Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tháo gỡ vướng mắc trong tiêu thụ cá tra ở Tiền Giang
08 | 08 | 2008
Tỉnh Tiền Giang đã tập trung các giải pháp nhằm giải quyết nhanh lượng cá tra tồn đọng, đồng thời thúc đẩy nghề nuôi cá tra phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, đến nay chưa có giải pháp khả thi: Lượng cá tồn đọng ngày càng tăng trong khi tiến độ giải ngân vốn vay chậm do vướng mắc trong thủ tục cho vay của ngân hàng và mức lãi suất cao làm các doanh nghiệp không muốn mua dự trữ.
Việc nuôi cá tra trên địa bàn Tiền Giang với quy mô lớn mới phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Năm 2007, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh là 922,11ha, trong đó có 82,11ha nuôi thâm canh, còn lại là nuôi nhỏ lẻ theo nông hộ, với tổng sản lượng gần 30 nghìn tấn.

Những tháng đầu năm 2008, diện tích nuôi cá tra vẫn ổn định với 949,3ha, trong đó, nuôi thâm canh là 130ha. Tuy nhiên, tình hình giá cá tra lại giảm, gây bất lợi cho người nuôi. Một nghịch lý là giá cá tra biến động không phải do thị trường xuất khẩu bất ổn, mà do khả năng tài chính của các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ cá tra.

Ðến cuối tháng 5, tỉnh Tiền Giang có tám doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã sản xuất, xuất khẩu 25.456 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 62 triệu USD. Ðiều này cho thấy, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định. Các doanh nghiệp khẳng định, thị trường tiêu thụ thế giới vẫn bình thường, con cá tra vẫn được ưa chuộng.

Việc cá tra giảm giá liên tục thời gian qua bắt nguồn từ khó khăn trong nước. Ðó là chính sách tín dụng thắt chặt cùng với lãi suất cao làm cho doanh nghiệp xuất khẩu không dám mua cá dự trữ, đẩy người nuôi cá tra vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Nếu bán thời điểm giảm giá thì lỗ nặng, không có khả năng đầu tư nuôi tiếp vụ sau; còn chờ được giá thì không biết khi nào trong khi vẫn phải chi phí nuôi.

Theo các hộ nuôi cá, áp lực lớn nhất của họ hiện nay là chi phí nuôi cá tra, cá ba sa tăng cao do giá thức ăn, giá thuốc, hóa chất phục vụ nuôi,... đồng loạt tăng theo.

Ngược lại, giá cá nguyên liệu lại giảm (từ 15.200 đồng/kg xuống còn dưới 14.000 đồng/kg) làm hàng loạt hộ nuôi điêu đứng trước nguy cơ lỗ nặng. HTX nuôi cá tra Hòa Hưng, Cái Bè có tổng diện tích nuôi cá tra là 29ha.

Hiện nay, số cá tồn đọng quá lứa chưa bán được là 400 tấn và gần một nghìn tấn cá đến kỳ chuẩn bị thu hoạch nhưng chẳng ai đến mua. Giá thu mua cá tra loại tốt chỉ dưới 14.000 đồng/kg, trong khi đó, giá thành cá tra nuôi lên từ 16.000 đồng đến 16.500 đồng/kg do chi phí thức ăn và thuốc trị bệnh cho cá tăng cao. Như vậy, với mức giá hiện nay HTX lỗ nặng, nên chỉ cung cấp thức ăn cầm chừng cho gần 1.500 tấn cá đang tồn đọng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Thanh Cẩn cho biết: Trước tình hình biến động giá cá tra, doanh nghiệp mua cầm chừng đã đẩy người nuôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, khó gây dựng lại cho vụ nuôi sau, UBND tỉnh đã mở nhiều hội nghị, tạo điều kiện cho "các nhà" (Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, nông dân,...) gặp nhau để bàn, thống nhất các giải pháp tiêu thụ lượng cá tồn đọng quá lứa và lượng cá đến thời kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa có lối thoát. Cái khó là nuôi cá tra đòi hỏi vốn đầu tư lớn, người nuôi phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Trong khi đó, ở tỉnh hiện nay chỉ có Công ty Cổ phần Hùng Vương tiến hành thu mua cá tra. Ðến nay, công ty đã mua được hơn 5 nghìn tấn cá tra quá lứa. Số cá tra quá lứa còn lại khoảng 7 nghìn tấn và lượng cá đến thời kỳ thu hoạch là hơn 20 nghìn tấn, hiện tiêu thụ rất chậm.

