo để giải quyết nhu cầu cấp bách trong nước họ. Ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT chỉ ra thêm một nguyên nhân: “Giá lúa gạo vụ hè thu luôn thấp hơn vụ lúa đông xuân do thời điểm thu hoạch trùng với mùa mưa nên tỷ lệ sấy khô đạt thấp, chỉ từ 30 – 35%. Trong khi đó, lúa gạo không được sấy đạt quy trình thì chất lượng thấp hơn và giá cũng thường thấp hơn”.

Sau một thời gian sụt giảm trên thị trường thế giới, giá gạo đang có dấu hiệu hồi phục. Theo Trung tâm thông tin thương mại (Bộ Công thương), ngày 28/7, giá gạo thô kỳ hạn trên thị trường Chicago tăng nhẹ, vượt khỏi mức thấp nhất của nhiều ngày gần đây.

Một số thông tin cho rằng, từ nay đến tháng 9/2008, Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng chính sách thu mua lúa mới với mức 425 USD/tấn (tương đương 7.225 đ/kg) để duy trì giá gạo bán ra quốc tế trên mức 650 USD/tấn. Giá gạo của Thái Lan trong tuần qua cũng đã tăng khoảng 2,7%, dự báo sẽ còn tăng thêm khoảng 10% khi chính sách đánh thuế XK gạo của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, cung cầu thị trường gạo thế giới vẫn đang trong thế cầu lớn hơn cung. Chính vì thế, giá lúa gạo chỉ giảm trong thời gian ngắn khi đang thu hoạch rộ.

Một nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, cân đối nguồn cung từ sản xuất lúa hè thu với tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các cơ quan chức năng cũng đang xem xét kiến nghị Chính phủ để có thể tăng hạn mức XK gạo năm nay lên trên 4,5 triệu tấn để thu mua hết hàng hoá cho nông dân.

Doanh nghiệp đừng “té nước theo mưa”

Theo phản ánh từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) gạo không dám đẩy mạnh thu mua lúa gạo vì lo ngại giá gạo thế giới tiếp tục giảm thêm nên giá lúa sẽ lại càng xuống thấp. Tuy nhiên, việc DN chậm thu mua lúa trong khi nguồn cung đang được tăng cường từ vụ hè thu ở vùng ĐBSCL lại đẩy người nông dân vào thế khó khăn. Chính vì vậy, điều hành XK gạo thời điểm này lại rất khó: làm sao để người nông dân không thiệt, nhất là khi giá lúa thì xuống thấp mà chi phí đầu vào lại tăng cao.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), kể từ khi cho phép XK gạo trở lại từ đầu tháng 7/2008, các DN đã ký được hợp đồng XK 900.000 tấn gạo, nâng khối lượng gạo được ký hợp đồng XK đến nay lên 3,4 triệu tấn, tức chỉ còn khoảng 100.000 tấn so với chỉ tiêu XK đến hết tháng 9/2008.

Lý giải về nguyên nhân các DN chậm thu mua lúa cho nông dân, Hiệp hội lương thực cho rằng, lãi suất ngân hàng hiện nay quá cao, chỉ riêng khoản lãi này cũng mất khoảng 15USD/tấn nếu dự trữ trong vòng một tháng. Do vậy, nhiều DN đã chọn phương án chờ tàu vào rồi mới tổ chức mua gạo để tránh bớt chịu lãi ngân hàng, giảm giá thành.

Tuy nhiên, khi DN tính bài toán có lợi cho mình thì lại đẩy quả bóng khó khăn về phía người nông dân. Hiện nay, nguồn cung lương thực được tăng cường khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh thu hoạch vụ lúa hè thu, trong khi đó, chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp lại tăng cao. Hiện nay, giá vật tư, phân bón tăng gấp 2 – 3 lần so với năm trước và năm nay chi phí nhân công trong làm đất, thu hoạch lúa cũng tăng gấp 2 lần so với những vụ sản xuất trước. Nông dân trồng lúa chỉ có thể “sống” được khi bán được giá 5.500 - 6.000 đồng/kg, nếu thấp hơn cũng khoảng 5.000 đồng/kg. Nếu không sớm tiêu thụ hết lúa cho nông dân, hàng loạt hộ dân sẽ rơi vào cảnh khốn đốn do để có vốn đầu tư cho vụ lúa nhiều hộ đã vay ngân hàng hoặc mua nợ giống, phân bón tại các đại lý với lãi suất khá cao.

Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nêu quan điểm: “Càng khi thị trường khó khăn thì DN lại càng phát huy vai trò của mình. Nếu giá lúa xuống thấp, nguồn cung tăng mà DN lại “chê” lúa thì chẳng khác nào “té nước theo mưa” vì như vậy sẽ đẩy giá lúa càng thấp hơn và người nông dân càng khó khăn hơn. Nên chăng, DN nên tăng cường thu mua lúa gạo cho nông dân. Nếu khó khăn ở đâu, vốn hay cơ chế thì có thể kiến nghị để Chính phủ tháo gỡ. Hơn nữa, các DN từng đạt mức lãi cao vào đầu năm nên chia sẻ khó khăn với nông dân. Như vậy, người nông dân cũng không bị thua thiệt và về lâu dài mới an tâm với cây lúa”.

Ông Phan Huy Thông cũng không đồng tình với quan điểm của VFA cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến DN không mặn mà thu mua do thuế XK gạo. “Thuế xuất khẩu gạo chỉ áp dụng khi hợp đồng XK gạo được ký từ mức giá 600USD/tấn. Ở mức giá này, cả DN và nông dân vẫn có lợi”, ông Thông giải thích. Hiện nay, VFA cho rằng nên nâng mức khởi điểm chịu thuế xuất khẩu gạo lên mức 800 USD/tấn hoặc tốt nhất là bỏ luôn vì giá gạo thế giới xuống thấp, khó tiêu thụ hơn, trong khi chi phí đầu vào sản xuất lúa lại tăng rất cao./.

XK gạo trong tháng 7 đạt 350.000 tấn, trị giá 339 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm là 2,794 triệu tấn năm là 2,794 triệu tấn với kim ngạch là 1,810 tỷ USD, đạt 93,2% về lượng nhưng tăng tới 87,6% về trị giá.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường