Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Áp dụng chính sách đền bù khi thu hồi đất ra sao?
18 | 08 | 2008
Cuối năm 2008 mới xem xét, điều chỉnh về giá đất. Sau khi hợp nhất, giữa HN và Hà Tây còn nhiều điểm vênh nhau trong chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP - cho biết, hiện vẫn phải giữ nguyên mức giá như HĐND các địa phương thông qua và UBND phê duyệt (Vĩnh Phúc, HN, Hà Tây, Hoà Bình). Nếu có biến động về giá, cũng phải chờ tới kỳ họp HĐND TPHN cuối năm 2008 mới có thể xem xét, điều chỉnh.

Xin ông cho biết những điểm khác nhau trong chính sách đền bù, GPMB giữa HN và Hà Tây?

- Chúng tôi đã nghiên cứu chính sách của Hà Tây trước đây và nhận thấy chính sách của HN chi tiết hơn, hoàn toàn có thể áp dụng ngay cho thủ đô mới. Tuy nhiên, có một số điểm khác nhau cơ bản. Chẳng hạn, Hà Tây có chính sách đặc thù đền bù đối với thu hồi đất miền núi, còn HN thì không có. Hà Tây có chủ trương đền bù bằng giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất nông nghiệp, còn HN thì không.
 
Tại Hà Tây, hiện tại giao dịch đất dịch vụ với cơ chế là cứ thu hồi một diện tích bất kỳ là tính luôn giao đất dịch vụ 10% và diện tích tối đa cho các lần được giao đất dịch vụ là 150m2. Còn HN thì dứt khoát phải bị thu hồi trên 30% mới được đền bù bằng đất ở. Ngoài ra, HN chỉ giao dịch đất dịch vụ 1 lần. Người được đền bù bằng đất phải cam kết diện tích đất nông nghiệp còn lại nếu bị thu hồi trên 30% cũng không được giao đất nữa.

Ông Nguyễn Đức Biền.
Như vậy, chính sách bồi thường sẽ điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

- Theo quy định thì chủ thể mới (HN hợp nhất) sẽ ban hành chủ trương mới để thực hiện thống nhất. Trong quá trình chưa ban hành cơ chế mới, cái gì có thể sử dụng chung được cũng phải khẳng định bằng văn bản. UBND TP cần ban hành những quyết định để xác định những cơ chế nào được thực hiện trên địa bàn toàn TP mở rộng có tính chung, phù hợp pháp luật, song có những cái buộc phải chấp nhận độ vênh. Giá đất là một ví dụ.

HN tuy mở rộng, song giá đất hiện nay là cao trong nội thành và thấp dần xuống ngoại thành. Chúng ta phải tuân thủ những gì đã được HĐND các địa phương phê duyệt. Xác định giá đất cũng trên cơ sở các tính toán của Chính phủ, nên tôi nghĩ vẫn phù hợp. Cuối năm 2008, sẽ xem xét giá đất của toàn HN, nhưng chắc chắn khi xác định giá cũng trên cơ sở đặc  điểm, điều kiện từng nơi nên vẫn có độ cao, thấp khác nhau, chứ không phải về HN là giá đất vọt lên. 

Khi hợp nhất HN, về tâm lý người dân trên địa bàn  Hà Tây (cũ) sẽ trông chờ giá bồi thường ở mức cao hơn. Như vậy, liệu có thêm khó khăn cho công tác GPMB?

- Giá bồi thường giữ nguyên ở các địa phương cho đến hết năm 2008. Giá mới phải thông qua HĐND TP, tức là phải đầu năm 2009 mới có giá mới. Nguyên tắc xem xét giá đất trong những năm tới là xác định giá đất từng quận, huyện theo địa giới, cự ly với khu trung tâm và theo mật độ đô thị và hạ tầng. Thế nên, có khi vẫn giữ nguyên giá đất mà HĐND Hà Tây đã thông qua nếu không có biến động lớn. 

Vậy những dự án đang triển khai có được thực hiện theo cơ chế bồi thường trước 1.8 hay chờ cơ chế mới?

- UBND TPHN sẽ có hướng dẫn cụ thể. Nhiều nguyên tắc đã được quy định trong luật, cơ chế chính sách trước 1.8 đã duyệt rồi, nhưng chưa trả tiền cho dân thì phải thực hiện theo chính sách mới (chính sách mới có thể tốt hơn cũng có thể không bằng). Chưa thực hiện xong, nhưng không phải do người dân gây ra thì phải cho áp dụng chính sách sau đó; nếu do lỗi người dân thì người dân phải chịu.

HN có chính sách bồi thường bằng đất, nhưng có nêu rõ vị trí không, thưa ông?

- HN đã có xác định rõ ràng. Các quận thì giao căn hộ tái định cư trong các khu tái định cư, huyện ngoại thành thì giao đất trên phạm vi huyện... để tránh chuyện ai cũng muốn vào trung tâm. Sóc Sơn lại muốn về Từ Liêm chẳng hạn, thì không được.

- Xin cảm ơn ông!



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường