Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân: Mục tiêu "hai tăng, một giảm" liệu có đạt được?
18 | 09 | 2007
Đây là một trong những mục tiêu được Hội nông dân Việt Nam đặc biệt quan tâm, cùng các cấp, các ngành trong cả nước phấn đấu đến năm 2010 tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40%, sử dụng thời gian lao động nông thôn đạt 85% và giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 50%. Nhưng xem ra còn xa vời, khó có thể thực hiện được.

Áp lực về lao động, việc làm

Nước ta là nước nông nghiệp với gần 74% dân số sống ở nông thôn, chủ yếu làm nông, lâm, ngư nghiệp. Mặc dù đã qua hàng chục năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất, nhưng đến nay ở khu vực nông thôn lao động vẫn chiếm gần 70% với 32 triệu lao động, mỗi năm tăng thêm gần 1 triệu lao động đến tuổi chưa có việc làm. Đó là chưa kể dưới 30% thời gian lao động nông nhàn. Mặt khác, mỗi năm Nhà nước chuyển gần 200 nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác, kéo theo hàng trăm nghìn lao động chính mất việc làm, mà lực lượng lao động này mất đất đồng nghĩa với mất nghề nghiệp. Chưa nói đến các khu công nghiệp lớn với máy móc, thiết bị ngày càng hiện đại, công nghệ cao làm cho lực lượng lao động dôi thừa ngày càng nhiều. Trong khi đó, các chính sách đầu tư, khôi phục làng nghề, tổ chức hợp tác, trang trại còn thả nổi. Việc đầu tư cho dạy nghề, phát triển nghề mới và tạo việc làm ở nông thôn cũng chưa được chú ý.

Theo ông Nguyễn Hữu Mai, Phó chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho biết: Việc đầu tư cho dạy nghề có trình độ cao phục vụ các khu công nghiệp lớn với đầu tư dạy nghề lao động phổ thông phục vụ cho làng nghề, trang trại và các thành phần kinh tế khác cũng chưa được quan tâm đúng mức, đã tạo ra áp lực lớn cho vấn đề lao động và việc làm.

Dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân như thế nào?

Trong những năm qua, Hội nông dân Việt Nam đã thành lập gần 50 trung tâm dạy nghề trực thuộc Trung ương Hội, các khu vực và tỉnh, thành Hội; đào tạo, xây dựng được gần 400 cán bộ quản lý, nghiệp vụ. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng nghìn báo cáo viên, giảng viên phục vụ cho công tác truyền thông, hướng nghiệp, dạy nghề, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghề nghiệp, kỹ thuật cho nông dân, với các chương trình: Xây dựng mô hình sản xuất mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tổ chức dịch vụ, hình thành các câu lạc bộ nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã…

Ông Phan Thanh Giảng, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết: Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân của tỉnh đã tổ chức dạy nghề ngắn hạn về may công nghiệp cho gần 600 nông dân; tập huấn chuyển giao vận hành và sửa chữa máy kéo nông nghiệp cho gần 500 nông dân ở các huyện: Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Đặc biệt đã hướng dẫn cho 8 nông dân là đồng bào Rục biết sử dụng máy cày, bừa, làm đất trồng lúa nước. Trung tâm hỗ trợ cho nông dân mua gần 400 máy nông nghiệp đa chức năng v.v..

Với các hình thức dạy nghề tập trung dài hạn, ngắn hạn, tập huấn bồi dưỡng, hội thảo đầu bờ, lấy nông dân dạy nông dân, các Trung tâm đã tổ chức dạy nghề cho gần 25 nghìn lao động nông thôn, trong đó đào tạo tập trung dài hạn cho gần 5 nghìn người. Hoạt động dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân đã xuất hiện những điển hình như các trung tâm thuộc Hội nông dân các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, An Giang, Quảng Ngãi… Nổi bật là trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân ở An Giang đã khắc phục khó khăn, hướng về cơ sở, địa bàn nông thôn, tổ chức dạy nghề tại chỗ cho hơn 34 nghìn hội viên, nông dân và giới thiệu việc làm tại chỗ cho gần 5.000 nông dân.

Tuy nhiên trên thực tế, công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi về nghề nghiệp và việc làm của nông dân. Ở nhiều nơi, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ dạy nghề cho nông dân còn quá sơ sài; đội ngũ cán bộ quản lý, tổ chức còn yếu và thiếu; cán bộ nghiệp vụ, chuyên môn còn mỏng; nội dung giảng dạy còn chắp vá, chưa có chương trình quy định chung của Nhà nước v.v..

Cần có đề án dạy nghề cho nông dân

Công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nay đến năm 2010 đang là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các cấp Hội nông dân nhằm thực hiện cho được mục tiêu "Hai tăng, một giảm": Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40%, sử dụng thời gian lao động nông thôn đạt 85%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 50%. Đòi hỏi các cấp, các ngành và các cấp Hội nông dân khai thác triệt để mọi lợi thế phục vụ cho công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân, phấn đấu mỗi năm tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 3,5 triệu nông dân; dạy nghề cho 82.700 người, trong đó dài hạn hàng nghìn người, ngắn hạn hơn 10.500 người và dạy nghề tại chỗ cho 70.000 người; tư vấn và giới thiệu việc làm cho 15.000 người v.v..

Để làm được việc này, vấn đề trọng tâm là phải kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành và đội ngũ cán bộ của Trung tâm từ trung ương đến các địa phương; huy động mọi nguồn lực cho công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân. Đồng thời đề nghị Nhà nước đầu tư một phần kinh phí để nâng cấp, hoàn thiện các trung tâm dạy nghề; tăng cường mua sắm trang, thiết bị, phấn đấu đến năm 2010, tất cả các tỉnh, thành Hội đều có trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân. Đã đến lúc cần phải xây dựng đề án dạy nghề cho nông dân để trình Chính phủ đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề cho nông dân; cần phải có số lượng biên chế cần thiết để quản lý, điều hành các Trung tâm. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tập trung cho công tác dạy nghề, phát triển nghề mới, khôi phục ngành nghề truyền thống, tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm cho nông dân.



Văn Hướng (Báo QDND)
Báo cáo phân tích thị trường