Ðể tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho người nuôi cá tra, Tiền Giang kiến nghị có giải pháp hỗ trợ vốn cho ba doanh nghiệp để thu mua cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của tỉnh là 320 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng đã phân bổ 200 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Hùng Vương vay để mua hơn 13 nghìn tấn cá nguyên liệu. Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, cho Công ty Cổ phần Thương mại Gò Ðàng vay 70 tỷ đồng; Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Tiền Giang cho Công ty Cổ phần Thủy sản Vinh Quang vay 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các điều kiện về thủ tục, lãi suất cao và thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, cho nên nguồn vốn này chưa được giải ngân. Riêng nguồn vốn 100 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước phân bổ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đến nay đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng, phần nào giải quyết kịp thời cho các hộ nuôi mua thức ăn duy trì đàn cá chờ doanh nghiệp thu mua.

Việc biến động giá cá tra, cá ba sa thời gian qua là bài học cho việc phát triển con cá tra của tỉnh Tiền Giang cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cá tra hiện nay vẫn được thế giới ưa chuộng và là loài cá phát triển thích hợp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, nghề nuôi cá tra phát triển đã góp phần phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng thu nhập cho nông dân ở các địa phương. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đã góp phần phát triển kinh tế, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra thời gian qua cũng chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, chưa bền vững.

Do mở rộng, phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tràn lan, không theo quy hoạch đã để lại những hậu quả: môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, kéo theo hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm làm ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản, cung vượt cầu. Giá cả lúc lên lúc xuống khiến nông dân không kịp trở tay.

Việc nuôi cá tra trong thời gian qua chỉ mang tính tự phát, nông dân tự nuôi, doanh nghiệp tự xây dựng nhà máy, không theo quy hoạch quản lý về chuyên môn. Nông dân thiếu định hướng từ phía các ngành chức năng, trong khi nhà quản lý chưa mạnh tay xử lý tình trạng vi phạm, phá vỡ quy hoạch. Mối liên kết giữa nhà máy chế biến và người nông dân chưa bền chặt dẫn đến việc phá vỡ hợp đồng luôn xảy ra.

Từ những nguyên nhân trên, một mặt Tiền Giang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho người nuôi trong vấn đề tiêu thụ cá, mặt khác, tỉnh cần xây dựng cơ chế ràng buộc thực hiện Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng giữa các hộ nuôi cá tra với các doanh nghiệp chế biến thủy sản nhằm giúp các hộ nuôi và các doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định, hoạt động có hiệu quả. Vận động nông dân và doanh nghiệp tôn trọng những cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng sản xuất, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá da trơn.

Ðể nghề nuôi cá tra phát triển theo hướng bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngành thủy sản cần sớm quy hoạch vùng nuôi cá tra thâm canh. Ðồng thời khẩn trương đề xuất dự án "Cảnh báo dịch bệnh và môi trường vùng nuôi cá tra thâm canh".

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi hơn trong việc giải quyết dứt điểm lượng cá tra tồn đọng trong các hộ nuôi với số lượng tương đối lớn nhằm tạo điều kiện cho nông dân nuôi tiếp các vụ sau, Tiền Giang kiến nghị các ngành liên quan sớm có chính sách cho nợ thuế; giãn nợ và thời hạn vay vốn, hoặc lập quỹ bình ổn giá phân bổ cho các doanh nghiệp tập trung thu mua cá chế biến dự trữ.



Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường